Trung Quốc muốn gì khi cho nhiều tàu đến hoạt động ở vùng biển Hawaii?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Truyền thông Mỹ đưa tin, một số lớn các tàu được cho là được chính phủ Trung Quốc tài trợ đã tiếp cận vùng biển Hawaii, hoạt động của chúng làm dấy lên lo ngại của người dân địa phương và thậm chí cả quân đội Mỹ.
Trung Quốc tổ chức các đội tàu đánh bắt viễn dương (Ảnh: Dongfang).
Trung Quốc tổ chức các đội tàu đánh bắt viễn dương (Ảnh: Dongfang).

Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương (Dongfang) ngày 21/5, trang web Honolulu Civil Beat hôm 17/5 đã đăng bài cho biết, ngày càng xuất hiện nhiều tàu Trung Quốc ở gần quần đảo Hawaii; chúng không chỉ đánh bắt quá mức mà còn đe dọa tàu đánh cá của ngư dân Hawaii. Ông Eric Kingma, Giám đốc điều hành của Hawaii Longline Association (Hiệp hội ngư nghiệp đánh bắt xa bờ Hawaii), cho biết những chiếc tàu Trung Quốc này có lúc đánh cá, có lúc chỉ chạy lòng vòng ở Đông Thái Bình Dương, nhưng đôi khi dường như chúng chỉ để có mặt ở trên biển. Vào tuần trước, có một nhóm tàu Trung Quốc chạy lên phía bắc, luẩn quẩn quanh Khu bảo tồn Động vật Hoang dã Quốc gia Đảo Midway. Eric Kingma nói: "Họ đang đánh bắt cái gì vậy? Tôi không biết. Nhưng đây là một ví dụ về việc họ đang ở rất gần Hawaii, và chúng tôi nghĩ rằng họ đang ngày càng tiến đến gần hơn".

Ông Kingma cho biết, các tàu đánh cá Trung Quốc thường lớn hơn nhiều so với tàu đánh cá của ngư dân Hawaii, họ còn xua đuổi các ngư dân Hawaii ra khỏi khu vực câu cá Ngừ. Ngư dân Hawaii cũng cáo buộc tàu Trung Quốc có hành động đe dọa gần tàu của họ, thậm chí có hành vi xô đẩy họ. Cảnh sát biển Mỹ trong một báo cáo vào tháng 9 năm ngoái cũng nói rằng các hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không thông báo và không được kiểm soát đã trở thành mối đe dọa an ninh cấp bách nhất trên biển. Cảnh sát biển cho rằng: “Kiểu khai thác này đã phá hoại an ninh khu vực và quốc gia, phá hoại trật tự dựa trên các quy tắc trên biển, phá hoại việc tiếp cận, cung cấp nguồn thực phẩm và phá hoại nền kinh tế hợp pháp”.

Cảnh sát biển Mỹ triển khai tàu tuần tra ở vùng biển gần Hawaii (Ảnh: USCG).

Cảnh sát biển Mỹ triển khai tàu tuần tra ở vùng biển gần Hawaii (Ảnh: USCG).

Honolulu Civil Beat cũng viết rằng, điều đáng lo ngại không chỉ là tính bền vững của nguồn tài nguyên thủy sản. Các nhà phân tích đã chú ý đến sự phối hợp giữa quân đội Trung Quốc và các tàu dân sự ở Biển Đông trong nhiều năm.

Tháng 10 năm ngoái, ông O'Brien, khi đó là Cố vấn An ninh Quốc gia của Nhà Trắng đã tuyên bố lực lượng Cảnh sát biển Mỹ đã được tăng cường triển khai ở các đảo trên Thái Bình Dương để thực hiện nhiệm vụ giữ an ninh trên biển; khi đó ông cũng đề cập đến các hành vi đánh bắt trái phép và quấy rối của tàu Trung Quốc.

Bài báo trên Honolulu Civil Beat cũng nói rằng mối quan hệ giữa chính phủ Trung Quốc và đội tàu đánh cá Trung Quốc không chỉ giới hạn ở các khoản trợ cấp. Các nhà phân tích trong nhiều năm qua đã chú ý đến hành động phối hợp của Hải quân Trung Quốc và một số tàu có vẻ là tàu dân sự Trung Quốc trên vùng biển đang có tranh chấp ở Biển Đông. Các tàu treo cờ Trung Quốc dường như luôn làm nhiệm vụ trinh sát cho Hải quân và giám sát khu vực lãnh thổ tranh chấp; đôi khi còn xung đột với tàu của các nước láng giềng. Hiện nay một số người cho rằng Bắc Kinh có thể cũng đang sử dụng sách lược tương tự để mở rộng hơn nữa ảnh hưởng ở Thái Bình Dương.

Cảnh sát biển Philippines tiếp cận các tàu dân quân biển Trung Quốc neo đậu cạnh bãi Ba Đầu (Ảnh: AP).

Cảnh sát biển Philippines tiếp cận các tàu dân quân biển Trung Quốc neo đậu cạnh bãi Ba Đầu (Ảnh: AP).

Bài báo cũng dẫn lời ông Alex Grey, một nhà nghiên cứu tại Hội đồng Chính sách Đối ngoại Mỹ, nói rằng các tàu Trung Quốc đã đi vào lãnh hải của Mỹ, trong đó có vùng biển Hawaii.

Bài báo dẫn lời cựu Giám đốc tình báo Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Đại tá Hải quân nghỉ hưu James Fanell nói: "Các hoạt động của đội tàu đánh cá Trung Quốc được tích hợp vào các hành động quốc gia lớn hơn".

Trong vài tháng gần đây, Trung Quốc thường xuyên tiến hành các hoạt động trên Biển Đông. Hai tháng trước, cơ quan giám sát khu vực tranh chấp của chính phủ Philippines đã phát hiện ra hơn 200 tàu Trung Quốc đang thả neo ở vùng biển xung quanh bãi Ba Đầu (Whitsun Reef). Chính phủ Philippines coi những người trên các tàu đánh cá này là dân quân biển. Rạn san hô Whitsun (bãi Ba Đầu) nằm trong vùng đặc quyền kinh tế mà Philippines tuyên bố.

Philippines mô tả sự xuất hiện của hơn 200 tàu dân quân biển Trung Quốc trên bãi đá ngầm Whitsun là "một sự tràn ngập và có tính đe dọa". Mỹ, Nhật Bản và nhiều quốc gia khác đã bày tỏ quan ngại về ý đồ của Trung Quốc.