Ngày 20/5, bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố nước này đã nhận được sự ủng hộ của hơn 40 quốc gia trong hồ sơ Biển Đông(?!)
Theo Reuters, phát biểu trong một cuộc họp báo, người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh khoe rằng: «Đã có hơn 40 nước ra thông cáo chính thức hoặc bày tỏ bằng biện pháp này hay khác», «ngày càng có nhiều nước thể hiện quan điểm ủng hộ Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông». Đại diện bộ Ngoại giao Trung Quốc kể ra trường hợp của Liên đoàn Các Quốc gia Ả rập, một tổ chức quốc tế có trọng lượng trong khu vực «đã công khai ủng hộ lập trường của Trung Quốc».
Theo nhật báo Japan Times, trong chiến dịch ngoại giao nói trên Trung Quốc cũng tìm kiếm cả sự ủng hộ của nhiều nước nhỏ. Theo bộ Ngoại giao Trung Quốc, hai nước gần đây lên tiếng ủng hộ Bắc Kinh là Bosnia-Herzegovina, một nước nhỏ ở châu Âu với 4 triệu dân, và Niger, quốc gia Tây Phi với 17 triệu dân. Trong tuần qua, Bắc Kinh nói còn có thêm Burundi, Slovenia và Mozambic.
Nhiều nhà quan sát đặt câu hỏi: Các quốc gia nằm trong danh sách «hơn 40 nước» nói trên có thực sự ủng hộ lập trường về Biển Đông của Bắc Kinh? Tại hội nghị về việc thực thi Tuyên bố ứng xử tại Biển Đông (DOC) tại Singapore cuối tháng 4/2016, nhiều chuyên gia, nhà ngoại giao lên án việc ngoại trưởng Bắc Kinh tuyên bố ba nước thành viên ASEAN, Campuchia, Lào và Brunei, ủng hộ lập trường của Bắc Kinh về tranh chấp Biển Đông, sau chuyến công du của ông Vương Nghị. Tuy nhiên, ngay sau đó chính quyền Phnom Penh đã lập tức bác bỏ, với khẳng định Campuchia không thảo luận, không thỏa thuận riêng rẽ với Vương Nghị về Biển Đông. Chuyên gia Singapore, Bilahari Kausikan, cố vấn của bộ Ngoại giao Singapore, lên án «chiến thuật chia rẽ ASEAN» trước khi Toà Trọng tài Thường trực ra phán quyết.
Trong vấn đề Biển Đông, Bắc Kinh cũng tìm kéo hai cường quốc khác về phía mình. Hội nghị ngoại trưởng Ấn Độ-Nga-Trung Quốc, tại Matxcơva tháng 4/2016, ra một tuyên bố chung, kêu gọi giải quyết vấn đề Biển Đông bằng cái gọi là sự «đồng thuận» giữa các nước liên quan, điều mà Trung Quốc đồng nhất với nguyên tắc «đàm phán song phương» do Bắc Kinh cố hô hào. Trên thực tế, Nga cũng đang nỗ lực tìm kiếm tiếng nói chung với khối ASEAN.
Tuyên bố chung Nga - ASEAN được thông qua tại hội nghị thượng đỉnh lần thứ ba, ở Sochi (Nga), hôm 20/5, ghi rõ hai bên ủng hộ việc «thực thi đầy đủ và thật sự bản Tuyên bố Chung của Các Bên ở Biển Đông (DOC) và ủng hộ việc sớm đạt được Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC)» và khuyến cáo các bên tranh chấp kiềm chế, không sử dụng vũ lực, tôn trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS).
Còn Ấn Độ, ngày thứ Năm vừa qua, New Delhi đã triển khai một đội tàu chiến tại Biển Đông trong chuyến đi hơn 2 tháng, nhằm gia tăng hợp tác với các nước ven Biển Đông và Tây Bắc Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam và Philippines, ngay trước chuyến công du 4 ngày của tổng thống Ấn Độ tại Trung Quốc (từ 24/5 đến 27/5). Một động thái được cho là để đối trọng với tham vọng ngày càng quá đáng của Bắc Kinh tại khu vực này. Theo India Times, tối ngày 19/5, ngay sau khi đội tàu chiến của Ấn Độ lên đường, một quan chức ngoại giao Trung Quốc xin giấu tên cho biết Hoạt động quân sự của Ấn Độ tại Biển Đông khiến Bắc Kinh lo ngại.