
Trung Quốc đã kêu gọi Ấn Độ hợp tác phản đối các chính sách thương mại mới của Washington, mà Bắc Kinh mô tả là "lạm dụng".
Việc Trung Quốc tiếp cận quốc gia Nam Á này diễn ra sau thông báo của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc tăng thuế quan đáng kể, đưa tổng thuế quan đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc lên 104%.
Yu Jing, người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Ấn Độ, đã chỉ trích các hành động áp thuế của Washington trong một bài đăng trên mạng xã hội trong hôm 9/4, tuyên bố rằng "tăng trưởng kinh tế ổn định", "năng lực đổi mới" và "ngành sản xuất mạnh mẽ" của Trung Quốc đã tạo ra những tác động có lợi cho phần còn lại của thế giới.
Bắc Kinh đã tiếp cận New Delhi để cải thiện quan hệ kinh tế và giao lưu nhân dân. Gần đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi Bắc Kinh và New Delhi hợp tác chặt chẽ hơn sau một thời gian quan hệ căng thẳng.
Trung Quốc ủng hộ toàn cầu hóa kinh tế và chủ nghĩa đa phương, đóng góp khoảng 30% vào tăng trưởng toàn cầu hàng năm và sẽ tiếp tục hợp tác với các quốc gia khác để bảo vệ hệ thống thương mại đa phương tập trung vào WTO, bà Yu viết trên X.
Bà Yu đề xuất rằng Trung Quốc và Ấn Độ nên hợp tác để vượt qua những thách thức do thuế quan của Mỹ gây ra, mà bà cho biết là cản trở sự phát triển của các quốc gia, đặc biệt là ở Nam Bán cầu.
Người phát ngôn nhấn mạnh rằng chiến tranh thương mại và thuế quan gây bất lợi cho tất cả các bên liên quan và các quốc gia, thay vào đó nên thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, tham vấn và hợp tác, đồng thời phản đối chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ.
Ấn Độ phải đối mặt với mức thuế 26% đối với hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ theo một phần các biện pháp mới của ông Trump. Tuy nhiên, New Delhi đã nói rõ rằng họ sẽ không áp dụng thuế quan trả đũa.
Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S. Jaishankar đã tuyên bố rằng Ấn Độ đang tích cực hợp tác với chính quyền Trump để đạt được thỏa thuận thuế quan. Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Rising Bharat ở Delhi vào ngày 9/4, ông Jaishankar tiết lộ rằng cách tiếp cận của Ấn Độ để giải quyết vấn đề thuế quan là thảo luận với chính quyền Mỹ.
Ông lưu ý rằng Ấn Độ đã có nhiều tương tác với Mỹ trong 6 tuần qua hơn là với toàn bộ châu Âu trong vài năm qua. Ông Jaishankar bày tỏ sự thận trọng về việc dự đoán tác động của thuế quan nhưng đề cập rằng Ấn Độ là một trong số ít quốc gia mà Mỹ có "sự hiểu biết về nguyên tắc" kể từ khi ông Trump nhậm chức.
Ông nói thêm rằng Ấn Độ đặt mục tiêu đàm phán một thỏa thuận thương mại với Mỹ vào mùa Thu năm nay và đang duy trì đối thoại cởi mở và mang tính xây dựng với chính quyền Mỹ.

Thuế đối ứng: Cuộc “so găng” chưa thấy hồi kết giữa Mỹ và Trung Quốc

Lỡ “hạn chót” về thuế của Mỹ, Trung Quốc đáp trả bằng cách nào?

Mỹ khẳng định áp thuế 104% với Trung Quốc, sẵn sàng đàm phán với các nước khác
Theo RT