Trung Quốc giảm tỷ lệ dự trữ ngoại hối bắt buộc, quyết tâm hỗ trợ đồng NDT đang suy yếu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) hôm thứ Sáu tuần này cho biết họ sẽ hạ yêu cầu dự trữ ngoại hối đối với các ngân hàng từ 6% xuống 4%, có hiệu lực từ ngày 15/9, theo Financial Times.

PBoC quyết tâm ổn định đồng NDT và giảm đầu cơ quá mức (Ảnh: FT)
PBoC quyết tâm ổn định đồng NDT và giảm đầu cơ quá mức (Ảnh: FT)

Ngân hàng trung ương Trung Quốc cho biết sẽ cắt giảm lượng ngoại tệ mà các tổ chức tài chính bắt buộc phải giữ dự trữ, báo hiệu quyết tâm hỗ trợ đồng NDT đang suy yếu.

Đồng NDT của Trung Quốc đã giảm hơn 5% so với đồng USD trong năm nay trong bối cảnh lo ngại về nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, vốn phục hồi chậm kể từ khi Bắc Kinh dỡ bỏ các hạn chế về COVID-19 vào đầu năm 2023.

Các nhà hoạch định chính sách đã tăng tốc các biện pháp mới để hỗ trợ tiền tệ và nền kinh tế của Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản. Các thành phố Quảng Châu và Thâm Quyến trong tuần này đã nới lỏng các điều kiện vay thế chấp cho người mua nhà lần đầu.

Nhưng những câu hỏi đặt ra về triển vọng của các nhà phát triển bất động sản đang khó khăn về tài chính, trong đó có Evergrande và Country Garden, đã làm giảm sức hấp dẫn của chứng khoán Trung Quốc và khiến các ngân hàng đầu tư hạ mức dự báo của họ về tỷ giá hối đoái của đồng NDT.

Khôi phục niềm tin vào đồng NDT

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc hôm thứ Sáu tuần này cho biết họ sẽ hạ yêu cầu dự trữ ngoại hối đối với các ngân hàng từ 6% xuống 4%, có hiệu lực từ ngày 15/9, “nhằm nâng cao năng lực của các tổ chức tài chính trong việc sử dụng quỹ ngoại hối”. Đồng NDT đã tăng tới 0,2% lên 7,2431 NDT đổi 1 USD sau động thái này.

Việc cắt giảm dự trữ bắt buộc sẽ làm tăng lượng USD sẵn có trên thị trường trong nước và có nghĩa rằng các ngân hàng thương mại có đủ khả năng để cắt giảm lãi suất mà họ đưa ra đối với các khoản tiền gửi bằng USD. Động thái này nhằm mục đích làm cho việc chuyển đổi đồng NDT sang USD trở nên kém hấp dẫn hơn, vốn đã góp phần gây áp lực lên đồng tiền Trung Quốc.

Becky Liu, chuyên gia phân tích chiến lược vĩ mô Trung Quốc tại Standard Chartered, ước tính việc cắt giảm sẽ chỉ giải phóng khoảng 16 tỉ USD thanh khoản bằng USD. Bà cho biết tác động của động thái này chủ yếu là thể hiện sự quyết tâm của PBoC trong việc hỗ trợ đồng NDT, vì “bản thân số tiền này không đáng kể nếu xét từ góc độ thanh khoản và tỷ giá đồng USD”.

Liu nói thêm rằng việc cắt giảm và các biện pháp khác đưa ra gần đây nhằm củng cố tỷ giá hối đoái “chỉ nhằm mục đích ổn định đồng NDT và giảm đầu cơ quá mức, thay vì thay đổi xu hướng” mất giá so với đồng USD.

Dữ liệu từ chương trình đầu tư Bond Connect của Hong Kong cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 148 tỉ NDT (20 tỉ USD) trái phiếu chính phủ Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm, do các biện pháp nới lỏng tiền tệ ở Trung Quốc và việc Fed tăng lãi suất đã làm tăng lãi suất chênh lệch lãi suất giữa nợ bằng đồng NDT và nợ bằng USD.

Các nhà đầu tư nước ngoài cũng đã bán tháo cổ phiếu Trung Quốc với tổng giá trị đạt kỷ lục 12 tỉ USD trong tháng 8, và Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo trong tuần này đã cảnh báo trong chuyến thăm Bắc Kinh rằng các công ty Mỹ đang bắt đầu coi Trung Quốc là “không thể đầu tư”.

“Đây là một cuộc chiến rất khó khăn đối với chính quyền Trung Quốc nhằm khôi phục niềm tin vào đồng tiền của họ, do sự kết hợp giữa đồng USD phục hồi và dữ liệu yếu kém từ lĩnh vực bất động sản”, Sean Callow, chiến lược gia tiền tệ cấp cao tại Westpac, cho biết. “Động thái ngày hôm nay không phải là yếu tố thay đổi cuộc chơi”./.

Theo Financial Times