Lo giảm phát kéo dài, người tiêu dùng Trung Quốc thắt chặt chi tiêu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Người tiêu dùng thận trọng khi mua hàng do triển vọng tăng trưởng chậm lại ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Người tiêu dùng Trung Quốc ngại chi tiêu lớn do tình trạng giảm phát (Ảnh: CNBC)
Người tiêu dùng Trung Quốc ngại chi tiêu lớn do tình trạng giảm phát (Ảnh: CNBC)

Người tiêu dùng tránh xa các khoản mua sắm lớn

Đối với Song Jingli, nhà sáng lập 39 tuổi của một startup truyền thông ở Bắc Kinh, năm 2023 được cho là một năm chi tiêu lớn. Cô và chồng hy vọng có thể đi du lịch New Zealand và mua căn hộ thứ hai ở Bắc Kinh.

Nhưng khi mùa hè đến, tình hình kinh tế ảm đạm đã khiến họ tránh xa những chi tiêu đắt đỏ. “Giống như khi bạn biết cơn bão đang đến gần”, Song nói. “Nên tránh xa khỏi nơi có nước”.

Khi Trung Quốc rơi vào tình trạng giảm phát lần đầu tiên kể từ năm 2021 – chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 7 giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước – nhiều người đang suy tính cẩn trọng về cách họ tiêu tiền. Thị trường bất động sản suy yếu, xuất khẩu sụt giảm và tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên tăng vọt, trong khi các nhà hoạch định chính sách chưa ban hành các biện pháp kích thích lớn.

Giảm phát trong tháng 7 phần nào phản ánh sự sụt giảm 26% của giá thịt lợn, chiếm phần lớn trong rổ hàng hoá tiêu dùng. Giá thịt lợn đang phải chịu áp lực từ nguồn cung tăng cao và dự kiến sẽ tiếp tục giảm ít hơn trong tháng 8. Tuy nhiên, các nhà phân tích tại JPMorgan cảnh báo rằng giá ô tô và chi phí thuê nhà cũng có khả năng góp phần vào tình trạng giảm phát tại Trung Quốc

Tình trạng suy yếu kéo dài trong việc tăng giá tổng thể – lạm phát cơ bản, không bao gồm 2 yếu tố dễ biến động: giá thực phẩm và năng lượng, đã tăng lên nhưng vẫn ở mức 0,8% – làm lu mờ kỳ vọng rằng việc dỡ bỏ các hạn chế liên quan đến COVID-19 vào đầu năm sẽ giải phóng nhu cầu tiêu dùng bị dồn nén, như đã xảy ra ở các nền kinh tế lớn khác.

Bóng ma giảm phát ở đại lục cũng xuất hiện trong bối cảnh có dấu hiệu cho thấy người tiêu dùng đang trì hoãn các khoản mua sắm lớn, đặc biệt là nhà, ô tô và du lịch, cho đến khi niềm tin trở lại.

Khoản tiết kiệm dư thừa ở Trung Quốc đã tăng trong nửa đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái và vẫn còn khoảng cách giữa mức tiêu dùng trước đại dịch và hiện tại, UBS cho biết trong cuộc họp tháng này ở Thượng Hải. “Chúng tôi tin rằng lý do chính gây ra khoảng cách này là sự thiếu niềm tin của người tiêu dùng”, Christine Peng, nhà phân tích tại UBS nhấn mạnh.

Dan Wang, kinh tế trưởng của Ngân hàng Hang Seng ở Thượng Hải, cho biết “trước đây, Trung Quốc chưa bao giờ gặp phải vấn đề lạm phát thấp”, đồng thời lưu ý rằng tốc độ tăng trưởng nhanh và tăng trưởng tín dụng giờ đây đã chậm lại cùng với dân số giảm.

1.png
Lạm phát cơ bản của Trung Quốc có tăng, nhưng thấp hơn nhiều so với các nước khác (Ảnh: FT)

Đặc biệt, những người trẻ tuổi đang chịu áp lực phải cắt giảm chi tiêu. Chính phủ trong tháng này đã ngừng công bố dữ liệu về tình trạng thất nghiệp của nhóm thanh niên ngay sau khi tỷ lệ này đạt mức cao kỷ lục 21%, gây áp lực nặng nề đối với niềm tin.

Pang, một nhân viên 25 tuổi làm việc tại một doanh nghiệp nhà nước tại tỉnh An Huy, chia sẻ rằng đã cắt giảm chi tiêu sau khi bị cắt lương. “Tôi từng mua bộ chăm sóc da SK-II cho bạn gái mình mà không hề đắn đo”, anh nói, ám chỉ thương hiệu cao cấp Nhật Bản với những bộ sản phẩm thường có giá khoảng 200 USD.

Đối với những khoản mua sắm lớn như bất động sản và ô tô, Pang nói thêm rằng anh “hoàn toàn phụ thuộc vào cha mẹ”.

“Tôi không còn cảm thấy muốn quan tâm đến những thứ không thiết yếu nữa”, theo một nhân viên văn phòng 26 tuổi khác ở Bắc Kinh tên là Xu, người chỉ ra một xu hướng trực tuyến ở Trung Quốc được gọi là “hạ mức tiêu dùng”, phổ biến trong những người trẻ muốn tiết kiệm tiền mặt.

Nhiều "meme" (nhận thức lan truyền) trên mạng gợi ý thay nước giặt bằng bột giặt, dùng kem dưỡng CeraVe thay kem dưỡng ẩm La Mer cao cấp và bỏ tập gym để theo dõi các video tập luyện tại nhà.

Trong khi đó, xu hướng tiêu dùng rộng lớn hơn giữa các nhóm tuổi ở Trung Quốc hiện vẫn chưa rõ ràng.

Doanh số bán lẻ trong tháng 7 tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái và mức giảm giá đối với các sản phẩm hàng ngày không lan rộng, mặc dù giá tiêu dùng nhìn chung giảm. Hai người về hưu đang xếp hàng vào một nhà hàng ở Thượng Hải nói với Financial Times rằng tin tức kinh tế tồi tệ “không ảnh hưởng” đến chi tiêu của họ, và khẳng định "đó chỉ là vấn đề đối với những người trẻ tuổi hơn".

china-consumer-spending.jpg
Nhiều người dân Trung Quốc không dám chi tiêu nhiều, thận trọng với vay thế chấp (Ảnh: Pymnt)

Tâm lý chờ đợi giá rẻ

Nhưng cái gọi là vòng xoáy giảm phát, trong đó người tiêu dùng trì hoãn chi tiêu với kỳ vọng giá thấp hơn, đã là một rủi ro trong lĩnh vực bất động sản. Giá nhà tại các thành phố lớn nhất Trung Quốc trong tháng 7 này đã giảm 0,2% so với tháng trước và tổng doanh số bán từ các hãng phát triển bất động sản lớn nhất cũng giảm mạnh trong năm nay.

Song, nhà sáng lập startup truyền thông ở Bắc Kinh, cho biết giá chưa đạt đủ hấp dẫn để cô mua bất động sản và cô cũng đang cẩn trọng trong việc vay thế chấp.

Ngoài ra, dấu hiệu tác động đã lan tỏa sang các hàng hóa khác liên quan đến bất động sản. Trong bảng phân tích chính thức về chỉ số giá tiêu dùng từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, giá thuê nhà đã giảm 0,1% trong tháng 7, so với cùng kỳ năm ngoái. Giá thiết bị gia dụng, vốn chịu áp lực từ tình trạng suy thoái nhà ở do ít giao dịch hơn, đã giảm 1,8%.

Theo phân tích dữ liệu chính thức của UBS, doanh số bán lẻ đồ nội thất không thay đổi, doanh số bán thiết bị gia dụng và sản phẩm âm thanh giảm 6%. Ngược lại, doanh số bán lẻ tại các nhà hàng tăng 11%.

Đối với một số người, giá cả vẫn còn quá cao so với mức lương của họ.

Một cư dân 27 tuổi ở thành phố Thường Đức, Hồ Nam cho biết vấn đề tài chính chính của cô là thu nhập thấp, thêm rằng cô không thấy giá cả ở những thành phố cấp 3 thấp hơn so với các thành phố lớn hơn của Trung Quốc. Thu nhập trung bình hàng năm ở Thường Đức là 40.494 NDT (5.560 USD), chưa bằng một nửa mức trung bình ở Bắc Kinh và Thượng Hải.

Xiaodiu chia sẻ rằng cô dự định thay thế chiếc MacBook Air của mình trong năm nay nhưng sau cùng quyết định giữ lại chiếc cũ. Cô nói: “Một xu tiết kiệm được là một xu kiếm được”./.

Theo Financial Times