Phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng ngày 18/4 tuyên bố rằng việc cứu hộ khẩn cấp công dân là một phần nhiệm vụ quân sự và chuyến bay hôm 17/4 “trên lãnh thổ Trung Quốc không có gì ngạc nhiên”.
Tờ báo dân tộc chủ nghĩa Global Times thì ca ngợi đây là lần đầu tiên quân đội Trung Quốc công khai thừa nhận hạ cánh máy bay quân sự xuống Đá Chữ Thập (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam).
“Nhiệm vụ cứu hộ này chứng tỏ năng lực của hải quân Trung Quốc trong việc cứu hộ đường không, việc sẽ không thể diễn ra nếu không có sự mở rộng năng lực hải quân và xây dựng các cơ sở trên các đảo (nhân tạo) những năm gần đây”, tướng Trung Quốc nghỉ hưu Xu Guangyu, hiện là cố vấn chủ chốt của hội đồng giải trừ quân bị Trung Quốc nói.
Theo chuyên gia quân sự Trung quốc Fu Qianshao, sân bay tại Đá Chữ Thập với đường băng dài tới 3.000m thuộc loại lớn nhất ở quần đảo Trường Sa. Địa điểm này cũng thích hợp cho các máy bay cỡ lớn hơn và các máy bay vận tải hạng nặng hơn là các sân bay nhỏ hơn mà Trung Quốc cũng đang xây dựng trái phép tại Đá Subi và Đá Vành Khăn.
Đường băng ở Đá Chữ Thập đủ dài để tiếp nhận các máy bay ném bom tầm xa và các máy bay vận tải cũng như các chiến đấu cơ tốt nhất của Trung Quốc, tạo cho nước này một sự hiện diện sâu hơn trong vùng biển trọng yếu ở Đông Nam Á mà Bắc Kinh cho tới nay vẫn chưa thể kiểm soát được.
Chuyên gia hải quân Lý Kiệt nhận định năng lực đã chứng tỏ của sân bay ở Đá Chữ Thập có thể cho phép cơ sở này được mở rộng thành một căn cứ hậu cần cho hải quân và phối hợp các lực lượng hàng hải của Trung Quốc. “Sân bay này rõ ràng đã chứng minh năng lực trong việc bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc ở Nam Sa (cách gọi quần đảo Trường Sa của Trung Quốc). Nó cũng dọn đường cho hải quân Trung Quốc tham gia các nỗ lực cứu hộ quốc tế, vì các cơ sở được xây dựng trên đảo cũng có thể dẫn đường và phục vụ các nước cũng như các tổ chức quốc tế”, Lý ngang nhiên tuyên bố kiểu lập lờ “đánh lận con đen”.
Lý Kiệt còn cho biết nhiệm vụ cứu hộ đường không của máy bay vận tải quân sự Tây An Y-8 tầm trung được cải tiến thành máy bay tuần tra từ nhiều năm nay, thể hiện năng lực sẵn sàng và tính linh hoạt.
Việt Nam và không một quốc gia cũng như tổ chức quốc tế nào công nhận yêu sách chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông một cách ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế, cũng như việc bồi lấp xây đảo nhân tạo trái phép, quân sự hóa Biển Đông đẩy căng thẳng khu vực leo thang, rồi lại leo lẻo lấy cớ “phục vụ cứu hộ” hay “phục vụ quốc tế” để bao biện cho mưu đồ và tham vọng lãnh thổ của Bắc Kinh.