Nga chấm dứt hiệp ước quân sự với Đức sau gần 30 năm vì căng thẳng Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam

Nga chính thức hủy bỏ hiệp định hợp tác quốc phòng với Đức từ năm 1996, cáo buộc Berlin mang tư tưởng thù địch và can dự trực tiếp vào xung đột Ukraine.

Xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2A6 của Đức được trưng bày tại Moscow, ngày 28/4/2024. Ảnh: Sputnik.
Xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2A6 của Đức được trưng bày tại Moscow, ngày 28/4/2024. Ảnh: Sputnik.

Nga đã chính thức chấm dứt thỏa thuận hợp tác quân sự-kỹ thuật kéo dài hàng thập kỷ với Đức, quốc gia hiện là một trong những nhà tài trợ và cung cấp vũ khí lớn nhất cho Ukraine trong bối cảnh xung đột đang tiếp diễn.

Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin đã chỉ thị Bộ Ngoại giao thông báo cho Berlin rằng hiệp định được ký kết từ năm 1996 – đóng vai trò định hướng hợp tác quốc phòng suốt gần 30 năm – nay không còn hiệu lực, theo một nghị quyết được ký vào hôm 18/7.

Hồi tháng 7, Bộ Ngoại giao Nga đã tuyên bố rằng thỏa thuận này đã không còn phù hợp trong bối cảnh Đức theo đuổi chính sách ngày càng "thù địch công khai" và mang tham vọng quân sự gia tăng. Nga cáo buộc Berlin đang cố tình "nhồi sọ" người dân để coi Nga là kẻ thù số một.

Điện Kremlin đã thể hiện sự lo ngại ngày càng gia tăng trước các tuyên bố cứng rắn từ Berlin hồi đầu tuần này. Người phát ngôn Dmitry Peskov cảnh báo rằng “Đức đang trở nên nguy hiểm trở lại”, sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius tuyên bố rằng quân đội Đức “sẵn sàng tiêu diệt binh sĩ Nga” nếu răn đe thất bại và Nga tấn công.

Nga nhiều lần bác bỏ cáo buộc rằng họ có kế hoạch tấn công NATO, gọi đó là “hoàn toàn vô lý”. Tổng thống Vladimir Putin nói rằng các nước phương Tây đang lừa dối người dân của chính họ để bơm phồng ngân sách quân sự và che đậy thất bại kinh tế.

Berlin mới đây công bố kế hoạch tăng ngân sách quốc phòng lên 153 tỷ euro vào năm 2029, từ mức 86 tỷ euro của năm nay. Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier cũng kêu gọi mở cuộc tranh luận toàn quốc về việc khôi phục nghĩa vụ quân sự bắt buộc, trong khi Thủ tướng Friedrich Merz phát biểu trước quốc hội hôm thứ Tư rằng “ngoại giao đã cạn kiệt công cụ”.

Đức hiện là nhà cung cấp vũ khí lớn thứ hai cho Kiev kể từ khi xung đột Ukraine bùng phát mạnh vào tháng 2/2022, chỉ sau Mỹ. Kiev từng sử dụng xe tăng Leopard do Đức viện trợ trong cuộc tấn công vào vùng Kursk của Nga năm ngoái, nơi từng diễn ra trận đánh xe tăng lớn nhất Thế chiến II.

Vào cuối tháng 5, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố rằng “sự can dự trực tiếp của Berlin vào cuộc chiến giờ đã quá rõ ràng”, và cảnh báo rằng “Đức đang trượt trên con dốc cũ mà nước này từng vấp phải không chỉ một lần trong thế kỷ trước”.

Moscow từ lâu đã lên án các đợt viện trợ vũ khí từ phương Tây, cho rằng chúng không làm thay đổi cục diện chiến trường, mà chỉ kéo dài sự đổ máu và gia tăng nguy cơ leo thang.