Trung Quốc điều tra Alibaba: ngăn chặn độc quyền hay đàn áp công ty tư nhân?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Mới đây, Alibaba lại tiếp tục bị chính phủ Bắc Kinh "sờ gáy" trong nỗ lực ngăn chặn các hành vi chống độc quyền nhắm vào các công ty công nghệ ở nước này.
Ảnh: Reuters
Ảnh: Reuters

Hôm 24/12, Trung Quốc đã mở một cuộc điều tra chống độc quyền đối với tập đoàn Alibaba, ngoài ra công ty con Ant Group của tập đoàn này sẽ được cơ quan quản lý triệu tập trong vài ngày tới. Đây mà một trong những đòn tấn công mới nhất của chính phủ Trung Quốc nhắm vào đế chế công nghệ - tài chính và thương mại điện tử của tỉ phú Jack Ma.

Cuộc điều tra là một phần của chiến dịch ngăn chặn những hành vi chống cạnh tranh trên không gian mạng của Trung Quốc, nó cũng là khó khăn mới nhất mà vị tỉ phú 56 tuổi - nhà sáng lập Alibaba và doanh nhân nổi tiếng nhất Trung Quốc đang phải đối mặt.

Hồi tháng trước, Trung Quốc ngăn đợt phát hành cổ phiếu 37 tỉ USD của Ant Group, chỉ hai ngày trước khi công ty này dự kiến sẽ giao dịch trên sàn Thượng Hải và Hong Kong. Nếu không bị đình chỉ, đợt IPO của Ant Group gần như chắc chắn trở thành thương vụ IPO lớn nhất thế giới, vượt qua đợt IPO lịch sử 25 tỉ USD của chính Ant Group trên Sàn Giao dịch chứng khoán New York (Mỹ) vào tháng 9/2014.

Tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc cho biết, nếu “sự độc quyền được dung thứ và các công ty được phép mở rộng một cách vô trật tự và man rợ thì ngành công nghiệp sẽ không phát triển một cách lành mạnh và bền vững”.

Sau khi tin tức trên được công bố, cổ phiếu của Alibaba đã giảm gần 9% tại Hồng Kông, mức thấp nhất kể từ tháng 7/2020. Tại Mỹ, cổ phiếu của công ty Trung Quốc cũng giảm 13% - mức giảm lớn nhất kể từ khi hãng ra mắt sàn chứng khoán New York vào năm 2014.

Theo một tuyên bố riêng của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc vào hôm 24/12, các nhà quản lý tài chính cũng sẽ có cuộc họp với công ty con Ant Group của Alibaba trong những ngày tới.

Cuộc họp sẽ “hướng dẫn Ant Group thực hiện giám sát tài chính, cạnh tranh bình đẳng và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng” - thông cáo cho biết.

Ant cho biết họ đã nhận được thông báo từ các cơ quan quản lý và sẽ “tuân thủ tất cả các yêu cầu”. Trong khi đó, Alibaba cũng khẳng định họ sẽ hợp tác với cuộc điều tra của chính quyền và hoạt động của công ty sẽ vẫn diễn ra bình thường.

Tỉ phú Jack Ma

Tỉ phú Jack Ma

Fred Hu - Chủ tịch của Primavera Capital Group tại Hồng Kông cũng là một nhà đầu tư của Ant, cho biết thị trường toàn cầu sẽ theo dõi xem xét các động thái này có “động cơ chính trị” hay không và liệu các nhà quản lý Trung Quốc có đang nhắm mục tiêu vào tư nhân để bảo vệ độc quyền nhà nước hay không.

“Sẽ là một bi kịch nếu luật chống độc quyền chỉ được coi là công cụ nhắm vào các công ty công nghệ tư nhân thành công" - ông Hu nói.

Trong khi đó, các nhà quản lý Trung Quốc đã cảnh báo Alibaba về cái gọi là quy tắc “chọn một trong hai” của công ty, theo đó các thương nhân phải ký các thỏa thuận hợp tác độc quyền với Alibaba. Điều này ngăn họ bán sản phẩm trên nền tảng đối thủ của “gã khổng lồ” thương mại điện tử Trung Quốc.

Việc yêu cầu người bán chỉ bán hàng trên một nền tảng duy nhất mà Alibaba quy định trước đây từ lâu đã trở thành một đề tài gây tranh cãi.

Năm 2018, nhà sản xuất thiết bị gia dụng Galanz đã cáo buộc Alibaba phạt công ty này chỉ vì họ từ chối yêu cầu của Alibaba về việc ngừng bán hàng trên nền tảng đối thủ Pinduoduo. Trong năm nay, JD.com cũng đã cáo buộc Tmall của Alibaba hạn chế các nhà cung cấp giao dịch với nền tảng này bằng việc ký kết các giao dịch độc quyền.

Tháng trước, Bắc Kinh đã ban hành các quy tắc dự thảo nhằm ngăn chặn các hành vi độc quyền của các công ty công nghệ. Trong tháng này, Bộ Chính trị Trung Quốc cũng đã tuyên bố sẽ tăng cường các nỗ lực chống độc quyền vào năm 2021 và kiềm chế “việc mở rộng vốn một cách bừa bãi” của các công ty này.

Bên cạnh đó, Bắc Kinh còn cảnh báo các “gã khổng lồ” công nghệ Trung Quốc sẽ bị tăng cường giám sát hơn nữa. Nước này đã phạt tiền và thông báo điều tra về vụ sáp nhập liên quan đến Alibaba và Tencent Holdings.

Theo Reuters