Phê phán chính phủ, Ant Group bị ngừng IPO, ông chủ Alibaba Mã Vân sau một đêm mất 3 tỉ USD

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes -- Kế hoạch niêm yết của Ant Group bất ngờ bị cơ quan quản lý Trung Quốc bắt dừng lại. Thông báo của Sở Giao dịch Chứng khoán Thượng Hải nói, do liên quan đến tranh chấp giữa ông Mã Vân và cơ quan quản lý về dịch vụ thanh toán di động.

Việc cổ phiếu của Ant bị hoãn IPO trên sàn Thượng Hải và Hồng Kông đã gây thiệt hại lớn cho cả Ant Group, Alibaba lẫn ông Mã Vân (Ảnh: Reuters).
Việc cổ phiếu của Ant bị hoãn IPO trên sàn Thượng Hải và Hồng Kông đã gây thiệt hại lớn cho cả Ant Group, Alibaba lẫn ông Mã Vân (Ảnh: Reuters).

Vào thứ Ba (3/11), Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải đã thông báo cho Ant Group, ban quản lý cấp cao của công ty đã được các cơ quan liên quan phối hợp thực hiện để giám sát và “nói chuyện”. Những thay đổi trong môi trường quản lý công nghệ tài chính của Ant Financial “có thể dẫn đến việc phát hành và niêm yết của công ty không phù hợp điều kiện hoặc yêu cầu công bố thông tin”. Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải quyết định tạm dừng kế hoạch niêm yết của Ant Group.

Thông báo của Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải cũng yêu cầu Ant Group ra thông báo theo đúng quy định.

Trong những ngày gần đây, sự bất đồng giữa Mã Vân (Jack Ma), người kiểm soát thực tế của Ant Group và cơ quan quản lý Trung Quốc, đã khiến dư luận rất chú ý. Tuy nhiên, quyết định đình chỉ niêm yết của Ant Financial của Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải vẫn gây sốc cho thế giới bên ngoài.

Theo kế hoạch ban đầu, Ant Group sẽ được niêm yết và giao dịch trên các thị trường Chứng khoán Thượng Hải và Hồng Kông vào thứ Năm, ngày 5/11. Quy mô IPO của Ant Group trên thị trường chứng khoán ở hai nơi dự kiến đạt mức kỷ lục 37 tỉ USD, được coi là đợt IPO lớn nhất trên thị trường chứng khoán thế giới.

Phát biểu của ông Mã Vân tại Hội nghị thượng đỉnh tài chính Thượng Hải hôm 2/11 đã gây nên hệ lụy lớn (Ảnh: Dwnews).

Phát biểu của ông Mã Vân tại Hội nghị thượng đỉnh tài chính Thượng Hải hôm 2/11 đã gây nên hệ lụy lớn (Ảnh: Dwnews).

Ant Group là một doanh nghiệp thanh toán di động được tách ra từ Tập đoàn Alibaba; giá trị thị trường hiện tại của công ty là khoảng 315 tỉ USD.

Sự bất đồng giữa Mã Vân và các cơ quan quản lý xảy ra tại hội nghị thượng đỉnh tài chính do Ủy ban ổn định và phát triển tài chính của Quốc vụ viện Trung Quốc tổ chức tại Thượng Hải hôm thứ Hai, 2/11. Phó Chủ tịch nhà nước Trung Quốc, ông Vương Kỳ Sơn đã có bài phát biểu quan trọng tại cuộc họp, nhắc nhở các cơ quan quản lý chú ý đến những rủi ro hệ thống tồn tại trong hệ thống tài chính của Trung Quốc hiện nay.

Trong bài phát biểu của mình, Mã Vân đã bày tỏ những ý kiến ​​bất đồng về những rủi ro tài chính hệ thống mà ông Vương Kỳ Sơn đề cập và bày tỏ nghi ngờ về mô hình giám sát tài chính hiện tại ở Trung Quốc.

Mã Vân cho rằng, Trung Quốc vẫn chưa thiết lập được một hệ thống tài chính hoàn chỉnh, vì vậy cái gọi là rủi ro hệ thống căn bản không tồn tại. Ông phê phán tư duy lạc hậu về giám sát tài chính, chỉ biết quản lý rủi ro mà không chú ý đến việc khuyến khích đổi mới, khó có thể dẫn dắt tài chính mới trong tương lai.

Ông Vương Kỳ Sơn phát biểu qua truyền hình tại Hội nghị thượng đỉnh tài chính Thượng Hải (Ảnh: Dwnews).

Ông Vương Kỳ Sơn phát biểu qua truyền hình tại Hội nghị thượng đỉnh tài chính Thượng Hải (Ảnh: Dwnews).

Mã Vân chỉ ra rằng giám sát và quản lý là khác nhau. Giám sát là theo dõi sự phát triển và quản lý chỉ “quản” khi có vấn đề. Mã Vân nói: "Chúng ta hiện nay có thừa năng lực ‘quản’, nhưng ‘giám’ thì không đủ. Đổi mới tốt thì không sợ giám quản, mà sợ sự giám quản ngày hôm qua. Chúng ta không thể quản lý sân bay bằng cách quản lý ga xe lửa, cũng không thể quản tương lai bằng cách của ngày hôm qua”.

Trước quan điểm hoàn toàn khác biệt này của Mã Vân, phía chính quyền đã phản ứng mạnh mẽ ngoài dự liệu. Tờ Thời báo Tài chính, cơ quan trực thuộc Ngân hàng trung ương Trung Quốc, đã đăng tải các bài báo trong ba ngày liên tiếp để phản bác quan điểm của Mã Vân. Báo này cho rằng tài chính mới, được đại diện bởi công nghệ tài chính có những rủi ro đặc biệt. Một số công ty công nghệ lớn đã bóp méo giá trị tài chính, gây ra tình trạng tiêu thụ nợ quá mức và dễ lũng đoạn thị trường, cạnh tranh không lành mạnh và xâm phạm quyền riêng tư của khách hàng.

Theo báo này, Ant Group có tới một tỉ khách hàng cá nhân, hơn 8.000 khách hàng tổ chức và quy mô giao dịch thanh toán số hóa đạt 118 nghìn tỉ NDT; một khi rủi ro xảy ra, nó sẽ gây ra nguy cơ lây lan nghiêm trọng.

Ông chủ Alibaba Mã Vân bị thiệt hại lớn sau bài phát biểu ở Hội nghị thượng đỉnh tài chính Thượng Hải (Ảnh: Getty).

Ông chủ Alibaba Mã Vân bị thiệt hại lớn sau bài phát biểu ở Hội nghị thượng đỉnh tài chính Thượng Hải (Ảnh: Getty).

Tiếp ngay sau đó, bốn cơ quan giám quản gồm Ngân hàng Trung ương, Ủy ban Điều tiết Chứng khoán, Ủy ban Quản lý Ngân hàng & Bảo hiểm và Cục Quản lý Ngoại hối quốc gia Trung Quốc hôm thứ Hai (2/11) đã cùng triệu tập các giám đốc điều hành hàng đầu của Ant Group, bao gồm các ông Mã Vân – người kiểm soát thực tế, chủ tịch tập đoàn Cảnh Hiền Đống và Tổng giám đốc Hồ Hiểu Minh tới “nói chuyện”. Các nhà quan sát nói rằng kiểu nhiều cơ quan chính phủ cùng gọi trao đổi với các người chủ quản của một công ty là cực kỳ hiếm thấy ở Trung Quốc, nơi mà các cuộc “hẹn nói chuyện” diễn ra phổ biến.

Tuy nhiên, nội dung cuộc “hẹn nói chuyện” không được công bố ngay. Đến tối cùng ngày, Ant Group chỉ bày tỏ sẽ thực hiện các ý kiến ​​trong cuộc “hẹn nói chuyện” và sẽ tiếp tục thực hiện theo phương châm “đổi mới ổn thỏa, chấp nhận giám quản, phục vụ thực thể, cởi mở cùng lợi”.

Hôm thứ Ba (3/11) nguồn tin của Reuters cho biết bốn cơ quan quản lý của chính phủ đã nói rõ với các quan chức điều hành của Ant Group trong cuộc trao đổi rằng hoạt động kinh doanh thanh toán di động lợi nhuận béo bở của công ty sẽ phải chịu sự giám sát chặt chẽ hơn của chính phủ.

Cơ quan quản lý cho biết trọng điểm giám quản của chính phủ sẽ là Cashcow (hoạt động kinh doanh lợi nhuận ổn định) và hoạt động kinh doanh cho vay tiêu dùng. Chính phủ sẽ đưa ra các yêu cầu khắt khe hơn về tỷ lệ an toàn vốn và tỷ lệ đòn bẩy của Ant Financial.

Cổ phiếu của Ant Financial bị hoãn IPO không biết đến khi nào (Ảnh: Reuters).

Cổ phiếu của Ant Financial bị hoãn IPO không biết đến khi nào (Ảnh: Reuters).

Nguồn tin cho biết, các cơ quan quản lý rất "bất ngờ" trước số liệu kinh doanh, quy mô tín dụng và lợi nhuận của Ant Financial. Reuters nói rằng các cơ quan giám quản khi trao đổi cũng yêu cầu Ant Financial tuân thủ các quy tắc tài chính vi mô.

Theo báo cáo, tính đến tháng 6 năm nay, số dư cho vay tiêu dùng của Ant Group là 1,7 nghìn tỉ NDT, chiếm 21% tổng số khoản vay tiêu dùng do các tổ chức tài chính và quỹ tiết kiệm của Trung Quốc phát hành.

Thanh toán di động là một ngành sinh lợi phong phú và các ngân hàng quốc doanh của Trung Quốc từ lâu đã không hài lòng với việc Ant Financial độc quyền về miếng bánh này. Xung đột giữa Mã Vân và các cơ quan giám quản phát triển quá nhanh khiến giới quan sát cũng thấy ngỡ ngàng. Ở vòng đấu này, Mã Vân dường như đã kết thúc trước khi bắt đầu. Không có gì lạ khi cư dân mạng sử dụng từ đồng âm của Ant Financial (mayijinfu) để gọi Mã Vân là "ngựa đã quy phục".

Các nhà quản lý quỹ vốn rất lạc quan về việc niêm yết cổ phiếu của Ant Group. Họ ước tính rằng giá trị thị trường của công ty có thể cao hơn gấp đôi so với kế hoạch ban đầu. Số lượng các nhà đầu tư mua cổ phiếu này cũng vượt ngoài mong đợi. Cổ phiếu của Ant Group rất có khả năng lọt vào tróng số những chứng khoán lớn trên toàn cầu.

Nhiều nhà quản lý quỹ ở Trung Quốc cho rằng cổ phiếu của Ant Financial có tiềm năng tăng trưởng rất lớn và là cổ phiếu “cần phải có” đối với tất cả các quỹ. Công ty TNHH Quản lý Đầu tư Trạch Nguyên (Zeyuan) Quảng Châu dự đoán rằng tốc độ tăng trưởng của Ant Financial trên thị trường chứng khoán Thượng Hải có thể lên tới 150%.

Ant Financial có trụ sở tại Hàng Châu là công ty dẫn đầu trong ngành thanh toán qua di động của Trung Quốc. Hoạt động kinh doanh của công ty bao gồm cung cấp các khoản vay, bảo hiểm, quản lý tài sản và cung cấp công nghệ cho các tổ chức tài chính.

Việc niêm yết cổ phiếu A và cổ phiếu H của Ant Group, mà Alibaba nắm giữ cổ phần, bất ngờ bị dừng vào tối ngày 3/11, đã tác động mạnh khiến giá cổ phiếu của Alibaba đột ngột giảm, gây ra cú sốc trong lĩnh vực tài chính và thị trường chứng khoán. Tài sản của Mã Vân giảm mạnh, bốc hơi gần 3 tỷ USD chỉ sau một đêm và thứ hạng của ông trong số những người giàu nhất thế giới cũng giảm từ thứ 6 xuống thứ 18.

Trụ sở Tập đoàn Ant Group ở thành phố Hàng Châu (Ảnh: Reuters).

Trụ sở Tập đoàn Ant Group ở thành phố Hàng Châu (Ảnh: Reuters).

Theo dữ liệu, Ant Group ban đầu dự kiến ​​chào bán cổ phiếu A + H ra công chúng vào ngày 5/11. Việc IPO hiện đã hoàn tất, chỉ còn hai ngày nữa là niêm yết nhưng thông tin về việc đình chỉ bất ngờ được công bố đã kéo theo Alibaba xuống dốc.

Vào thời điểm đóng cửa chứng khoán Mỹ vào ngày 3/11, giá cổ phiếu của Alibaba giảm 8,13% xuống 285,57 USD và giá trị thị trường của nó sụt giảm hơn 60 tỷ USD (khoảng 400 tỉ NDT). Sáng ngày 4/11, cổ phiếu của Alibaba ở Hong Kong giảm 9,27% khi mở cửa. Tính theo giá cổ phiếu Hong Kong, giá trị thị trường đã bốc hơi 600 tỷ HK $.

Theo báo cáo, Mã Vân nắm giữ 4,2% cổ phần của Alibaba và Alibaba nắm giữ 1/3 cổ phần của Ant Group.

Theo chỉ số tỷ phú "Bloomberg", giá trị tài sản ròng của Mã Vân vốn dự kiến ​​sẽ tăng lên 85,5 tỉ USD sau khi Ant Group niêm yết (giả thiết cổ phiếu Ant H tăng lên đến 120 NDT), dự kiến ​​sẽ vượt qua con số 77,2 tỉ USD của “thần chứng khoán” Warren Buffett và trở thành người giàu thứ 6 thế giới. Nhưng do bị đình chỉ niêm yết, giá cổ phiếu của Alibaba giảm mạnh, khiến giá trị tài sản ròng của Mã Vân bị giảm mất 2,8 tỉ USD, tổng tài sản giảm xuống còn 58,1 tỉ USD, thứ hạng toàn cầu của ông Mã Vân bị tụt xuống vị trí thứ 18.