Trung Quốc đại cải cách giáo dục: "dẹp loạn" dạy thêm, "giảm kép" áp lực, xúc tiến hướng nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Cũng giống như Việt Nam, Trung Quốc có những đại vấn đề nhức nhối trầm kha trong giáo dục. Quan sát cuộc tổng cải cách giáo dục của quốc gia này giúp chúng ta rút ra được nhiều bài học sát thực, hữu ích.
Trung Quốc thực hiện đại cải cách nhằm nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo. Ảnh: Tencent
Trung Quốc thực hiện đại cải cách nhằm nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo. Ảnh: Tencent

Trong những năm gần đây, dưới áp lực của nguồn giáo dục chất lượng cao, nhiều gia đình Trung Quốc đã cải thiện thành tích của con em mình bằng cách mua nhà có vị trí gần trường học chất lượng cao hoặc cậy đến những khóa học dạy kèm. Điều này khiến giá nhà gần các khu học xá ngày càng tăng cao và các hoạt động đào tạo sau giờ học cũng mở ra tràn lan.

Để giảm bớt áp lực cho học sinh và phụ huynh, "dẹp loạn" các cơ sở đào tạo ngoại khóa, đồng thời nâng cao tiêu chí và cơ chế tuyển chọn nhân tài, bắt đầu từ tháng 1/2021, Trung Quốc đã ban hành một loạt chính sách quan trọng.

Những cải cách và biện pháp mới của Trung Quốc đã đánh thẳng vào những điểm nhức nhối của giáo dục hiện nay và những vấn đề xã hội nóng bỏng khác, khơi dậy sự quan tâm rộng rãi và những cuộc thảo luận sôi nổi trong toàn xã hội.

Tháng 2/2021, chấn chỉnh các cơ sở dạy thêm

Một cơ sở dạy thêm thông báo ngừng hoạt động. Ảnh: NetEase
Một cơ sở dạy thêm thông báo ngừng hoạt động. Ảnh: NetEase

Vào đầu năm, một tin tức nặng nề đã bùng nổ trong giới phụ huynh Bắc Kinh: thông báo của Ủy ban Giáo dục một số quận ở Bắc Kinh về việc đình chỉ các cơ sở dạy thêm. Thông báo này đã giáng một đòn mạnh vào các cơ sở đào tạo ngoại tuyến bùng nổ trong thời kỳ đại dịch.

Sau đó, bắt đầu từ Bắc Kinh, biện pháp chấn chỉnh này dần dần lan rộng ra toàn quốc. Ôn Châu thuộc tỉnh Triết Giang đóng cửa 30 cơ sở đào tạo ngoài khuôn viên trường trong vòng hai tuần, Tuy Hóa thuộc tỉnh Hắc Long Giang đóng cửa khẩn cấp 27 cơ sở sau khi điều tra, Tri Bác thuộc tỉnh Sơn Đông cũng đóng cửa 37 cơ sở đào tạo.

Khi đó, nhiều giáo viên, giảng viên nghĩ rằng "mùa xuân" của giáo dục trực tuyến đã đến, nhưng họ không nhận ra rằng đây mới chỉ là bước đầu trong việc chấn chỉnh đào tạo.

Tháng 3/2021, các trường mầm non chính thức thực hiện "xóa bỏ chương trình tiểu học"

Trung Quốc nghiêm cấm trường mầm non đưa nội dung chương trình tiểu học vào giảng dạy. Ảnh: China News

Trung Quốc nghiêm cấm trường mầm non đưa nội dung chương trình tiểu học vào giảng dạy. Ảnh: China News

Đầu tháng 9 năm ngoái, Trung Quốc đã ban hành dự thảo để lấy ý kiến ​​về luật giáo dục mầm non, trong đó yêu cầu "nhà trẻ không được dạy nội dung giáo dục tiểu học và không được thực hiện các hoạt động vi phạm pháp luật về phát triển thể chất và tinh thần của trẻ mầm non".

Ngay khi dự thảo lấy ý kiến ​​được đưa ra, phụ huynh lo lắng không biết làm thế nào để hoàn thành chương trình chuyển tiếp từ mẫu giáo lên tiểu học nếu không học trước? Nếu trẻ không học ngay từ trường mẫu giáo, trẻ có bị thua ở vạch xuất phát không?

Hai vấn đề này nảy sinh từ sự hiểu nhầm dự thảo lấy ý kiến: không dạy nội dung tiểu học ≠ không bồi dưỡng năng lực học tập của trẻ. Sáng kiến ​​này thực tế đưa ra các tiêu chuẩn giảng dạy cao hơn cho các trường mẫu giáo, cho phép các trường giáo dục trẻ em theo cách tự nhiên hơn, hạnh phúc hơn và có lợi hơn cho việc học tập suốt đời.

Dự thảo lấy ý kiến ​​không chỉ đưa ra yêu cầu đối với các trường mầm non mà còn đưa ra những hạn chế nghiêm ngặt đối với các cơ sở dạy thêm mầm non, nghiêm cấm dạy thêm nội dung môn học trong cơ cấu đào tạo.

Vào tháng 3/2021, để đối phó với vấn đề "liên kết mầm non - tiểu học" mà phụ huynh thường quan tâm, Trung Quốc đã ban hành "Ý kiến ​​chỉ đạo của Bộ Giáo dục về việc thúc đẩy mạnh mẽ mối liên kết giữa các trường mẫu giáo và tiểu học".

Bộ giáo dục Trung Quốc ban hành ý kiến chỉ đạo về vấn đề "liên kết mầm non - tiểu học". Ảnh: Bộ Giáo dục Trung Quốc
Bộ giáo dục Trung Quốc ban hành ý kiến chỉ đạo về vấn đề "liên kết mầm non - tiểu học". Ảnh: Bộ Giáo dục Trung Quốc

Ý kiến chỉ đạo làm rõ hai điểm:

1. Trường tiểu học thực hiện nghiêm túc việc nhập học miễn thi vùng lân cận, nhà trẻ không được thành lập các lớp học đầu vào tiểu học

Ý kiến ​​chỉ đạo nhấn mạnh rằng các trường tiểu học thực hiện nghiêm túc việc miễn thi đầu vào, nghiêm cấm sử dụng các kỳ thi, cuộc thi, kết quả đào tạo, chứng chỉ để làm cơ sở tuyển sinh và kiên quyết giảng dạy từ đầu theo chương trình tiêu chuẩn.

Ý kiến ​​này giải quyết triệt để những nghi ngờ của các bậc phụ huynh về vấn đề "liên kết mầm non - tiểu học". Có thể nói, đối với hầu hết các gia đình, nếu không có phụ đạo ngoại khóa, con cái đều có cùng một vạch xuất phát.

2. Ngăn chặn việc đưa nội dung, phương pháp giáo dục tiểu học sang nhà trẻ

Ý kiến ​​chỉ đạo nêu rõ cần phải thay đổi tình trạng quá chú trọng vào việc chuẩn bị kiến ​​thức và học nâng cao ở trẻ mầm non; chuẩn hóa hành vi giáo dục và dạy học của nhà trường và các cơ sở đào tạo ngoài trường, chuẩn bị hợp lý cho trẻ thích ứng trường học mới, và thực hiện tốt công việc kết nối các cấp một cách khoa học.

Ý kiến chỉ đạo cũng đòi hỏi các trường mẫu giáo phải giúp trẻ chuẩn bị hành trang cho cuộc sống, xã hội và học tập trong học kỳ cuối của lớp lớn, và giúp trẻ thuận lợi bước vào trường tiểu học.

Điều này đồng nghĩa với nhiệm vụ liên kết trẻ em mầm non - tiểu học đã được chuyển giao cho các trường mầm non, không cơ sở bên ngoài nào được phép thực hiện đào tạo dưới lời hô hào "ấu thăng tiểu" (từ mầm non lên tiểu học).

Từ ý kiến ​​dự thảo cho đến hướng dẫn, có thể thấy đó chính là hình thức phôi thai của "chính sách giảm kép", Trung Quốc quyết tâm chấn chỉnh giá nhà cao ở gần trường học, các môn học ngoài trường và bên trong nhà trường, và thúc đẩy thực hiện chất lượng giáo dục.

Tháng 4/2021, cải cách kỳ thi tuyển sinh vào trung học phổ thông

Trung Quốc đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp cho học sinh. Ảnh: NetEase
Trung Quốc đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp cho học sinh. Ảnh: NetEase

Ngay từ năm 2010, "Đề cương Kế hoạch quốc gia về cải cách và phát triển giáo dục trung hạn và dài hạn (2010-2020)" đã nêu cao biểu ngữ: trong thời gian tới, quy mô tuyển sinh trung học phổ thông và trung học dạy nghề sẽ ngang nhau.

Hệ thống giáo dục của Trung Quốc bao gồm 4 cấp bậc: bậc mầm non, bậc tiểu học, bậc trung học, và bậc cao (cao đẳng, đại học và sau đại học). Giáo dục mầm non Trung Quốc kéo dài 3 năm từ lúc 3 tuổi đến 5 tuổi. Bậc tiểu học: kéo dài 6 năm và là chế độ giáo dục bắt buộc được nhà nước bảo trợ. Bậc trung học: gồm trung học cơ sở (sơ trung) kéo dài 3 năm, tiếp đến trung học phổ thông (cao trung) hoặc trung học dạy nghề đều kéo dài 3 năm.

Kỳ thi trung khảo ở Trung Quốc là bước chuyển tiếp từ cấp trung học cơ sở lên trung học phổ thông. Điểm số này sẽ quyết định việc thí sinh theo học tiếp trường trung học hay chuyển qua trường nghề.

Hệ thống phân cấp giáo dục Trung Quốc. Ảnh: Unicef

Hệ thống phân cấp giáo dục Trung Quốc. Ảnh: Unicef

Lấy Quảng Châu làm ví dụ, tỷ lệ nhập học trung học phổ thông giảm dần qua từng năm, từ 66% năm 2017 xuống còn 59,9% năm 2020. Xu hướng này sẽ tiếp tục trong tương lai cho đến khi đạt được mục tiêu của đề cương.

Hà Nam, một tỉnh thử nghiệm lớn, có tỷ lệ nhập học cao trung thấp hơn: năm 2019, số lượng đăng ký cho kỳ thi tuyển sinh trung học phổ thông Hà Nam đạt 1,41 triệu người, trong khi số lượng tuyển sinh trung học phổ thông của tỉnh chỉ là 730.000, có nghĩa là 680.000 người không vào học tại trường trung học phổ thông mà nhập học trường trung học dạy nghề, tỷ lệ chấp nhận vào trường trung học phổ thông chỉ đạt 51%.

Tuy nhiên, cường độ chính sách mà các tỉnh, thành phố triển khai chưa đồng bộ. Phải đến tháng 4 năm nay, việc đổi mới kỳ thi tuyển sinh trung học mới được thực hiện với động lực lớn trên cả nước.

Cải cách 1: Điều chỉnh tỷ lệ tuyển sinh trung học phổ thông và trung học dạy nghề xuống 50%-50%

Trung Quốc yêu cầu tất cả các địa phương sẽ phải đạt được mục tiêu duy trì tỷ lệ xét tuyển vào trung học phổ thông khoảng 50%. Việc thực hiện cải cách này có nghĩa là một nửa số học sinh sau khi học xong sơ trung sẽ không thể vào các trường trung học phổ thông và họ chỉ có thể lựa chọn một trường trung học dạy nghề hoặc dừng học.

Cải cách 2: Cấm tất cả các trường học và cơ sở giáo dục tuyển sinh học sinh lưu ban sơ trung

Có người sẽ nói: Nếu thi trượt năm nay thì học lại một năm rồi năm sau lại thi tiếp!

Nhưng thực tế thì không được: Thi lại? Không cho phép!

Vào năm 2019, Phòng Giáo dục thành phố Bảo Kê, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc ban hành một thông báo khẩn cấp, yêu cầu tất cả các trường trung học cơ sở công lập và tư thục, trường trung học phổ thông và các cơ sở đào tạo trong thành phố tuyệt đối không tuyển dụng học sinh học lại năm ba sơ trung.

Bắt đầu từ năm 2021, tất cả các trường trung học phổ thông trên địa bàn thành phố Quảng An, tỉnh Tứ Xuyên sẽ không tuyển học sinh trượt trung học phổ thông năm trước.

Nhiều phòng giáo dục tỉnh, thành phố đã quy định rõ, nghiêm cấm tuyển sinh học sinh học lại năm 3 sơ trung, thí sinh thi trượt sẽ không có "cơ hội học lại và chọn trường". Chỉ có một cơ hội, và kỳ thi trung học phổ thông (trung khảo) có lẽ sẽ còn khắc nghiệt hơn cả kỳ thi tuyển sinh đại học (cao khảo).

Kỳ thi trung khảo của Trung Quốc có lẽ sẽ khắc nghiệt hơn kỳ thi cao khảo. Ảnh: NetEase
Kỳ thi trung khảo của Trung Quốc có lẽ sẽ khắc nghiệt hơn kỳ thi cao khảo. Ảnh: NetEase

Hai cuộc cải cách được thực hiện chủ yếu vì ba lý do:

1. Nhà nước điều chỉnh tỷ trọng nhân tài theo cách bố trí công nghiệp

Trung Quốc là một quốc gia sản xuất lớn, nhưng với sự sụt giảm dân số mạnh, nhân tài kỹ thuật ngày càng trở nên khan hiếm, ngày càng ít đi. Để đẩy lùi tình trạng này, họ đã quyết định điều chỉnh cơ cấu phân bổ nhân tài.

2. Không phải ai cũng phù hợp với các khóa học văn hóa

Trên thực tế, giáo dục trung học luôn bao gồm hai nhánh, một là trung học phổ thông, hai là giáo dục nghề nghiệp. Chỉ vì việc mở rộng tuyển sinh trung học phổ thông quá mạnh mà giáo dục nghề nghiệp trung học đã bị bỏ qua.

Hai loại hình cần đối tượng học sinh khác nhau, nhánh một là học sinh có học lực khá giỏi các môn văn hóa, nhánh hai là học sinh có học lực hạn chế các môn văn hóa nhưng lại có hứng thú và năng khiếu với các kỹ năng thực tế. Hai kiểu học sinh này sẽ bước vào các hệ thống đánh giá khác nhau để tìm ra phương pháp học phù hợp cho bản thân.

3. Đảm bảo sự công bằng của giáo dục

Việc hủy bỏ việc học lại có thể tránh được các kỳ thi lặp lại đối với các thí sinh trung học cơ sở. Việc học lại là không công bằng đối với nhiều học sinh cùng khóa đó. Nhiều học sinh thi trượt chọn thi lại, khiến các trường phổ thông bình thường bị mất đi nhiều suất học sinh khác, gây lãng phí nguồn lực giáo dục.

Học sinh Trung Quốc đối diện áp lực học tập nặng nề. Ảnh: NetEase
Học sinh Trung Quốc đối diện áp lực học tập nặng nề. Ảnh: NetEase

Sau khi các biện pháp cải cách kỳ thi tuyển sinh vào trung học phổ thông được đưa ra, các bậc phụ huynh lại rơi vào tình trạng vô cùng lo lắng, dường như các cơ sở dạy thêm sắp "khai xuân" trở lại.

Nếu tìm hiểu sâu hơn về hai chính sách nêu trên, nhiều người thấy rằng việc cải cách kỳ thi tuyển sinh vào trung học phổ thông dường như đi ngược lại với định hướng xóa bỏ chương trình tiểu học ở các trường mầm non và chấn chỉnh các cơ sở dạy thêm. Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc khẳng định đó là điều không thể xảy ra, họ sẽ không để phụ huynh rơi vào vòng xoáy của giáo dục, và siết chặt hơn nữa các cơ sở đào tạo bên ngoài trường.

Ba tháng sau, "chính sách giảm kép" được đưa ra khiến ngành công nghiệp dạy thêm phải trải qua "mùa đông lạnh nhất".

Chính sách "giảm kép" vào tháng 7/2021

Chính sách "song giảm" hay "giảm kép". Ảnh: NetEase
Chính sách "song giảm" hay "giảm kép". Ảnh: NetEase

Ngày 24/7, Quốc vụ viện Trung Quốc ban hành "Ý kiến ​​về việc giảm nhẹ gánh nặng bài tập của học sinh trong chương trình giáo dục bắt buộc và gánh nặng của việc đào tạo ngoài trường" (hay còn gọi là chính sách giảm kép). "Giảm kép" một mặt yêu cầu giảm toàn bộ số lượng và thời lượng làm bài tập về nhà, để giảm gánh nặng về bài tập về nhà cho học sinh.

Mặt khác, trong những năm qua, các cơ sở đào tạo ngoài trường mọc lên như nấm, đâu đâu cũng thấy quảng cáo và tiếp thị rầm rộ của nhiều cơ sở dạy thêm với nhiều khẩu hiệu như "Giỏ hàng của bạn có tương lai của con bạn không?", "Bạn đến, tôi đào tạo con bạn, bạn không đến, tôi đào tạo đối thủ của con bạn", v.v. "Giảm kép" yêu cầu giảm bớt gánh nặng đào tạo ngoài trường cho cả học sinh và phụ huynh.

Theo đó, chính quyền Trung Quốc cấm hoàn toàn việc dạy thêm bên trong trường học và dạy thêm vào cuối tuần. Chính quyền địa phương không được phép phê duyệt các công ty dạy thêm mới và buộc những trung tâm hiện tại phải đăng ký dưới tên tổ chức phi lợi nhuận. Những nơi này cũng phải ngừng nhận vốn đầu tư nước ngoài và không được phép dạy các môn học hay chương trình giảng dạy nước ngoài vượt quá tiêu chuẩn.

Trước khi có lệnh cấm, hình ảnh những "công xưởng ôn thi" chật kín học sinh vùi đầu vào sách vở đến đêm khuya đã quá quen thuộc. Sự lo lắng của các bậc cha mẹ Trung Quốc đã thúc đẩy ngành công nghiệp "luyện thi" và "dạy thêm" trị giá hàng tỉ USD. Tuổi thơ của nhiều trẻ em Trung Quốc gắn liền với việc học thêm liên tục.

Tại Trung Quốc, những lớp dạy kèm sau giờ học được đánh giá quan trọng trong việc giúp đỡ học sinh vượt qua kỳ thi trung học và đại học. Theo Hiệp hội Giáo dục Trung Quốc, hơn 75% học sinh 6-18 tuổi tham dự những lớp dạy kèm sau giờ học vào năm 2016 và con số này không ngừng tăng ở các năm sau.

Chủ trương trên không đến đột ngột, mà từ việc chấn chỉnh các cơ sở đào tạo ngoài trường học đến việc bỏ giáo trình tiểu học ở giáo dục mầm non đều mở đường cho chính sách "giảm kép". Chỉ là cả phụ huynh và các nhà giáo dục đều không thể hình dung ra chính sách này sẽ nghiêm khắc như vậy.

Phía phụ huynh, họ một mặt ủng hộ chính sách của chính phủ, mặt khác cũng vẫn không khỏi lo lắng. Che Rui, một phụ huynh ở Bắc Kinh, hoan nghênh chiến dịch quét sạch của chính phủ đối với lĩnh vực này – nhưng cũng lo lắng về việc làm thế nào để con gái anh năng động, chăm chỉ hơn, và có động lực bên ngoài trường học.

Có thể thấy, các động thái mới này cũng có nhiều nét giống như "cuộc trấn áp" của Bắc Kinh đối với các công ty công nghệ và các doanh nghiệp độc quyền. Thị trường dạy thêm, học thêm khổng lồ của Trung Quốc – vốn được định giá tới 120 tỉ USD hiện đứng trước nguy cơ sụp đổ, nếu không tìm ra lối thoát mới.

Thanh Hà (tổng hợp)