"Trump hóa" châu Âu: Báo hiệu một mùa Đông dân chủ?

Làn sóng chính trị cực hữu đang lan rộng khắp châu Âu, đặt ra câu hỏi lớn về tương lai thể chế dân chủ và hội nhập khu vực. Liệu châu Âu đang trải qua tiến trình "Trump hóa" toàn diện?
Kết quả các cuộc bầu cử gần đây khiến nhiều người lo lắng về một giai đoạn "Trump hóa" ở châu Âu.

Cuối tuần qua, lục địa già lại một lần nữa chấn động khi các đảng phái cực hữu và dân túy giành chiến thắng vang dội trong các cuộc bầu cử tại Anh và Romania.

Tại Anh, đảng Cải cách (Reform), đại diện cho khuynh hướng thiên hữu, bài Liên minh châu Âu (EU), bất ngờ vượt mặt các đảng truyền thống trong kỳ bầu cử địa phương và cuộc bỏ phiếu bổ sung vào Hạ viện. Tại Romania, một lực lượng cực hữu bài NATO và bài EU thắng áp đảo trong vòng một cuộc bầu cử Tổng thống.

Những diễn biến đó khiến giới quan sát không khỏi đặt câu hỏi: phải chăng châu Âu đang bước vào giai đoạn “Trump hóa”?

Khủng hoảng lòng tin

Hiện tượng “Trump hóa châu Âu” không đơn thuần là sự sao chép phong cách hay khẩu hiệu của Tổng thống Mỹ Donald Trump, mà là sự trỗi dậy của một trào lưu chính trị mới, nơi chủ nghĩa dân túy, hoài nghi toàn cầu hóa và khát vọng phục hưng dân tộc hội tụ, phản ánh một cuộc khủng hoảng lòng tin sâu sắc trong lòng châu Âu hiện đại.

Theo tạp chí Le Point (Pháp), châu Âu đang trải qua một cuộc khủng hoảng xã hội mang nhiều nét tương đồng với nước Mỹ giai đoạn hậu công nghiệp: Người dân mất niềm tin vào tầng lớp tinh hoa, vào thể chế dân chủ đại diện, vào những lời hứa “tăng trưởng bao trùm” mà các chính phủ truyền thống từng đưa ra.

Những bất ổn kinh tế kéo dài, làn sóng nhập cư lớn, chi phí sinh hoạt tăng cao, và đặc biệt là cảm giác bị “bỏ rơi” bởi Brussels (trung tâm quyền lực EU), đã đẩy cử tri về phía những lực lượng cực hữu- những người hứa hẹn thay đổi tận gốc hệ thống.

Ở Pháp, người dân thở dài tiếc nuối “Trente Glorieuses” - 30 năm huy hoàng ba giai đoạn hậu Thế chiến II, khi kinh tế thịnh vượng, xã hội ổn định. Chính sự hoài niệm này tạo điều kiện cho những lời kêu gọi “làm cho nước Pháp vĩ đại trở lại” vang vọng trong tâm trí nhiều người.

Không chỉ Pháp, làn sóng này đã lan khắp châu Âu.

Ở Đức, đảng cực hữu Sự Thay thế cho nước Đức (AfD) đang vươn lên mạnh mẽ, đặc biệt ở Đông Đức, với thông điệp chống nhập cư, phản đối EU và chủ trương quay về bản sắc dân tộc.

Tại Italy, Thủ tướng Giorgia Meloni, lãnh đạo đảng Anh em Italy (Fratelli d’Italia, FDI) đại diện cho phong trào hậu phát xít, đã chiến thắng nhờ chủ trương bảo vệ giá trị truyền thống, chống nhập cư, và giữ khoảng cách với Brussels.

Tại Pháp, bà Marine Le Pen và đảng Tập hợp Quốc gia (Rassemblement National) đang dẫn đầu các cuộc thăm dò, chuẩn bị cho một kỳ bầu cử châu Âu hứa hẹn đảo ngược trật tự hiện tại.

Chủ nghĩa Trump: Xuất khẩu tư tưởng và bản địa hóa thông điệp

Những sự kiện đó không còn là hiện tượng đơn lẻ, mà đã trở thành làn sóng, một trào lưu xuyên quốc gia mà người ta gọi là “Trump hóa châu Âu”. Bản thân nó là một khái niệm phản ánh sự kết hợp của dân túy cánh hữu, chủ nghĩa hoài nghi toàn cầu hóa, và văn hóa chống giới tinh hoa.

Nhưng ở châu Âu, “Trump hóa” không phải là bản sao thô ráp, mà là sự bản địa hóa khéo léo: Thay vì khẩu hiệu “Make America Great Again” (Giúp nước Mỹ vĩ đại trở lại, MAGA), người Pháp có “Nước Pháp trên hết”, người Đức có “Người Đức trước tiên”, người Italy nhấn mạnh “Italy của người Italy”.

Thay vì chống Trung Quốc như ở Mỹ, các chính trị gia cực hữu châu Âu tập trung vào chống di cư từ Trung Đông, châm ngòi cho lo ngại về “mất bản sắc”.

Ở Mỹ, ông Trump chi phối toàn bộ đảng Cộng hòa; còn ở châu Âu, các lãnh đạo dân túy như bà Le Pen, bà Meloni hay ông Wilders vẫn phải cạnh tranh khốc liệt trong một hệ thống đa đảng, khiến họ sắc sảo và linh hoạt hơn về mặt chiến thuật.

Nhưng điểm chung rõ rệt nhất là: họ tấn công vào niềm tin cũ, đặt ra câu hỏi về sự chính danh của các thể chế hiện tại, và tạo ra cảm giác “có ai đó đang đứng về phía dân thường”, điều mà nhiều chính khách truyền thống đã lãng quên.

Mạng xã hội đóng vai trò không nhỏ trong quá trình "Trump hóa" châu Âu. Ảnh: Reuters.

Mạng xã hội trở thành bệ phóng

Không thể không nhắc tới vai trò của mạng xã hội trong hiện tượng “Trump hóa châu Âu”. Mạng xã hội đã phá vỡ thế độc quyền thông tin của báo chí chính thống, cho phép các lực lượng dân túy tiếp cận trực tiếp với cử tri.

Thuật toán của Facebook, TikTok, Telegram…có xu hướng ưu tiên các nội dung giật gân, cảm xúc mạnh, từ đó tạo ra “buồng dội âm”, nơi người dùng chỉ tiếp xúc với những quan điểm trùng lặp, dẫn đến cực đoan hóa tư duy chính trị.

Trong bối cảnh đó, các chính trị gia dân túy không còn cần hệ thống truyền thông hậu thuẫn, mà có thể xây dựng “thương hiệu chính trị cá nhân” qua các đoạn video ngắn, meme khiêu khích, livestream cảm xúc.

Cách ông Trump từng làm với Twitter, thì nay được bà Le Pen, bà Meloni, ông Wilders áp dụng một cách nhuần nhuyễn ở châu Âu.

Chữa triệu chứng hay giải quyết gốc rễ?

Tờ Le Point đã chỉ ra một nghịch lý: châu Âu không thể chống lại chủ nghĩa dân túy chỉ bằng cách “chống lại”- bằng mệnh danh đạo đức hay cấm đoán truyền thông.

Nếu không đi vào gốc rễ khủng hoảng, không giải quyết được các vấn đề sinh kế, công bằng xã hội, sự bất an văn hóa và mất kiểm soát nhập cư, thì dân túy cực hữu sẽ tiếp tục lớn mạnh, bởi họ là những người duy nhất “gọi tên vấn đề” một cách rõ ràng, dù đôi khi theo cách nguy hiểm.

Thế giới đang chứng kiến một sự phân cực chính trị chưa từng có kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

Nếu chủ nghĩa Trump từng làm chao đảo nước Mỹ, thì “Trump hóa châu Âu” có thể là một địa chấn chính trị quy mô lục địa - nơi những trụ cột của dự án hội nhập châu Âu (như EU, NATO, tự do di chuyển, giá trị phổ quát) bị đe dọa từ bên trong, chứ không phải từ bên ngoài.

“Trump hóa châu Âu” không phải là một khẩu hiệu, mà là biểu hiện của một cơn khủng hoảng sâu rộng, nơi người dân đánh mất niềm tin vào hệ thống hiện tại và tìm kiếm lối thoát, dù là từ những kẻ từng bị coi là cực đoan.

Nếu châu Âu không kịp tìm ra lời giải thỏa đáng cho nỗi bất an của xã hội, thì rất có thể, lục địa già sẽ chứng kiến một “Mùa Đông dân chủ”, nơi các thể chế từng là hình mẫu lại bị chính người dân lật đổ trong lá phiếu của mình.