Việc tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định phóng tên lửa hành trình tấn công sân bay quân sự Shayrat của Syria ngay trước khi ông bắt đầu cuộc hội đàm với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tối hôm 6/4 vừa rồi có lẽ đã làm Trung Quốc thay đổi quan điểm về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.
Thời báo Hoàn Cầu ngày 10/4 ra xã luận dưới tiêu đề "Triều Tiên có thể trở thành Syria tiếp theo hay không?" nhấn mạnh, nếu Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân lần thứ 6, Trung Quốc sẽ có phản ứng “quay ngoắt” chưa từng thấy. Hoàn Cầu viết:
Biên đội tàu sân bay Carl Vinson của Mỹ đang di chuyển về Tây Thái Bình Dương gần bán đảo Triều Tiên. Sau khi Mỹ bắn phá mục tiêu quân sự của Syria, động thái của tàu Carl Vinson đang thu hút sự quan tâm của nhiều người.
Việc Mỹ phóng tên lửa hành trình vào căn cứ không quân của Syria cho thấy, trên vấn đề sử dụng vũ lực, Donald Trump so với Barack Obama càng dám ra tay hơn. Từ nay trên vấn đề Triều Tiên phải chăng Washington sẽ hành động theo cùng phong cách như vậy? Chuyện này đã trở thành một mối quan tâm càng có tính hiện thực hơn. Bình Nhưỡng phản ứng mạnh mẽ đối với sự việc xảy ra ở Syria và tỏ ý “quyết không sụp đổ vì sợ hãi” trước tình hình như vậy.
Cần thấy là cá tính của Trump thực sự khác Obama. Ông Trump muốn tỏ ra ta đây “khác người”. Trên mức độ nào đấy việc tấn công Syria đã giúp Trump làm được điều đó. Ông phát đi một tín hiệu mạnh mẽ cho thế giới thấy ông là một vị thống soái quân đội Mỹ dám sử dụng vũ lực.
Thế nhưng cũng có rất nhiều chỉ dấu chứng tỏ ông Trump đang “trở về” với chiến lược ngoại giao của Obama. Sau gần ba tháng nhậm chức tổng thống, ông Trump không còn giống như một “nhà cách mạng” ngoại giao của Mỹ nữa. Trong lần tấn công Syria này, hành động của Mỹ chỉ hạn chế ở việc phóng 59 tên lửa hành trình từ các tàu khu trục mà không dùng tới máy bay chiến đấu. Biện pháp này thực thi đơn giản nhất, hiệu quả bắn phá cũng rất hữu hạn, chỉ tương đương một hành động có tính cảnh cáo.
Nếu tấn công Triều Tiên theo cách đó thì hiệu quả sẽ càng hạn chế mà rủi ro phát sinh sẽ càng lớn hơn nhiều. Trong tình hình phía Triều Tiên bố trí hơn nghìn khẩu trọng pháo và rất nhiều tên lửa tầm ngắn nhằm vào các mục tiêu vùng thủ đô Seoul của Hàn Quốc, nếu Mỹ triển khai “một cuộc tấn công có tính tượng trưng” (tương tự như cuộc tấn công Syria) thì chẳng khác gì rước tai họa về cho dân chúng vùng Seoul.
Mỹ thần tốc đưa ra quyết định sử dụng vũ lực đánh Syria. Ủy ban An ninh Quốc gia Mỹ họp một buổi, Trump vỗ bàn một cái là tên lửa phóng đi ngay. Việc sử dụng vũ lực với Triều Tiên sẽ không thể đơn giản như vậy. Tin rằng phía Mỹ sẽ cân nhắc thận trọng hơn nhằm trả lời câu hỏi: Nếu Bình Nhưỡng trả đũa đánh vào vùng Seoul thì Washington sẽ làm gì?
Vì vậy Mỹ có thể sẽ không ra tay với Triều Tiên, bởi lẽ một khi đã ra tay thì không có nhiều khả năng chỉ tấn công các thiết bị hạt nhân và thiết bị quân sự của Triều Tiên, mà Mỹ và Hàn Quốc sẽ đồng thời liên kết thực thi “hành động chém đứt đầu” (nguyên văn bài báo trên Hoàn Cầu) đối với Bình Nhưỡng, triển khai một canh bạc lớn hơn nhằm lật đổ chính quyền Bình Nhưỡng – hành động này sẽ có xác suất cao.
Có thể nói một khi Mỹ khởi động cuộc tấn công quân sự vào Triều Tiên thì hành động đó sẽ rất khó khống chế trong “phạm vi có giới hạn” mà nó cuối cùng sẽ có nhiều khả năng diễn biến thành một trận bắn giết quy mô lớn. Triều Tiên sẽ phải trả giá rất lớn, Hàn Quốc cũng sẽ bị tổn thất nặng nề.
Mặc dù như vậy, nhưng Washington có thể được trận thắng ở Syria cổ vũ mà trở nên không còn nhẫn nại đối với sự khiêu khích của Triều Tiên. Tin rằng giờ đây ý nghĩ dùng biện pháp không kích để phá tan cơ sở hạt nhân của Triều Tiên đã không còn bị ê kíp Trump coi là không hợp lý nữa. Ý kiến đó đã trở thành một “lựa chọn nghiêm túc” được họ thường xuyên bàn thảo, chỉ có điều là khi sử dụng lựa chọn ấy thì cần có một lý do thây kệ kẻ khác: “Cứ đánh đã, rồi sẽ nói sau”.
Nếu trong tình hình như vậy mà Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ 6 thì sẽ không loại trừ hành động ấy sẽ trở thành lý do có tính quyết định tối hậu thúc đẩy Washington hạ quyết tâm làm liều. Ít nhất thì Washington sẽ kiếm được một cái cớ quan trọng. Tình hình năm nay khác với năm ngoái. Năm ngoái là năm cuối cùng Obama cầm quyền, ông đã 7 năm trời “nhẫn nhịn chiến lược” với Triều Tiên, năm cuối cùng có thể nhẫn nhịn được thì nhẫn nhịn nốt. Trump vừa lên nhậm chức, ông lại từng cao giọng nói việc giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên là phương hướng ưu tiên trong chính sách ngoại giao của chính phủ mới, nếu vừa nhậm chức mà đã thua Bình Nhưỡng thì ông sẽ mất sạch uy tín và danh vọng của mình.
Thậm chí còn có tin nói Ủy ban An ninh Quốc gia Mỹ từng đề nghị Trump tái trang bị vũ khí hạt nhân cho quân đội Mỹ đóng tại Hàn Quốc. Nếu như vậy thì toàn bộ logic việc giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên sẽ thay đổi, mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên không còn tồn tại nữa, việc Triều Tiên sở hữu hạt nhân sẽ thực sự được hợp pháp hóa. Hai nước Trung Quốc và Nga đều sẽ kịch liệt phản đối xu hướng đó.
Hoàn Cầu nhấn mạnh, Triều Tiên chớ có phán đoán sai tình thế trong thời gian tới điều này là cực kỳ quan trọng. Sự mạo hiểm của Triều Tiên không thể cứ tăng lên vô hạn, họ không thể cho rằng đã thử hạt nhân 5 lần rồi, nay lại thử lần thứ 6 thì cũng sẽ không sao. Nếu họ còn thử hạt nhân thì chắc rằng phản ứng từ Bắc Kinh lẫn Washington đều sẽ là phản ứng chưa từng có, thậm chí đạt mức độ “quay ngoắt”. Khi ấy Bình Nhưỡng lại càng cần phải giữ được lý trí.
Theo NCQT