Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hoàng Văn Thắng, sau 3 năm thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, toàn vùng ĐBSCL đã chuyển hơn 78.000 ha đất sang trồng cây ăn trái như dưa hấu, mè, ngô, thanh long, đậu tương, rau, màu với nhiều diện tích chuyển đổi cho hiệu quả kinh tế tăng 20-30% so với trồng lúa, hình thành 1.200 HTX nông nghiệp và khoảng 16.000 tổ hợp tác, …
Tuy nhiên, kết quả tái cơ cấu nông nghiệp mới chỉ là bước đầu, chưa tạo được chuyển biến rõ rệt, tăng trưởng ngành nông nghiệp cả nước và của vùng ĐBSCL chưa vững chắc. Nguyên nhân là do biến đổi khí hậu tới nhanh và mạnh hơn so với dự báo, thiên tai ngày càng khắc nghiệt; sự chuyển biến về nhận thức còn chưa theo kịp thực tiễn, thậm chí còn lúng túng, vướng mắc trong ban hành chính sách.
Trong đó, khó khăn nhất của việc phát triển các hợp tác xã hiện nay là nguồn nhân lực. Một đại biểu cho biết, có trên 72% cán bộ nằm trong ban quản trị có năm nay đã 50, 60 tuổi, nên khó nhạy bén như lớp trẻ.
Tại Hội nghị sơ kết ba năm tái cơ cấu nông nghiệp các tỉnh khu vực ĐBSCL, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng: “Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, tái cơ cấu ngành nông nghiệp là quan trọng đối với cộng đồng dân cư, tới từng hộ gia đình. Còn khu nông nghiệp công nghệ cao nên đóng vai trò vườn ươm, chứ thu hút các chủ thể vào đầu tư, sản xuất tại các khu này thì Bộ NNPTNT phải cân nhắc, nghiên cứu kỹ lưỡng, không khéo sẽ lãng phí rất nhiều nguồn lực của Nhà nước và xã hội”.
Dễ nhận thấy lo ngại của Phó thủ tướng có phần căn cứ trên chất lượng nguồn nhân lực tham gia tái cơ cấu nông nghiệp khu vực ĐBSCL hiện vẫn khá thấp. Thực tế, trong toàn khu vực, việc tỉnh Đồng Tháp đưa được 17 cán bộ trẻ có trình độ về các hợp tác xã để nâng cao hiệu quả hoạt động bỗng lại trở thành điểm sáng đáng học tập.