Cần 91.000 tỷ đồng để phát triển hạ tầng giao thông ĐBSCL

VietTimes -- Để phát triển hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL trong giai đoạn 2016- 2020, theo Viện chiến lược và phát triển giao thông vận tải (Bộ GTVT) thì cần huy động nguồn lực hơn 91.000 tỷ đồng.
Trong 5 năm qua, 80-90% nguồn vốn đầu tư dành cho xây dựng đường bộ trong vùng ĐBSCL, trong khi đường thủy chỉ chiếm 1,7%- (Ảnh minh họa).
Trong 5 năm qua, 80-90% nguồn vốn đầu tư dành cho xây dựng đường bộ trong vùng ĐBSCL, trong khi đường thủy chỉ chiếm 1,7%- (Ảnh minh họa).

Trong tổng số 91.000 tỷ đồng cần huy động thì vốn ngân sách đầu tư là 31%, số còn lại là vốn ODA và vận động xã hội hóa.

Tổng số vốn trên sẽ được đầu tư vào các hạng mục như sau: giao thông đường bộ cần đầu tư 39 dự án với khoảng 73.000 tỷ đồng; đường biển 23 dự án với số vốn 18.000 tỷ đồng; đường thủy nội địa 12 dự án với kinh phí 11.000 tỷ đồng; đường hàng không đầu tư 3 dự án: thay mới trạm radar thứ cấp sân bay Cà Mau, nâng cấp cảng hàng không Phú Quốc với số vốn 1.700 tỷ đồng.

Cũng theo Viện chiến lược và phát triển giao thông vận tải, trong 5 năm qua, 80- 90% nguồn vốn đầu tư dành cho xây dựng đường bộ trong vùng, trong khi đường thủy chỉ chiếm 1,7%. Ngoài ra, đầu tư cho giao thông thủy cũng thiếu đồng bộ, chỉ tập trung đầu tư, xem nhẹ việc duy tu, bảo trì luồng lạch, trang thiết bị đường thủy, nâng cao năng lực bốc xếp, kho bãi... Do đó, 80% hàng hóa xuất khẩu của vùng phải qua TPHCM hoặc cảng Cái Mép-Thị Vải, trong đó 90% phải sử dụng đường bộ.

Đánh giá về việc phát triển vùng ĐBSCL, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, ông Vương Đình Huệ cho biết, để vực dậy tiềm năng phát triển của cả vùng thì việc phát triển hạ tầng giao thông phải đi trước một bước.

Vì vậy, trong thời gian tới các bộ ngành, địa phương phải lập báo cáo nghiên cứu đề xuất Chính phủ về cơ chế chính sách huy động mọi nguồn lực đầu tư, trên cơ sở đó lập danh mục dự án ưu tiên, phân kỳ đầu tư với cơ cấu nguồn vốn phải rõ ràng cụ thể để Chính phủ tổng hợp trình Bộ Chính trị, Quốc hội thông qua.