Trần Thiên Kiều, đại gia Trung Quốc trở thành “địa chủ” nước ngoài lớn thứ hai ở Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Việc một đại gia Trung Quốc giàu có trở thành "đại địa chủ" ở Mỹ, khiến các chính trị gia Mỹ không thể ngồi yên, phải lên tiếng yêu cầu Quốc hội ra tay ngăn cản.

Ông Trần Thiên Kiều, "đại địa chủ" người Trung Quốc ở Mỹ (Ảnh: Sohu)
Ông Trần Thiên Kiều, "đại địa chủ" người Trung Quốc ở Mỹ (Ảnh: Sohu)

Theo Bloomberg ngày 13/1, ông John Tester Thượng nghị sĩ Mỹ, đảng viên Dân chủ đại diện bang Montana, ngày 12/1 đã ra tuyên bố, yêu cầu quốc hội ngăn chặn “đối thủ nước ngoài” tung tiền mua gom đất nông nghiệp và khu phức hợp nông nghiệp của Mỹ để “bảo vệ an ninh nông nghiệp”.

Địa chủ người Trung Quốc khiến giới chính trị Mỹ lo ngại

Ông Trần Thiên Kiều (Chen Tianqiao), 50 tuổi, là người sáng lập Shanda Group - hãng phát triển trò chơi điện tử Shengqu Games và là người được mệnh danh là “Bố già games online Trung Quốc”. Theo bảng xếp hạng mới nhất của tạp chí chuyên về đất đai nổi tiếng của Mỹ The Land Report, Trần Thiên Kiều hiện sở hữu 198.000 mẫu Anh (khoảng 800 km2) đất rừng ở bang Oregon, đứng thứ 82 trong số "đại địa chủ” lớn nhất ở Mỹ, đồng thời cũng đã trở thành “địa chủ” người nước ngoài lớn thứ hai tại Mỹ.

Sự kích thích mà bảng xếp hạng này gây ra cho Thượng nghị sĩ John Tester là không hề nhỏ. Trong một tuyên bố đưa ra vào ngày 12/1, ông nói: "Mặc dù chúng ta cần tìm hiểu thêm thông tin chi tiết về động thái phát triển này, nhưng tin này làm nổi bật sự cấp thiết Quốc hội cần phải thực hiện nhiều biện pháp hơn để bảo vệ an ninh của nền nông nghiệp Mỹ".

Ông Tester cũng cho biết đã viết thư cho Bộ trưởng Nông nghiệp Tom Vilsack và Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen yêu cầu họ thẩm tra việc mua đất của ông chủ người Trung Quốc Trần Thiên Kiều và đề xuất cần tăng cường theo dõi và thẩm tra các vụ giao dịch bán đất lớn cho người mua là công dân nước ngoài.

Đây không phải là lần đầu tiên Thượng nghị sĩ Tester nêu lên vấn đề liên quan. Năm 2023, ông đã cùng với Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa bang South Dakota Mike Rounds đồng đề xuất một dự luật nhằm cấm các thực thể đến từ các nước Trung Quốc, Nga, Triều Tiên và Iran mua đất nông nghiệp hoặc doanh nghiệp của Mỹ. Dự luật này đã được bổ sung vào Luật chi tiêu quốc phòng và được Thượng viện thông qua với đa số phiếu lớn hơn, nhưng phiên bản cuối cùng lại bị các đảng viên Đảng Cộng hòa tại Hạ viện loại bỏ.

bai-viet-tren-the-lan-report-6486.jpg
Bài viết về ông Trần Thiên Kiều trên The Land Report

Trong những năm gần đây, quyền sở hữu của người nước ngoài đối với đất đai của Mỹ, đặc biệt là đất nông nghiệp, ngày càng trở thành một chủ đề gây tranh cãi; trong đó “mối đe dọa từ việc Trung Quốc mua đất” đã trở thành vấn đề tuyên truyền của một số chính trị gia Mỹ.

Bloomberg trích dẫn số liệu mới nhất của ​​Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cho thấy, tính đến năm 2021, đã có khoảng 40 triệu mẫu Anh đất nông nghiệp của Mỹ (khoảng 160.000 km2) hiện thuộc sở hữu của các nhóm lợi ích ngoài Mỹ, trong đó các thực thể của Trung Quốc sở hữu 0,03% tổng số diện tích đất nông nghiệp Mỹ.

Tỉ phú đi lên từ game online và bất động sản

Trần Thiên Kiều, người khá kín tiếng trong những năm gần đây đã từng có lần vượt qua các ông trùm Internet Đinh Lũy, Lý Ngạn Hồng (Robin Li), Trương Triều Dương…để trở thành người giàu nhất Trung Quốc.

Điều giúp Trần Thiên Kiều lên ngôi người giàu nhất Trung Quốc chính là Shanda Games do ông thành lập. Tuy nhiên, vì lúc bấy giờ trò chơi điện tử bị nhiều người coi là "thuốc phiện tinh thần", và "EZ Station" mà ông đặt nhiều hy vọng đã không tạo được tiếng vang lớn, khiến ông một dạo phải gánh rất nhiều áp lực tinh thần đến mức có những cơn hoảng loạn nghiêm trọng. Cuối cùng, Trần Thiên Kiều đã chọn từ bỏ Shanda Games và di cư đến Singapore.

Sau khi chia tay Shanda Games, ông tập trung nhiều hơn vào lĩnh vực đầu tư. Năm 2014, Shanda Group mở ra một chương mới, trở thành công ty đầu tư tư nhân, tập trung khám phá các công nghệ tiên tiến và mô hình kinh doanh có thể thay đổi thế giới.

Hiện tại, Shanda Group do ông đứng đầu, là cổ đông lớn nhất của nhiều công ty niêm yết. Trong đó Shanda Capital, công ty đầu tư vào ngành khoa học và công nghệ trong nước, hiện quản lý 5 quỹ và đã đầu tư vào tổng cộng 156 dự án khởi nghiệp và đổi mới, với hiệu quả đầu tư hàng năm trên 40%.

Với bảng xếp hạng mới nhất do The Land Report công bố Trần Thiên Kiều đã trở thành "đại địa chủ" lớn thứ 82 ở Mỹ và là địa chủ người nước ngoài lớn thứ 2 ở Mỹ, chỉ đứng sau gia tộc Irving đến từ Canada.

tran-thien-kieu-va-john-tester-3677.jpg
Tỉ phú Trung Quốc Trần Thiên Kiều và Thượng nghị sỹ Mỹ John Tester (Ảnh: Guancha)

The Land Report cũng đề cập trong bài báo rằng Trần Thiên Kiều không chỉ sở hữu đất ở Oregon, mà còn sở hữu khoảng 500.000 mẫu Anh (khoảng 2.000 km2) đất lâm nghiệp ở Ontario, Canada.

Shanda cũng đề cập trên trang web chính thức của họ rằng vào năm 2018, Shanda đã mua tổng cộng 700.000 mẫu đất lâm nghiệp, chủ yếu ở Oregon, Mỹ và Ontario, Canada.

Ngoài ra, Trần Thiên Kiều trước đây đã mua một số bất động sản nổi tiếng của Mỹ. Năm 2018, ông và vợ là Lạc Thiên Thiên (Luo Qianqian) đã mua Tòa nhà Vanderbilt trên Phố East 69 ở Manhattan với giá 39 triệu USD. Theo thông tin công khai, vào năm 2021, khu bất động sản Seeley Mudd nằm ở ngoại ô Los Angeles đã được bán cho một người giấu tên với giá 25 triệu USD, sau đó người mua được xác nhận là vợ chồng Trần Thiên Kiều.

Trần Thiên Kiều cũng đã bỏ ra số tiền khổng lồ để mua những ngôi nhà cũ ở Thượng Hải. Năm 2009, ông mua Yanjia Garden nằm ở số 699 đường Yuyuan, Thượng Hải với giá 280 triệu NDT, sau đó tiến hành sửa chữa nó. Vào năm 2016, giá của Yanjia Garden đã tăng vọt lên tới 1 tỉ NDT, đồng nghĩa với mức tăng hơn gấp ba lần trong vòng 7-8 năm, với mức tăng trung bình mỗi năm gần 100 triệu NDT, khiến thế giới bên ngoài phải ngạc nhiên. Dựa trên diện tích xây dựng 1.570 mét vuông, giá bán trung bình của Yanjia Garden lên tới 637.000NDT/m2, cao hơn nhiều so với biệt thự cổ ở Houhai, Bắc Kinh.

Những thăng trầm trong kinh doanh

Vào thập niên 1990, Trần Thiên Kiều tốt nghiệp trường trung học Dương Kinh và được nhận vào Đại học Phúc Đán chuyên ngành kinh tế. Nhờ thành tích học tập xuất sắc, ông đã tốt nghiệp Đại học Phúc Đán trước thời hạn một năm.

Sau khi ra trường, ông về Văn phòng Chủ tịch Tập đoàn Lục Gia Chủy Thượng Hải (LJZ Group) và lần lượt giữ chức phó Tổng giám đốc một công ty con của tập đoàn và Thư ký cho Chủ tịch tập đoàn. Tuy nhiên, ông đã chọn rời Tập đoàn LJZ sau đó vài năm. Năm 1998, ông chính thức gia nhập Công ty Chứng khoán Kim Tín (Jinxin), tuy nhiên, công việc được thế giới bên ngoài đánh giá là lương cao này lại không giữ chân được Trần Thiên Kiều.

Chỉ một năm sau, Trần Thiên Kiều đã cùng vợ Lạc Thiên Thiên, anh trai và những người khác thành lập Shanda Network và bắt đầu xây dựng một trang web hoạt hình. Mặc dù lúc đó Trần Thiên Kiều đã nhận được 3 triệu USD tài trợ từ China.com nhưng Shanda lại rơi vào tình trạng "đốt tiền chờ chết" vì cộng đồng hoạt hình mà ban đầu ông lạc quan lại không có thu nhập đáng kể.

Phải đến năm 2001, Shanda mới chính thức tham gia thị trường trò chơi trực tuyến, điều này cũng mang đến cho Shanda cơ hội để phản công. Vào thời điểm đó, Trần Thiên Kiều đã dùng 300.000 USD còn lại để giành được quyền đại lý game "Legend" (Huyền thoại) từ công ty ACTOZ của Hàn Quốc.

Sau khi "Huyền thoại" chính thức ra mắt, tựa game này đã nhanh chóng đứng đầu bảng xếp hạng doanh số bán hàng của nhiều phần mềm, giúp Shanda kiếm được rất nhiều tiền. Sau một tháng hoạt động, trò chơi trực tuyến này đã có lãi. Chỉ trong vòng 1 năm, trò chơi này đã chiếm khoảng 70% thị trường game trực tuyến.

Tháng 5/2004, Shanda niêm yết trên sàn NASDAQ ở Mỹ. Tháng 10 cùng năm, Shanda cũng mua lại Qidian.com, trang văn hóa giải trí hàng đầu. Có một thời gian, Shanda đã trở thành công ty ngôi sao không có đối thủ về cổ phiếu khái niệm của Trung Quốc. Shanda từng trở thành công ty cổ phần khái niệm Trung Quốc có giá trị thị trường cao nhất và là công ty trò chơi có giá trị thị trường cao nhất thế giới.

Với thành tích vượt trội của Shanda trên thị trường, giá trị tài sản ròng của Trần Thiên Kiều cũng tăng lên. Trong Danh sách người giàu Hurun năm 2004, ông đứng thứ hai với khối tài sản 8,8 tỉ NDT. Cùng năm đó, ông cũng giành được danh hiệu người giàu nhất trong "Danh sách người giàu CNTT Hurun năm 2004".

Năm 2005, trong Danh sách 500 người giàu do Fortune công bố, Trần Thiên Kiều mới ngoài 30 tuổi, đã giành được danh hiệu người giàu nhất Trung Quốc với khối tài sản 15 tỉ NDT. Vào thời điểm đó, những tên tuổi lớn như Hoàng Quang Dụ của Tập đoàn Pengrun, Cao Vinh Kiện của CITIC Pacific và Lỗ Quán Cầu của Tập đoàn Wanxiang đều xếp sau ông. Ông chủ NetEase Đinh Lũy, hiện đang giữ vị trí dẫn đầu thị trường game Trung Quốc vào thời điểm đó chỉ đứng thứ 5 với tài sản 7 tỉ NDT.

vo-chong-tran-thien-kieu-557.jpg
Cặp vợ chồng Trần Thiên Kiều - Lạc Thiên Thiên (Ảnh: Sohu).

Sau khi chia tay Shanda Games, ông tập trung nhiều hơn vào lĩnh vực đầu tư. Theo trang web chính thức của Shanda, lĩnh vực đầu tư của Trần Thiên Kiều bao gồm đầu tư thị trường đại chúng, đầu tư mạo hiểm và bất động sản.

Ngoài những dự án nêu trên, Trần Thiên Kiều đã dành một phần tâm sức của mình cho việc nghiên cứu não bộ con người, có lẽ vì từng mắc bệnh nên Trần Thiên Kiều rất quan tâm đến lĩnh vực khoa học này.

Năm 2016, ông tuyên bố thành lập quỹ trị giá 1 tỉ USD để tài trợ nghiên cứu não bộ, với đợt đầu tiên quyên góp 115 triệu USD cho Viện Công nghệ California (Mỹ). Tháng 12/2023, Viện nghiên cứu khoa học não Thiên Kiều do ông thành lập đã thông báo sẽ đầu tư thêm 1 tỉ NDT vào “trí tuệ nhân tạo (AI) + khoa học não bộ”. Trần Thiên Kiều từng gây ra nhiều tranh cãi do quyên góp cho cộng đồng khoa học Mỹ. Nhưng trước những nghi ngờ của bên ngoài, ông nói việc quyên góp không có biên giới và quả bóng cần được chuyền cho người ở gần khung thành nhất.

Mặc dù Trần Thiên Kiều hiện kín tiếng hơn trước rất nhiều nhưng ông vẫn nằm trong "Danh sách người giàu Hurun 2023" với khối tài sản 53 tỉ NDT, đứng thứ 77 trong danh sách.

Theo Guancha, Cnbeta