Chiều 25/2, UBND TP.HCM họp khẩn, tiếp tục chỉ đạo phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus COVID-19 gây ra.
Tại cuộc họp, ông Lê Minh Tấn – Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM, cho biết tính đến 17h ngày 24/2, tổng số lao động quốc tịch Hàn Quốc được cấp phép lao động tại TP.HCM là 4.624 người, làm việc tại 2.030 doanh nghiệp. Trong đó, có 3.622 chuyên gia, 690 nhà quản lý, 277 lao động kỹ thuật và 37 giám đốc điều hành.
Tổng số lao động Trung Quốc được cấp phép là 2.399 người, làm việc tại 741 doanh nghiệp. Trong đó, có 2.031 chuyên gia, 103 Nhà quản lý, 262 lao động kỹ thuật, 3 giám đốc điều hành.
Tổng số lao động Đài Loan (Trung Quốc) được cấp phép là 1.794 người, làm việc tại 541 doanh nghiệp. Trong đó, có 1.575 chuyên gia, 118 nhà quản lý, 99 lao động kỹ thuật và 2 giám đốc điều hành.
Tổng số lao động Nhật Bản được cấp giấy phép lao động là 3.672 người, làm việc tại 1.586 doanh nghiệp. Trong đó, có 2.764 chuyên gia, 721 Nhà quản lý, 183 lao động kỹ thuật và 94 giám đốc điều hành.
Hiện số lao động trên địa bàn TP.HCM đi làm việc tại Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc là 40.496 người. Trong đó, Nhật Bản 33.611 ca người, Đài Loan 5.592 người, Hàn Quốc 1.289 người.
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở Y tế TP.HCM báo cáo tình hình dịch bệnh. Ảnh: NT
|
Ông Lê Minh Tấn kiến nghị tạm thời dừng cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài đến từ vùng dịch (người lao động quốc tịch Hàn Quốc đến từ tỉnh Deagu, Gyeongsang). Đối với người lao động quốc tịch Hàn Quốc còn lại đã được cấp giấy phép lao động, về nước trở lại Việt Nam làm việc, đề nghị kiểm tra dịch tể trước khi nhập cảnh.
Tại TP.HCM, 100% đơn vị được khảo sát đã tiến hành tiêu độc, khử trùng toàn bộ khuôn viên trong đơn vị theo chỉ đạo của thành phố. Đặc biệt có hơn 16 đơn vị, tổ chức trên 5 lần tiêu độc, khử trùng tại đơn vị.
Trước đó, chiều 24/2, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung yêu cầu các cơ quan liên quan xây dựng kịch bản ứng phó đảm bảo tối đa quyền lợi của người lao động tại các thị trường ngoài nước, đặc biệt là Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu Cục Quản lý lao động ngoài nước rà soát, thống kê cụ thể số lượng lao động đang làm việc tại các thị trường, chi tiết tới từng khu vực, địa phương; Nêu các phương án hỗ trợ người lao động ở nước ngoài, người lao động về nước, cách ly, chữa bệnh. Trong từng phương án, cần nêu cụ thể các giải pháp để thực hiện như nguồn kinh phí, nhân lực thực hiện, phương tiện, điều kiện đảm bảo…
Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu các cơ quan liên quan thực hiện các giải pháp tuyên truyền cho người lao động; đề ra phương án trong trường hợp các thị trường khác ngừng tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc. Đồng thời, triển khai ứng dụng kết nối, hỗ trợ khẩn cấp trên điện thoại cho người lao động Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là Hàn Quốc, Nhật Bản.
Theo đó, các cơ quan liên quan cần thống kê số lượng lao động, chuyên gia làm việc tại từng địa phương, đặc biệt là các trường hợp chuẩn bị trở về Việt Nam và nêu các phương án cách ly, chữa bệnh khi người lao động, chuyên gia vào Việt Nam làm việc.