TP.HCM không thiếu khẩu trang, không nhận tiếp tế tại khu cách ly tập trung

VietTimes – Lãnh đạo TP.HCM chỉ đạo phải chuẩn bị đủ khẩu trang, nhu yếu phẩm, đồng thời, đóng cửa quán bar, nhà hàng, trung tâm thể dục, dừng hoạt động xe bus. Tại các khu cách ly, không nhận đồ tiếp tế để tránh lây nhiễm.
Bí thư thành ủy Nguyễn Thiện Nhân và Phó bí thư thường trực Trần Lưu Quang tại cuộc họp chiều 24/3 (Ảnh: TB)

Có đường dây nóng tố cáo đầu cơ khẩu trang

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 TP.HCM chiều 24/3/2020, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân khẳng định không để xảy ra tình trạng thiếu khẩu trang.

Sở Công Thương báo cáo trong tháng 3/2020 có hơn 17 triệu khẩu trang, trong đó đã bán hơn 8 triệu và còn hơn 8 triệu nữa. Sở đề nghị các đơn vị, tổ chức, địa phương rà soát, lập danh sách nơi nào cần để phân phối cho hợp lý.

Hiện Sở Công Thương cũng đã cung cấp đường dây nóng để người dân báo khi phát hiện chỗ nào bán khẩu trang không hợp lệ.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm đề nghị Sở Công Thương phối hợp với Công an Thành phố, Chi cục Quản lý thị trường… tăng cường kiểm tra, xử lý việc “găm” hàng, không bán khẩu trang ra thị trường, cũng như bán khẩu trang kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, khẩu trang đã qua sử dụng. Sở Y tế phải kiểm soát chặt chẽ chất lượng khẩu trang, kể cả khẩu trang vải.

Hàng triệu khẩu trang được tiếp tục sản xuất để cung cấp cho người dân TP.HCM (Ảnh: Sở Công thương)


Chuẩn bị sẵn sàng cơ sở cách ly

Liên quan đến việc tiếp nhận công dân trở về nước, thống kê của TP.HCM cho thấy từ 0h đến 23h55 phút ngày 23/3/2020 có tổng số 8 chuyến bay. Số khách chuyển cách ly tập trung: 732; có 11 ca có triệu chứng đã chuyển đến bệnh viện chuyên điều trị COVID (Cần Giờ). Ngày 24/3/2020 tiếp nhận 12 chuyến bay, 449 hành khách. Từ 0h ngày 25/3/2020 không nhập cảnh các chuyến bay quốc tế, theo chỉ đạo từ Chính phủ.

Tổng số trường hợp đang cách ly tập trung tại TP.HCM, số liệu đến ngày 24/3 là 9.073 trường hợp (tổng công suất: 10.885 giường, còn lại: 1.812 giường), trong đó, khu cách ly tập trung của thành phố: 8.532 người (tổng công suất: 9.998  giường, còn lại: 1.466 giường); Cơ sở cách ly tập trung quận, huyện: 541 người (tổng công suất: 887 giường, còn lại: 346 giường); số trường hợp đang cách ly tại nhà/nơi lưu trú trong ngày: 1.093 người.

TP.HCM khẳng định không thiếu cơ sở cách ly tập trung và toàn bộ các ban ngành đã nỗ lực chuẩn bị các điểm cách ly cho người nhập cảnh không bị ùn tắc lại tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Trong ngày hôm nay 25/3, TP.HCM sẽ đưa vào hoạt động khu cách ly tập trung của thành phố ở Học viện Chính trị Quốc gia (tại quận 9) với 1.000 phòng để giảm tải cho Ký túc xá Đại học Quốc gia.

Ngoài ra, TP.HCM sẽ cân nhắc chuẩn bị thêm khoảng 1.000 chỗ tại KTX Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP.Hồ Chí Minh làm nơi cách ly trong thời gian tới.

Lãnh đạo TP.HCM chỉ đạo các sở, ban ngành không tiếp nhận các ca cách ly mới ở các Trung tâm cách ly của quận huyện để hạn chế lây trong cộng đồng có mật độ dân cư cao, đồng thời để Trung tâm Y tế quận huyện có nguồn lực tập trung vào xử lý ổ dịch mới ở địa phương và điều tra lại những trường hợp đã nhập cảnh từ 8/3/2020 trở lại mà chưa được cách ly tập trung (vào thời điểm BYT chưa quy định phải cách ly tập trung).

Phương tiện sẵn sàng đón người đi cách ly ở nhiều khu cách ly tập trung tại TP.HCM (Ảnh: Phạm Nguyễn)


Đóng cửa quán bar, trung tâm thể hình
, dừng hoạt động xe bus

TP.HCM đã tổ chức truyền thông mạnh mẽ tới tất cả mọi người, đặc biệt là những người trên 60 tuổi nên ở nhà, hạn chế tiếp xúc với người khác, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; tăng cường dinh dưỡng, tập luyện, nâng cao sức khỏe.

Mọi người khi ra đường phải mang khẩu trang và di chuyển cũng phải đảm bảo cự ly an toàn 2m, không được tụ tập trên đường phố để tránh nguy cơ lây lan.

Giảm chuyến tuyến bus sông hiện đại nhất Việt Nam. Ngừng hoạt động tất cả phương tiện công cộng xe bus trong nội thành.

Theo quy định mới của TP.HCM, xe taxi không sử dụng máy lạnh, phải mở cửa kính để thông thoáng. Tài xế xe taxi phải mang khẩu trang và thường xuyên vệ sinh xe taxi sau mỗi lần chở khách.

Xe bus là phương tiện giao thông thuận tiện trong khu KTX ĐHQG TP.HCM nay dừng hoạt động theo chỉ đạo (Ảnh: BQL KTX cung cấp) 

TP.HCM khuyến cáo tất cả các cửa hàng, nếu thực sự không cần thiết thì nên đóng cửa, trừ trường hợp các cửa hàng xăng, thuốc, siêu thị và lương thực thực phẩm.

Các quán ăn, quán nước không được mở máy lạnh, phải mở cửa sổ và sử dụng quạt để thông thoáng. Không tập trung quá 10 người. Mỗi người phải đảm bảo giữ khoảng cách an toàn tối thiểu 2m.

Các quán ăn đường phố phải đảm bảo mỗi khách hàng ngồi cách nhau 2m. Nhân viên phục vụ phải mang khẩu trang và thường xuyên rửa tay. Vệ sinh khử khuẩn bàn ăn ngay sau khi khách hàng sử dụng. Nếu các quán không bố trí được theo yêu cầu phải ngưng hoạt động.

Ngưng tất cả các hoạt động tập trung đông người và dịch vụ vui chơi giải trí bao gồm bida máy lạnh, phòng tập gym, … các dịch vụ thể thao tụ tập đông người (sân golf…).

Tạm thời ngưng các điểm tham quan, du lịch. Giải tỏa tất cả học sinh, sinh viên vẫn còn lưu trú ở khu ký túc xá các trường học trong thời gian này, để hạn chế nguồn lây nhiễm bệnh.

Tụ tập đông người tăng nguy cơ lây nhiễm (Ảnh do BQL KTX cung cấp) 
Theo phản ánh từ BQL KTX, ddám đông người tiếp tế gây khó khăn cho lực lượng phục vụ (Ảnh: BQL KTX cung cấp) 

Không nhận đồ tiếp tế để tránh lây nhiễm

Hiện tại, Khu cách ly tại KTX ĐHQG TP.HCM đã tiếp nhận tới hơn 7.000 người. Thực tế là, trong mấy ngày qua, người dân ùn ùn kéo tới, rồng rắn xếp hàng, nhờ gửi đồ tiếp tế cho thân nhân đang cách ly tại KTX.

Thực tế này gây ảnh hưởng không nhỏ khi quá tải hoạt động phục vụ với dân phòng và SV tình nguyện. Dưới trời nắng chang chang, bộ phận tình nguyện phải hết sức vất vả chuyển đồ, cộng với đám đông chờ tiếp tế, dù có đeo khẩu trang cũng khó lòng giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch.

UBND TP.HCM chỉ đạo các khu cách ly không tiếp nhận thực phẩm và nhu yếu phẩm,… để tránh lây nhiễm cũng như mất trật tự do đông thân nhân người cách ly tụ tập.

UBND TP.HCM cũng chỉ đạo Sở Y tế TP.HCM phối hợp với Coopmart cung cấp đầy đủ nhu cầu thiết yếu cho người được cách ly, cả chế độ ăn cho trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người già và người có bệnh lý nền. Đối với những người có bệnh lý nền mãn tính sẽ có bác sỹ chăm sóc tại chỗ, hoặc chuyển qua Trung tâm cách ly ở BV tuyến quận/huyện.

Giấc ngủ ngắn ngủi khi trời đã gần sáng của những tình nguyện viên khiến cộng đồng rơi nước mắt (Ảnh: BQL KTX)


Thời gian qua, những hình ảnh chia sẻ trên nhiều phương tiện cho thấy lực lượng tham gia phòng chồng dịch đã quá vất vả. Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm chỉ đạo: “Chuẩn bị tốt công tác cách ly, tăng cường thêm chỗ cách ly, đảm bảo các điều kiện về mặt y tế. Đồng thời, phải đảm bảo công tác hậu cần, chỗ nghỉ ngơi cho các lực lượng tham gia phòng chống dịch”.