Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm về kiểm soát thuốc lá của các nước khu vực ASEAN” do Bộ Y tế tổ chức chiều 4/11, có sự tham gia của đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an và nhiều bộ, ngành khác cùng trên 10 tổ chức quốc tế, trong đó, có Liên minh phòng, chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) khu vực Đông Nam Á.
Luật của Việt Nam không thừa nhận thuốc lá mới
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn khẳng định Việt Nam cam kết mạnh mẽ PCTHTL với việc tham gia Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC) của WHO từ 2004. Hơn 10 năm thực hiện Luật PCTHTL, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu ở Việt Nam đã giảm đáng kể.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Thuấn cũng cho biết công tác PCTH thuốc lá tại Việt Nam còn nhiều thách thức. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở Việt Nam vẫn còn rất cao, trong khi nhiều sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử (TLĐT), thuốc lá nung nóng (TLNN), Shisha xuất hiện và tấn công giới trẻ.
Ở nhóm 13-15 tuổi, tỷ lệ sử dụng TLĐT tăng từ 3,5% năm 2022 lên 8% năm 2023. Trong khi đó, thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá của Việt Nam thấp hơn nhiều so với khuyến cáo của WHO, khiến cho việc tiếp cận với thuốc lá rất dễ dàng.
Trước những thách thức trong công tác PCTHTL, Thứ trưởng Thuấn hy vọng hội thảo này sẽ là cơ hội quý để Việt Nam học hỏi thêm kinh nghiệm, chính sách hiệu quả từ các nước trong việc kiểm soát thuốc lá.
Ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh (KCB) Bộ Y tế - nhấn mạnh quan điểm của Bộ Y tế: TLĐT, TLNN và các sản phẩm thuốc lá mới đều không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật PCTHTL. Sự gia tăng của thuốc lá mới đe doạ phá bỏ thành tựu Việt Nam đã đạt được trong việc giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu trong 10 năm qua.
Ông Khoa đưa ra những con số đáng chú ý về tác động của thuốc lá mới với sức khoẻ: Năm 2022 và 2023, riêng Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận 130 trường hợp ngộ độc do TLĐT.
Khảo sát của Cục quản lý KCB ở gần 700 cơ sở y tế cũng cho thấy năm 2023 có 1.224 ca nhập viện do sử dụng TLĐT, TLNN với các triệu chứng bị dị ứng, ngộ độc, tổn thương phổi cấp.
Để giảm việc sử dụng thuốc lá, bảo vệ sức khoẻ người dân, ông Khoa đề nghị cần tăng thuế thuốc lá; ngăn ngừa sử dụng thuốc lá mới; cấm quảng cáo, khuyến mại và tài trợ thuốc lá; thay đổi cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá; tăng cường thực hiện môi trường không khói thuốc; hỗ trợ cai nghiện thuốc lá.
Thuốc lá không an toàn, cần tăng thuế để giảm sử dụng
Các chuyên gia quốc tế đều khẳng định TLĐT, TLNN không an toàn, vì chứa nicotine và nhiều chất độc hại, gây ung thư. Số người bị tổn thương phổi do sử dụng TLĐT đang gia tăng trên toàn cầu, điển hình là một thanh niên 22 tuổi người Philippines, đã tử vong đầu năm 2024 vì tổn thương tim và phổi sau khi sử dụng TLĐT trong hai năm.
Các đại biểu cũng nêu bật quan điểm thuế thuốc lá là một chiến lược kiểm soát thuốc lá hiệu quả đã được chứng minh và lưu ý Việt Nam đang có giá thuốc lá rẻ nhất ASEAN, chưa đến 1 USD/gói, làm cho mọi người, nhất là giới trẻ dễ tiếp cận.
WHO khuyến nghị Việt Nam tăng thuế thuốc lá bằng cách bổ sung một khoản thuế cụ thể vào mức thuế hiện tại, từ 5.000 VND (0,20 USD) mỗi bao thuốc lá vào năm 2026 và tăng lên đến 15.000 VND (0,59 USD) mỗi bao thuốc lá vào năm 2030. Điều này sẽ làm cho giá thuốc lá tăng lên để có thể hạn chế người sử dụng thuốc lá và khuyến khích mọi người bỏ thuốc.
Bà Tan Yen Lian (cán bộ Liên minh phòng chống tác hại thuốc lá khu vực Đông Nam Á - SEATCA) cho biết: Hầu hết các nước ASEAN đã cấm buôn bán, tiếp thị trực tuyến các sản phẩm thuốc lá và TLĐT, TLNN, Việt Nam vẫn không cấm. Trong khi Việt Nam có 16 triệu người trưởng thành hút thuốc và hơn 100.000 người tử vong mỗi năm do các bệnh liên quan đến thuốc lá, gây tổn thất 108,2 nghìn tỷ đồng (4,6 tỷ USD) cho chi phí y tế.
Từ đó, bà Tan Yen Lian khuyến nghị: Việt Nam cần tăng thuế thuốc lá thường xuyên và cấm hút thuốc lá toàn diện để bảo vệ người dân khỏi tác hại của khói thuốc. Việt Nam cũng cần cấm quảng cáo, khuyến mại, tài trợ thuốc lá toàn diện.
Bà Bungon Ritthiphakdee (cố vấn cấp cao của SEATCA) cũng khẳng định thuế thuốc lá là biện pháp hữu hiệu nhất để giảm tỷ lệ người hút thuốc và giúp tăng nguồn thu cho ngân sách. Việc trì hoãn nâng thuế thuốc lá sẽ làm tăng số người hút thuốc, tăng số người mắc bệnh và số người tử vong do thuốc lá và làm giảm thu ngân sách nhà nước.
Tiến sĩ Ulysses Dorotheo - Giám đốc Điều hành SEATCA - cho biết: “Việt Nam đang phải đối mặt với việc gia tăng sử dụng các loại TLĐT, TLNN, đặc biệt là giới trẻ. Vì thế, cấm TLĐT, TLNN là hiệu quả nhất để ngăn chặn gia tăng TLĐT, TLNN và tránh lặp lại sai lầm khi để nạn dịch thuốc lá gia tăng".
Hơn bốn mươi quốc gia và vùng lãnh thổ đã cấm TLĐT/TLNN. Tại ASEAN, những nước cho phép bán và quảng cáo các sản phẩm gây hại và gây nghiện này đang gặp khó khăn trong việc ứng phó với tình trạng hút thuốc điện tử ở giới trẻ. Đây sẽ là bài học để Việt Nam tránh đi phải “vết xe đổ”.