TP.HCM đưa ký túc xá Học viện Chính trị Quốc gia vào hoạt động, giảm tải cho Ký túc xá Đại học Quốc gia

VietTimes -- Đó là nhấn mạnh của ông Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở Y tế TP.HCM tại cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 chiều 24/3.
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh -  Giám đốc Sở Y tế TP.HCM
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở Y tế TP.HCM

Mở rộng nhiều khu cách ly, giảm tải cho ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, trong ngày mai (25/3), TP.HCM sẽ đưa vào hoạt động khu cách ly tập trung của thành phố ở Học viện Chính trị Quốc gia (tại quận 9) với 1.000 phòng để giảm tải bớt cho ký túc xá Đại học Quốc gia.

"Chúng tôi đã khảo sát khu ký túc xá của Học viện Chính trị Quốc gia. Ở đây có khoảng 1.000 phòng, trong đó có 300 phòng đơn, sẽ dùng 100 phòng đơn để dành cho khách ngoại giao đoàn, khách quốc tế. Đồng thời, chúng ta sẽ mở rộng ra khu ký túc xá ở quận Thủ Đức, quận 9, Hóc Môn,...hạn chế tập trung ở khu ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM" - Ông Bỉnh nói.

Hiện, khu cách ly ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM đã nhận hơn 7.000 người. Đây là con số rất lớn, tạo không ít áp lực đối với nhân viên y tế và lực lượng dân quân tự vệ, công an tại đây.

Để đảm bảo tránh lây nhiễm chéo, Sở Y tế TP.HCM quy định mỗi phòng chỉ có 4 người, mỗi giường cách nhau 2m theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế và không được tiếp xúc với phòng khác. Nếu người nào không tuân thủ, Sở Y tế TP.HCM sẽ có biện pháp xử lý khác.

Người nhà tiếp tế cho người cách ly ở ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM. Ảnh: Internet
Người nhà tiếp tế cho người cách ly ở ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM. Ảnh: Internet

Khu cách ly ký túc xá Đại học Quốc gia đã ngưng nhận đồ tiếp tế để đảm bảo không gây mất trật tự, lây nhiễm trong cộng đồng, đặc biệt là lây nhiễm cho nhân viên y tế, công an, bộ đội làm việc tại đây. Những đồ tiếp tế không rõ nguồn gốc rất nguy hiểm. Sở Y tế TP.HCM phối hợp với Co.op Mart cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm cho người dân tại khu cách ly, ngay cả những bữa ăn cho trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người già và người có bệnh lý nền.

Đặc biệt, những người lớn tuổi có bệnh lý nền sẽ được chuyển qua Trung tâm Y tế quận, huyện để được theo dõi, chăm sóc sức khỏe tốt hơn.

Đề xuất ngưng hoạt động xe bus

Ông Bỉnh cho hay, từ khi dịch bùng phát ở châu Âu, Hoa Kỳ tới nay đã có hàng trăm chuyến bay với hàng trăm nghìn người nhập cảnh vào Việt Nam. Những người này đã đi qua nhiều địa phương, tiếp xúc với hàng trăm nghìn người Việt Nam. Do đó, khi phát hiện một ca nhiễm bệnh, việc điều tra tìm ra những người có nguy cơ lây nhiễm rất khó khăn, vất vả.

Thời gian ủ bệnh trung bình là 14 ngày. Ông Bỉnh cũng cho biết, thực tế cho thấy cũng có những trường hợp ủ bệnh dài hơn 14 ngày. Thời gian từ 20/3 trở đi và kéo dài đến hết ngày 3/4 là thời gian cao điểm phát hiện khi phát bệnh.

Tại TP.HCM, đã xuất hiện 2 ổ dịch trong cộng đồng từ những người tham sự sự kiện tôn giáo tại Malaysia và những người tham gia trong quán bar Buddha. Như vậy, nguồn lây nhiễm đang tiềm ẩn trong cộng đồng, nguy cơ rất cao.

Quán bar Buddha, quận 2 là một ổ dịch của TP.HCM
Quán bar Buddha, quận 2 là một ổ dịch của TP.HCM

Đồng thời, một nguồn lây nhiễm khác là cán bộ đang giao dịch, tiếp xúc trực tiếp với công dân về từ các vùng có dịch. Dù có phương án bảo hộ nhưng tỷ lệ của người tiếp xúc gần là cao nhất.

Ông Bỉnh cho biết, trong 2 tuần tới là giai đoạn vàng để ngăn chặn dịch COVID-19. Do đó, ông Bỉnh nhận định cần ngừng tất cả phương tiện công cộng xe buýt trong nội thành. Đối với taxi thì không sử dụng máy lạnh, phải mở cửa kính để thông thoáng. Tài xế xe taxi phải mang khẩu trang và thường xuyên vệ sinh xe taxi sau mỗi lần chở khách.

Sở Y tế TP.HCM khuyến cáo tất cả các cửa hàng, nếu thực sự không cần thiết thì nên đóng cửa (trừ các cửa hàng xăng, thuốc, siêu thị và lương thực thực phẩm). Các quán ăn, quán nước không được mở máy lạnh, nhân viên phục vụ phải mang khẩu trang và thường xuyên rửa tay. Nếu các quán không bố trí được theo yêu cầu phải ngưng hoạt động.