Tổng thống Iran Ebrahim Raisi, 63 tuổi, tử nạn trong một vụ tai nạn máy bay trực thăng đã khiến nước Cộng hòa Hồi giáo rơi vào tình trạng bất ổn, đặt ra câu hỏi về việc chuyển giao quyền lực trong bối cảnh căng thẳng khu vực leo thang.
Theo các quan chức, xác của chiếc trực thăng chở Tổng thống Ebrahim Raisi, Ngoại trưởng Hossein Amirabdollahian và 6 người khác đã được tìm thấy hôm đầu tuần này ở vùng núi gần biên giới Azerbaijan sau một chiến dịch tìm kiếm đầy thử thách trong trận bão tuyết.
Ông Raisi, một giáo sĩ theo đường lối cứng rắn, được bầu làm Tổng thống vào năm 2021. Ông được biết đến với nỗ lực thực thi luật đạo đức chặt chẽ hơn ở Iran. Về chính sách đối ngoại, ông Raisi đã thúc đẩy mạnh mẽ các cuộc đàm phán hạt nhân với các cường quốc thế giới và mở rộng mối quan hệ của Iran với Nga, Trung Quốc và Ấn Độ thông qua chiến lược “Hướng Đông”.
Ông Raisi qua đời ngay trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trong khu vực do cuộc chiến ở Gaza, với việc các nhóm ủng hộ Iran tuyên bố chống lại ảnh hưởng của Israel và Mỹ ở Trung Đông.
Để hiểu được những tác động tiềm ẩn sau cái chết bất ngờ của ông Raisi đối với chính sách đối nội và đối ngoại của Iran, cần phải xem xét bối cảnh chính trị, quá trình kế nhiệm cũng như các mối quan hệ khu vực và quốc tế rộng lớn hơn của đất nước này.
Tổng thống và Lãnh tụ tối cao
Sau khi tình trạng bất ổn lan rộng và các cuộc biểu tình rầm rộ vào năm 1979 - gây ra bởi sự bất mãn với sự cai trị của Shah Mohammad Reza Pahlavi – cuộc Cách mạng Hồi giáo ở Iran đã dẫn đến việc thành lập một chính phủ mới ở nước này.
Thông qua một cuộc bỏ phiếu, người Iran đã chọn trở thành một nước Cộng hòa Hồi giáo, lật đổ chế độ quân chủ và buộc nhà vua phải lưu vong. Hệ thống mới này đã biến Iran thành một chế độ thần quyền của người Shiite và cùng năm đó, ông Ayatollah Ruhollah Khomeini được bầu làm lãnh tụ tối cao đầu tiên của đất nước, người có tiếng nói cuối cùng về mọi vấn đề của nhà nước.
Hiến pháp của đất nước, được phê chuẩn vào năm 1979 trong một cuộc trưng cầu dân ý, có sự pha trộn giữa chế độ thần quyền Hồi giáo và các nguyên tắc dân chủ.
Đứng đầu cơ cấu chính trị của Iran ngày nay là lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei, 85 tuổi, người kế nhiệm ông Khomeini sau khi ông qua đời năm 1989. Ông Khamenei có tiếng nói cuối cùng về chính sách đối ngoại của Iran và chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này.
Các chuyên gia cho biết, ông Raisi được nhiều người coi là đồng minh trung thành của nhà lãnh tụ tối cao, thực thi các chính sách của ông và phát huy vai trò mở rộng của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) trong cả lĩnh vực chính trị và kinh tế.
Do đó, theo Alam Saleh, chuyên gia nghiên cứu về Iran tại ĐH Quốc gia Australia, có thể sẽ không có nhiều thay đổi liên quan đến lập trường chính sách đối ngoại quan trọng của Iran vì “Tổng thống có rất ít ảnh hưởng” đến những quyết định này.
“Người ra quyết định cuối cùng là nhà lãnh tụ tối cao, vì vậy khi nói đến chính sách khu vực và đối ngoại, mọi thứ có thể sẽ được giữ nguyên như trước”, vị chuyên gia nhận định.
Câu hỏi về người kế vị
Với độ tuổi của ông Khamenei, câu hỏi ai sẽ trở thành nhà lãnh đạo tối cao tiếp theo của đất nước là chủ đề của nhiều cuộc thảo luận. Ông Raisi được một số người coi là người kế vị tiềm năng, nhưng các nhà phân tích cho rằng triển vọng của ông rất hạn chế, đặc biệt vì ông đang cạnh tranh với con trai của ông Khamenei, Mojtaba, một giáo sĩ Hồi giáo đã làm việc chặt chẽ với cha ông.
Hiến pháp Iran quy định rằng một cơ quan giáo sĩ được bầu chọn, được gọi là Hội đồng Thông thái, chịu trách nhiệm chọn ra nhà lãnh tụ tối cao. Nhưng theo các nhà quan sát, hội đồng này giống một cơ quan nghi lễ hơn với quyền lực hạn chế, và ông Khamenei có thể sẽ có tiếng nói chính trong việc xác định ai sẽ nắm quyền.
Theo ông Saleh, cái chết của ông Raisi đã làm nổi bật khả năng Mojtaba sẽ trở thành ứng cử viên “rõ ràng” duy nhất có thể kế nhiệm cha mình với tư cách là lãnh tụ tối cao.
Theo Mehran Kamrava, giáo sư về chính quyền tại ĐH Georgetown ở Qatar, cố Tổng thống Raisi không được xem xét nghiêm túc cho vị trí lãnh tụ tối cao - đặc biệt khi ông phải đối mặt với sự bất đồng nội bộ liên quan tới một số quyết định chính trị và kinh tế mà ông từng đưa ra.
Nền kinh tế Iran đã bị ảnh hưởng dưới thời Tổng thống Raisi, khi đồng tiền của nước này, đồng rial, đạt mức thấp kỷ lục, mất ít nhất 55% giá trị trong 3 năm qua.
“Có một điều về ông Raisi là ông ấy chưa thực hiện được những lời hứa về kinh tế của mình”, Kamrava nói.
Cuộc tranh giành quyền lực có thể xảy ra
Vấn đề chính trị cấp bách nhất đối với Iran lúc này là tổ chức cuộc bỏ phiếu bầu tổng thống tiếp theo, dự kiến diễn ra trong vòng 50 ngày. Phó Tổng thống thứ nhất Mohammad Mokhber được bổ nhiệm làm quyền Tổng thống của nước Cộng hòa Hồi giáo trong hôm đầu tuần này và dự kiến sẽ tổ chức cuộc bầu cử.
Các nhà quan sát cảnh báo về một cuộc tranh giành quyền lực tiềm ẩn đối với chức vụ tổng thống, đặc biệt là giữa những chính trị gia có tư tưởng bảo thủ. Theo ông Saleh, những người theo đường lối cứng rắn có thể coi bối cảnh hiện nay như một cơ hội để giành quyền lực và tầm ảnh hưởng trong nước.
Nhà phân tích chính trị Arash Azizi cho biết trọng tâm của chính quyền hiện nay sẽ là “sự chuyển giao quyền lực Tổng thống một cách có trật tự”.
Azizi, một nhà văn và giảng viên cao cấp về lịch sử và khoa học chính trị tại ĐH Clemson ở Mỹ, cho biết: “Tôi dự đoán sẽ có một cuộc đấu tranh gay gắt do nhiều phe phái khác nhau của nước Cộng hòa Hồi giáo tiến hành để xem ai sẽ trở thành Tổng thống”.
“Sẽ không xảy ra một cuộc khủng hoảng hiến pháp vì nước Cộng hòa Hồi giáo khá giỏi trong việc ứng phó về mặt thể chế trong những thời điểm như thế này…Nhưng chắc chắn sẽ có một cuộc tranh giành quyền lực để tranh giành chức Tổng thống”, ông nói thêm.
Các nhà quan sát Azizi cho rằng cái chết của ông Raisi có thể làm dấy lên các thuyết âm mưu, làm dấy lên câu hỏi về bản chất thực sự của vụ rơi trực thăng khiến ông tử nạn. Ông Azizi nói, điều này đặc biệt có vấn đề “trong một hệ thống khép kín như Iran”.
Sự tiếp diễn trong quan hệ đối ngoại
Những thông điệp chia buồn dành cho ông Raisi đã được gửi đến từ một số nước láng giềng và đồng minh trong khu vực của Iran, bao gồm các nhà lãnh đạo của Arab Saudi, Syria, Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Qatar, Jordan, Iraq và Pakistan.
Đáng chú ý, có ít phản ứng tức thời hơn từ các nhà lãnh đạo phương Tây, nhưng Liên minh châu Âu và Nhật Bản đã gửi lời chia buồn.
Quan hệ của Iran với phương Tây đạt mức thấp kỷ lục mới sau năm 2018 khi Mỹ – lúc đó do ông Donald Trump lãnh đạo – rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran và áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế, ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ chính của nước này.
Ông Raisi đảm nhận chức Tổng thống vào thời điểm 3 năm sau khi các lệnh trừng phạt được áp dụng nhưng vẫn chưa thể đạt được thỏa thuận với Mỹ. Thay vào đó, Iran chuyển cách tiếp cận từ hợp tác với các quốc gia phương Tây sang thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ hơn với Nga, Trung Quốc và Ấn Độ.
Đáng chú ý, Iran đã có thể hàn gắn mối quan hệ với địch thủ lâu năm trong khu vực là Arab Saudi, ký một thỏa thuận tại Bắc Kinh vào năm 2023 để thiết lập lại quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Phản ứng trước tin ông Raisi qua đời, Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi ông là "người bạn thực sự của Nga" trong khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết ông "vô cùng sốc và đau buồn".
Các nhóm chiến binh Trung Đông trong liên minh “Trục kháng chiến” được Iran hỗ trợ – như Hamas ở vùng lãnh thổ Palestine, Hezbollah ở Lebanon và phiến quân Houthi ở Yemen – cũng đưa ra tuyên bố thương tiếc trước cái chết của ông Raisi.
Theo các nhà phân tích, dự kiến sẽ có rất ít thay đổi về cách Iran tiến hành quan hệ đối ngoại.
“Khi đề cập đến các vấn đề chính sách đối ngoại quan trọng và việc ra quyết định chiến lược, tổng thống có rất ít tiếng nói…nhà lãnh tụ tối cao đóng vai trò lớn và là người ra quyết định cuối cùng”, chuyên gia nghiên cứu Iran Saleh cho biết.
“Bộ trưởng ngoại giao, người cũng qua đời cùng với tổng thống…đã có thể kéo Iran đến gần hơn với các nước như Trung Quốc, Ấn Độ và quan trọng nhất là Nga”, nhà phân tích Kamrava cho biết. “Tôi không nghĩ chúng ta sẽ thấy những thay đổi lớn về vấn đề này trong tương lai gần”.
Tổng thống Iran Ebrahim Raisi thiệt mạng trong vụ tai nạn trực thăng
"Không có dấu vết của người sống sót" tại nơi xảy ra vụ tai nạn trực thăng chở Tổng thống Iran
IRNA: Đã xác nhận vị trí rơi của trực thăng chở Tổng thống Iran
Theo Reuters, SCMP