Tổng thống Pháp thăm Việt Nam: Chương mới trong quan hệ 2 nước

Chuyến thăm của Tổng thống Macron đánh dấu bước ngoặt chiến lược của Pháp tại châu Á, mở ra cơ hội tái định vị quan hệ Việt - Pháp trong bối cảnh trật tự toàn cầu chuyển sang đa cực và cạnh tranh công nghệ, kinh tế, tự chủ chiến lược.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng phu nhân Brigitte Macron (Ảnh Getty).

Hành trình thành đối tác chiến lược

Quan hệ giữa Việt Nam và Pháp là một trong những mối quan hệ lâu đời, có chiều sâu lịch sử và mang tính biểu tượng trong khu vực Đông Nam Á. Từ di sản thuộc địa phức tạp, 2 quốc gia đã đi qua quá trình hòa giải, bình thường hóa và mở rộng hợp tác đầy kiên nhẫn, để đến năm 2013 chính thức nâng cấp lên khuôn khổ đối tác chiến lược.

Hiện nay, Pháp là một trong những đối tác quan trọng nhất của Việt Nam tại châu Âu. Trong lĩnh vực thương mại, Pháp là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (sau Đức và Hà Lan).

Theo số liệu năm 2023, tổng kim ngạch thương mại song phương đạt khoảng 6,4 tỷ USD, tăng gần 11% so với năm trước đó. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Pháp khoảng 4,6 tỷ USD, chủ yếu là hàng dệt may, giày dép, linh kiện điện tử, nông sản, sản phẩm gỗ, và nhập khẩu khoảng 1,8 tỷ USD các mặt hàng như dược phẩm, thiết bị y tế, máy móc, sản phẩm hàng không và mỹ phẩm cao cấp.

Tổng thống Pháp Macron trong cuộc gặp với Tổng Bí thư Tô Lâm tháng 10/2024. Ảnh Minh Nhật, Nhật Bắc

Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Pháp trong ASEAN (chỉ sau Singapore), đồng thời là địa điểm thu hút vốn đầu tư FDI ổn định từ Pháp. Tính đến đầu năm 2025, Pháp có hơn 330 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký trên 3,6 tỷ USD. Các tập đoàn lớn như TotalEnergies, Schneider Electric, Airbus, Sanofi, Dassault Systemes đã có mặt tại Việt Nam, góp phần vào hiện đại hóa các ngành năng lượng, hạ tầng, y tế và công nghiệp.

Hợp tác khoa học - công nghệ cũng là một điểm sáng đáng chú ý. Năm 2024, Viện Nghiên cứu Phát triển Pháp (IRD) và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã ký kết thỏa thuận nghiên cứu chung về biến đổi khí hậu và bảo tồn đa dạng sinh học tại vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trong lĩnh vực chuyển đổi số, các chương trình hợp tác giữa các đại học Pháp - Việt như INSA Lyon- Đại học Bách khoa Hà Nội, hay Trung tâm Đổi mới sáng tạo Pháp - Việt (FVIIC) được thành lập tại TP.HCM, đã và đang trở thành bệ phóng cho thế hệ startup Việt Nam tiếp cận công nghệ và tư duy toàn cầu.

Trên bình diện văn hóa, giáo dục, Pháp vẫn là điểm đến học thuật ưa chuộng của sinh viên Việt Nam, với khoảng 7.000 du học sinh mỗi năm, đứng thứ hai tại EU, chỉ sau Đức. Các chương trình song bằng Pháp- Việt, đặc biệt trong các ngành luật, quản trị, y tế và công nghệ thông tin tiếp tục phát triển. Viện Pháp tại Hà Nội (L’Espace), TP.HCM và các địa phương khác vẫn giữ vai trò trung tâm truyền bá ngôn ngữ, nghệ thuật và tư duy Pháp ngữ, tạo nên cầu nối văn hóa đặc biệt giữa hai dân tộc.

Đáng chú ý, trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, Pháp là một trong những quốc gia phương Tây đầu tiên ký kết các thỏa thuận hợp tác quốc phòng với Việt Nam (từ năm 2009), bao gồm huấn luyện sĩ quan, hỗ trợ pháp lý quốc tế, và chia sẻ kinh nghiệm gìn giữ hòa bình. Đặc biệt, hợp tác trong lĩnh vực an ninh biển và đào tạo cảnh sát biển đang trở thành lĩnh vực ưu tiên mới, trong bối cảnh các nước ASEAN tăng cường năng lực kiểm soát vùng đặc quyền kinh tế trước áp lực gia tăng trong Biển Đông.

Sự kiện Tổng thống Macron thăm Việt Nam không tách rời chuỗi hoạt động của “Năm Đổi mới Pháp - Việt 2025”, một sáng kiến do Bộ Ngoại thương Pháp phát động với mục tiêu thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ cao, năng lượng sạch, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo.

Được khởi động tại Hà Nội vào tháng 4/2025 bởi Bộ trưởng Laurent Saint-Martin, chương trình đã công bố 10 dự án ưu tiên gồm: thành lập Trung tâm Đổi mới Năng lượng tái tạo Pháp - Việt, hợp tác phát triển các chuỗi cung ứng pin lithium, nghiên cứu AI phục vụ nông nghiệp thông minh, số hóa y tế cộng đồng và nâng cấp lưới điện thông minh.

Trong phát biểu tại lễ khai mạc, ông Saint-Martin nhấn mạnh: “Việt Nam không chỉ là một thị trường, mà là đối tác định hình công nghệ tương lai cùng với chúng tôi”. Đây là cách tiếp cận mới, thể hiện chuyển biến tư duy chiến lược của Paris- từ hình ảnh một nhà cung cấp công nghệ đơn thuần sang đối tác chia sẻ sáng tạo, cùng phát triển giá trị.

Tổng thống Pháp Macron trong cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính tháng 11/2021. Ảnh Minh Nhật, Nhật Bắc

Chuyến công du Đông Nam Á lần này của Tổng thống Macron, bao gồm 3 điểm dừng là Việt Nam, Indonesia và Singapore, được giới quan sát đánh giá là một động thái khẳng định cam kết của Pháp đối với không gian Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP), phù hợp với chiến lược của EU và G7.

Việt Nam, trong chiến lược này, đóng vai trò bản lề. Là một quốc gia có vị trí chiến lược tại Biển Đông, đồng thời giữ quan hệ đối tác với cả Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Ấn Độ và EU, Việt Nam được đánh giá là đối tác đáng tin cậy, đủ bản lĩnh để hợp tác trong mô hình FOIP mà không làm gia tăng căng thẳng khu vực.

Hợp tác quốc phòng song phương cũng đang được nối dài trong khuôn khổ FOIP. Từ các cuộc đối thoại chính trị - an ninh thường niên đến hoạt động giao lưu giữa sĩ quan, hợp tác gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc và đào tạo pháp lý quốc tế trong lĩnh vực hàng hải, hai nước đang từng bước xây dựng lòng tin chiến lược ở mức cao hơn.

Trật tự mới và cơ hội định vị vai trò Việt Nam

Chuyến thăm của Tổng thống Macron diễn ra trong thời điểm nhạy cảm của thương mại toàn cầu. Giữa tháng 5/2025, chính quyền Tổng thống Mỹ đã công bố loạt áp thuế mới với hàng trăm tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc, trong đó có xe điện, pin mặt trời và chất bán dẫn, nhằm bảo vệ chuỗi cung ứng công nghệ nội địa và giảm phụ thuộc vào Bắc Kinh.

Việc ông Macron đến Hà Nội trong thời điểm này không đơn thuần là trùng hợp. Nó phản ánh nhận thức chiến lược mới của Paris: nếu không nhanh chóng chiếm lĩnh các không gian địa kinh tế mới, Pháp sẽ bị gạt khỏi trật tự công nghệ đang hình thành. Việt Nam, với vai trò một nền kinh tế đang phát triển nhanh, có chính sách mở cửa rõ ràng, lại nằm ở trung tâm giao thương Á - Âu, là mảnh ghép lý tưởng cho chiến lược tái cấu trúc chuỗi cung ứng của Pháp và châu Âu.

Từ góc nhìn Việt Nam, đây cũng là cơ hội để tái định vị vai trò trong thế giới đa cực. Khi cạnh tranh Mỹ - Trung ngày càng gay gắt, và EU nỗ lực khẳng định vị thế tự chủ, Hà Nội có thể đóng vai trò “cầu nối cân bằng”, thúc đẩy hợp tác cùng thắng thay vì bị lôi kéo vào các liên minh đối kháng.

Thêm vào đó, khi Pháp, một thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, mở rộng hiện diện trong khu vực, Việt Nam có thể tranh thủ xây dựng các cơ chế tham vấn chiến lược về các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, năng lượng và trật tự hàng hải, qua đó nâng cao vị thế trong các tổ chức quốc tế.

Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Macron là dấu hiệu cho thấy 2 nước đều sẵn sàng bước sang một chương mới trong quan hệ song phương. Từ những khác biệt lịch sử, 2 nước đã xây dựng được nền tảng hợp tác toàn diện và đang chuyển sang giai đoạn chiến lược hóa thực chất hơn, dựa trên lợi ích lâu dài, giá trị chung và tầm nhìn đa cực.

Nếu được triển khai bằng các dự án cụ thể, từ thương mại, đầu tư, đổi mới sáng tạo đến quốc phòng và giáo dục, mối quan hệ Việt - Pháp có thể trở thành một mô hình hợp tác kiểu mới giữa các quốc gia có quá khứ đối lập nhưng cùng khát vọng phát triển bền vững.

Không còn là lỡ hẹn với lịch sử, mà là cơ hội để 2 bên cùng kiến tạo lịch sử, với Việt Nam là trung tâm mới của một trật tự Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang định hình, và Pháp là đối tác đồng hành đáng tin cậy trên hành trình đó.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và phu nhân thăm cấp nhà nước Việt Nam, theo lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường từ ngày 25-27/5, theo thông báo của Bộ Ngoại giao nước ta.

Đây là chuyến thăm thứ năm của một Tổng thống Pháp tới Việt Nam kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973, là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của ông Macron kể từ khi nhậm chức.

Ông Macron, 47 tuổi, trở thành Tổng thống Pháp vào tháng 5/2017. Ông từng giữ nhiều chức vụ quan trọng như thanh tra tài chính tại Bộ Kinh tế và Tài chính Pháp, Phó tổng Thư ký Văn phòng Tổng thống Pháp và Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính. Ông là người có cảm tình với Việt Nam và yêu mến ẩm thực Việt Nam.