Tòa án bác khiếu nại của Eximbank
Tòa án Nhân dân Tp. HCM (TAND Tp. HCM) vừa ban hành quyết định giải quyết đơn khiếu nại số 1560/2019/EIB - TGĐ của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - Mã CK: EIB) đối với quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, dừng thực hiện Nghị quyết số 112/2019/EIB/NQ-HĐQT ngày 25/3/2019.
Theo đó, đơn vị này cho biết đã nhận được các đơn khiếu nại của Eximbank (ngày 28/3 và 29/3/2019) về việc đề nghị hủy bỏ quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 92/2019/QĐ-BPKCTT ban hành ngày 27/3/2019 (Quyết định số 92).
Phản hồi về vấn đề này, TAND Tp. HCM khẳng định quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là có căn cứ và đúng quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, TAND Tp. HCM cho rằng khi chưa có bản án, các quyết định giải quyết (có hiệu lực) đối với yêu cầu khởi kiện của ông Lê Minh Quốc thì việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 112/2019/EIB/NQ-HĐQT ngày 25/3/2019 (Nghị quyết số 112) của HĐQT Eximbank có thể ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện và người có liên quan khác.
Do đó, Tòa án đã bác đơn khiếu nại về Quyết định số 92 của Eximbank.
Cũng theo TAND Tp.HCM, nếu người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có căn cứ để cho rằng yêu cầu này không đúng và gây thiệt hại thì người bị thiệt hại có quyền khởi kiện, yêu cầu đòi bồi tường theo quy định của pháp luật.
Xác nhận thông tin trên với VietTimes, ông Lê Minh Quốc (nguyên đơn) tái khẳng định phiên họp ngày 22/3/2019 của nhóm thành viên HĐQT Eximbank là “không đúng quy trình”, việc ủy quyền của các thành viên HĐQT người nước ngoài cũng “có vấn đề” và những nghị quyết được ban hành tại phiên họp này (bao gồm Nghị quyết số 112) không có hiệu lực pháp lý.
“Tôi đã trình bày cụ thể trong đơn khiếu kiện nên Tòa án mới ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời như vậy. Với việc Tòa án bác bỏ đơn khiếu nại của Eximbank, các trình tự xử lý vụ kiến sẽ diễn ra theo quy định của pháp luật” - ông Lê Minh Quốc cho biết thêm.
Trước đó, ngày 25/3 và 28/3/2019, TAND Tp. HCM đã nhận được đơn khởi kiện của ông Lê Minh Quốc và cổ đông khác của Eximbank với đề nghị hủy bỏ Nghị quyết số 112 và tiến hành áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, buộc 7 thành viên trong HĐQT và Eximbank tạm dừng việc thực hiện nghị quyết này. Nguyên đơn và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan cũng có đơn cam kết bồi thường thiệt hại (nếu có) nếu yêu cầu trên là trái pháp luật.
Sau khi thụ lý hồ sơ, TAND Tp. HCM đã ra Quyết định số 92 áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với các đồng bị đơn là 7 thành viên HĐQT và Eximbank, buộc tạm dừng thực hiện Nghị quyết số 112.
Về phía Eximbank, trong đơn khiếu nại gửi TAND Tp. HCM, đại diện ngân hàng này cho biết các quyết định bổ nhiệm nhân sự mới giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT là tuân thủ theo các quy định của pháp luật, điều lệ ngân hàng và cho rằng nội dung như yêu cầu khởi kiện của ông Lê Minh Quốc là “không có căn cứ pháp luật”.
Ai là chủ tọa tại ĐHĐCĐ sắp tới của Eximbank?
Mặc dù vẫn còn nhiều tranh cãi, nhưng với quyết định bác đơn khiếu nại của Tòa án vừa ban hành, Eximbank vẫn chưa thể hoàn tất việc bầu bà Lương Thị Cẩm Tú làm Chủ tịch HĐQT thay thế cho ông Lê Minh Quốc theo nội dung của Nghị quyết số 112.
Những tranh chấp xoay quanh chức vụ Chủ tịch HĐQT khiến không ít nhà tư lo ngại về công tác chuẩn bị cho kỳ họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2019 của Eximbank, dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 26/4/2019 sắp tới.
Chia sẻ với VietTimes, ông Lê Minh Quốc cho biết Eximbank đã chuẩn bị tổ chức họp ĐHĐCĐ từ lâu và các công việc thực hiện vẫn theo sát kế hoạch.
“Với các quyết định của Tòa án, tôi vẫn giữ vai trò là Chủ tịch HĐQT hợp pháp của Eximbank. Do đó, tại ĐHĐCĐ sắp tới, tôi sẽ làm chủ tọa cuộc họp, thực hiện các công tác điều hành. Eximbank đã chuẩn bị cho cuộc họp ĐHĐCĐ từ đầu năm và cho đến ngày hôm nay công tác tổ chức của chúng tôi vẫn theo kế hoạch đã đề ra” - ông Lê Minh Quốc cho hay.
Trong một số năm trở lại đây, các cuộc họp ĐHĐCĐ của Eximbank thường diễn ra căng thẳng và kéo dài, mà căn nguyên được nhiều nhà đầu tư cho rằng xuất phát từ việc tranh chấp quyền lực giữa các nhóm cổ đông lớn tại nhà băng này.
Những diễn biến xoay quanh chức vụ cấp cao mới đây tại Eximbank được xem là dấu hiệu cho thấy sự cạnh tranh quyền lực giữa các nhóm cổ đông lớn vẫn chưa đi đến hồi kết. Điều này cũng khiến các nhà đầu tư lo ngại về khả năng thực hiện các chiến lược kinh doanh sắp tới của Eximbank.
Nhóm Nam Á từ bỏ “game” Eximbank Như VietTimes đã đưa tin trước đó, diễn biến giao dịch thỏa thuận cổ phiếu EIB trên sàn chứng khoán trong thời gian gần đây đã diễn ra hết sức sôi động. Một số phiên giao dịch xuất hiện những lệnh thỏa thuận lên tới cả chục triệu đơn vị, giá trị giao dịch khớp lệnh tới hơn 1.000 tỷ đồng. Thống kê từ đầu tháng 12/2018 tới nay, tổng khối lượng cổ phiếu EIB được giao dịch qua phương thức thỏa thuận đã đạt hơn 457,2 triệu đơn vị, chiếm 37% khối lượng cổ phiếu đang lưu hành của Eximbank. Tổng giá trị giao dịch ước tính cũng lên tới hơn 7.344 tỷ đồng. “Với vai trò là Chủ tịch HĐQT, tôi cũng có theo dõi vấn đề này nhưng tôi tin phần đông các giao dịch được thực hiện bởi các cổ đông chân chính muốn đầu tư vào Eximbank” - ông Lê Minh Quốc cho biết. Những dấu hiệu giao dịch thỏa thuận gia tăng bất thường, cùng những biến động về nhân sự, trước thềm ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 cũng khiến nhiều nhà đầu tư cho rằng đang có sự "chuyển giao" quyền lực giữa các nhóm cổ đông lớn. Theo một nguồn tin, nhóm nhà đầu tư liên quan đến ông Nguyễn Quốc Toàn - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) đã thực hiện chuyển nhượng số cổ phiếu tương đương với 8% cổ phiếu đang lưu hành của Eximbank cho nhóm các nhà đầu tư khác. Trong thời gian tới, nhóm cổ đông này dự định "thực hiện bán nốt 7%" để hoàn tất thoái vốn tại Eximbank. Được biết, nhóm nhà đầu tư liên quan đến gia đình ông Nguyễn Quốc Toàn đã mua lại lượng lớn cổ phần Eximbank từ ông Trầm Bê vào năm 2014. Kể từ đây, các tranh chấp quyền lực giữa nhóm cổ đông mới và các cổ đông cũ đã diễn ra ngày càng căng thẳng. Giai đoạn 2015-2016, nhóm liên quan đến ông Nguyễn Quốc Toàn đã thất bại trong việc đưa đại diện vào HĐQT Eximbank. Phải tới ĐHĐCĐ thường niên năm 2018, một cá nhân có nhiều liên hệ là bà Lương Thị Cẩm Tú, cựu Tổng giám đốc Nam A Bank được bầu làm Thành viên HĐQT Eximbank. Tới tháng 3/2019, HĐQT Eximbank đã thông qua việc bổ nhiệm bà Tú lên làm Chủ tịch HĐQT. Động thái này tưởng chừng như đã khép lại "cuộc chiến vương quyền" kéo dài nhiều năm tại Eximbank. Tuy nhiên, không lâu sau đó, ông Lê Minh Quốc đã có đơn kiện gửi TAND Tp. HCM yêu cầu hủy bỏ nghị quyết của HĐQT đối với việc bổ nhiệm bà Lương Thị Cẩm Tú vì cho rằng phiên họp HĐQT đã diễn ra không đúng quy định./. |