Rủi ro tiềm ẩn đằng sau quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời tại Eximbank

VietTimes -- Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - Mã CK: EIB) đã gửi đơn khiếu nại và đề nghị Tòa hủy quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với việc thay đổi Chủ tịch ở nhà băng này. Dù chưa có những quyết định mới của tòa án nhưng sự việc này cũng làm nảy sinh một số vấn đề đáng lưu ý. 
Tòa án áp yêu cầu Eximbank dừng thay đổi Chủ tịch HĐQT, liệu có hợp lý? (Ảnh minh họa: Eximbank)
Tòa án áp yêu cầu Eximbank dừng thay đổi Chủ tịch HĐQT, liệu có hợp lý? (Ảnh minh họa: Eximbank)

Câu chuyện về nhân sự cấp cao nhất ở Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) tiếp tục thu hút sự chú ý của dư luận. Gần đây, ngân hàng này đã bất ngờ thay đổi vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) khi chỉ còn 1 tháng nữa là đến kỳ họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 (dự kiến sẽ diễn ra ngày 26/4/2019).

Và người “bị thay”, sau đó, có đơn kiện gửi Tòa án, để rồi cơ quan này đã nhanh chóng ra quyết định áp dụng biện phấp khẩn cấp thạm thời dừng thực hiện Nghị quyết số 112/2019/EIB/NQ-HĐQT (Nghị quyết 112) của HĐQT Eximbank về việc miễn nhiệm và bổ nhiệm Chủ tịch HĐQT ngân hàng.

Chưa tiếp xúc với bị đơn?

Theo đó, ngày 27/3, Tòa án nhân dân Tp.Hồ Chí Minh (TAND Tp. HCM) đã ra Quyết định số 92/2019/QĐ-BPKCTT (Quyết định số 92) áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại điều 127 của Bộ luật Tố tụng Dân sự để buộc các đồng bị đơn đang là thành viên HĐQT của Eximbank, bao gồm 7 ông bà: Đặng Anh Mai, Lê Văn Quyết, Lương Thị Cẩm Tú, Cao Xuân Ninh, Hoàng Tuấn Khải, Yasuhiro Saitoh, Yutaka Moriwaki và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan của Eximbank phải dừng thực hiện Nghị quyết số 112 về việc thay đổi Chủ tịch HĐQT của Eximbank cho đến khi giải quyết xong vụ án.

Theo thông tin của Eximbank phát đi ngay sau khi Tòa án ban hành Quyết định số 92, thì ngân hàng “sẽ sử dụng mọi biện pháp phù hợp theo quy định của pháp luật để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, bao gồm: quyền khiếu nại, kiến nghị hủy bỏ Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án ngay khi Ngân hàng nhận được đầy đủ hồ sơ, tài liệu; đồng thời, yêu cầu các cá nhân có liên quan bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật”.

Như nội dung trên có thể hiểu rằng, trước khi bị Tòa ra quyết định thì Eximbank chưa nhận được thông tin liên quan đến việc kiện tụng.

Vấn đề đặt ra là trong câu chuyện của EIB thì theo trình tự tố tụng và với đặc thù liên quan tới một TCTD thì khi nhận được đơn kiện, tòa án có nên hay phải tiếp xúc, trao đổi với bị đơn rồi sau đó mới đi đến các quyết định tiếp theo.

Việc TAND Tp. HCM đưa ra quyết định mà chưa tiếp xúc với bị đơn, do vậy, bị một số ý kiến đặt vấn đề rằng đã hợp lý hay có phần vội vàng.

Xét ở khía cạnh khác, Eximbank cũng là một tổ chức tín dụng, hoạt động theo Luật Tổ chức dụng và cơ quan quản lý trực tiếp cao nhất là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN).

Với vai trò là cơ quan quản lý, việc thay đổi nhân sự cấp cao của các ngân hàng hoặc các quyết định khác có liên quan đến nhân sự cấp cao của ngân hàng thì cơ quan này phải được biết. Bên cạnh đó, việc đình chỉ quyết định thay đổi nhân sự cấp cao ở ngân hàng còn do phía NHNN thực hiện.

Nếu liên quan đến tranh chấp sau khi các cơ quan vào kiểm tra, xác minh và ra có kết quả cho thấy có vấn đề cần phải giải quyết, lúc đó NHNN mới đề nghị hoặc chuyển hồ sơ sang để Tòa án phối hợp thực hiện theo quy định.

Nếu phía NHNN không được thông báo và cũng không nhận được sự tham vấn nào thì cơ quan này cũng sẽ "bị động".

Rủi ro tiềm ẩn

Sau 2 ngày Tòa án ra quyết định, Eximbank đã có đơn khiếu nại gửi cơ quan chức năng về việc quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của TAND Tp. HCM.

Trong đơn khiếu nại do Tổng giám đốc Lê Văn Quyết ký gửi Thủ tướng Chính phủ; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; Chánh án TAND và các cơ quan liên quan, Eximbank nêu rõ những căn cứ để cho rằng quyết định của Tòa án TP. HCM là không đúng với các quy định của pháp luật.

Cụ thể, Eximbank khẳng định quyết định bổ nhiệm nhân sự mới giữ chức Chủ tịch HĐQT là tuân thủ quy định của pháp luật và điều lệ ngân hàng.

Bên cạnh đó, theo khoản 1, Điều 161 Luật Doanh nghiệp 2014, người khởi kiện phải sở hữu ít nhất 1% số cổ phần phổ thông liên tục trong thời hạn 6 tháng.

Ông Lê Minh Quốc, thành viên HĐQT độc lập không phải là cổ đông của Eximbank nên không có quyền khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với thành viên HĐQT như vụ án mà TAND thành phố đã thụ lý.

Eximbank đồng thời cho rằng việc TAND Tp. HCM thụ lý vụ án về việc tranh chấp thành viên công ty là không phù hợp các quy định, dẫn đến việc thẩm phán ban hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cũng không phù hợp, gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của ngân hàng.

Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của ngân hàng, tránh những thiệt hại không đáng có gây ra cho ngân hàng, các cổ đông, Eximbank đã có đơn khiếu nại yêu cầu hủy toàn bộ quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án thành phố.

Nên nhớ, quyết định của TAND Tp. HCM chỉ là tạm thời, có thể sẽ dỡ bỏ nếu phía bị đơn có phản hồi hợp lý.

Tuy vậy, đối với chủ thể là ngân hàng, bị đơn là các lãnh đạo cấp cao nhất của ngân hàng, là cổ đông chiến lược nước ngoài thì sự việc cần được xem xét ở nhiều giác độ khác.

Bởi lẽ, ngân hàng là tổ chức kinh doanh dịch vụ tài chính, tiền tệ, có thể ảnh hưởng tới an ninh tiền tệ của quốc gia và môi trường đầu tư của Việt Nam.

Do vậy, một quyết định của Tòa án - nếu được đưa ra vội vàng - sẽ tiềm ẩn những nguy cơ.

Được biết, quyết định của Tòa án Nhân dân Tp. Hồ Chí Minh cũng căn cứ một phần dựa trên đơn cam kết bồi thường thiệt hại do việc yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời ngày 27/3/2019 của ông Lê Minh Quốc./.

Kịch bản gom hàng?

Thực tế, cổ phiếu EIB đã được gom mua rất mạnh cổ phiếu EIB trong những ngày qua.

Đơn cử trong ngày 28/3 đã có giao dịch thỏa thuận tới gần 18 triệu cổ phiếu EIB trị giá hơn 323 tỷ đồng – khối lượng “khủng” nhất kể từ ngày 21/1/2019.

Một số nhà đầu tư lo ngại, không loại trừ có sự việc cố ý nhân lúc giá cổ phiếu EIB giảm sâu để thực hiện gom mua với số lượng lớn. Nếu kịch bản này là thật thì rất đáng chú ý./.

(T/h)