Bà Lương Thị Cẩm Tú vẫn chưa thể trở thành Chủ tịch HĐQT Eximbank

VietTimes -- Trao đổi với VietTimes, ông Lê Minh Quốc xác nhận việc Tòa án nhân dân Tp. HCM đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và khẳng định đến thời điểm này bản thân vẫn là Chủ tịch HĐQT hợp pháp của Eximbank.
Cuộc tranh chấp chiếc ghế Chủ tịch HĐQT, mà ẩn sau đó là cuộc chiến quyền lực giữa các nhóm cổ đông lớn ở Eximbank vẫn rất phức tạp.
Cuộc tranh chấp chiếc ghế Chủ tịch HĐQT, mà ẩn sau đó là cuộc chiến quyền lực giữa các nhóm cổ đông lớn ở Eximbank vẫn rất phức tạp.

Tòa án nhân dân TP.HCM vừa ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - Mã CK: EIB) phải tạm dừng việc thực hiện nghị quyết thay Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT). Quyết định này có hiệu lực thi hành ngay thời điểm ban hành (27/03/2019).

Theo đó, Tòa án nhân dân TP.HCM đã thụ lý hồ sơ vụ án dân sự của nguyên đơn là ông Lê Minh Quốc yêu cầu hủy Nghị quyết số 112/2019/EIB/NQ-HĐQT được ban hành ngày 22/3/2019 (Nghị quyết số 112).

Sau khi xem xét Đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (ngày 22/3/2019) và Đơn cam kết bồi thường thiệt hại do việc yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (ngày 27/3/2019) của ông Lê Minh Quốc cùng một số các chứng cứ liên quan, Tòa án nhân dân TP.HCM đã ban hành quyết định số 92/2019/QĐ-BPKCTT áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Cụ thể, quyết định này buộc các đồng bị đơn (7 cá nhân) bao gồm: ông Đặng Anh Mai, ông Lê Văn Quyết, bà Lương Thị Cẩm Tú, ông Cao Xuân Ninh, ông Hoàng Tuấn Khải, ông Yasuhiro Saitoh, ông Yutaka Moriwaki và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là Eximbank phải tạm dừng việc thực hiện Nghị quyết số 112 cho đến khi giải quyết xong vụ án.

Quyết định của Tòa án nhân dân TP.HCM sẽ có hiệu lực thi hành ngay và được thi hành theo quy định pháp luật về hành vi dân sự.

Trước đó, ngày 22/3/2019, HĐQT Eximbank đã thông qua Nghị quyết số 112 về việc bãi nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT đối với ông Lê Minh Quốc và yêu cầu ông bàn giao vị trí lại cho bà Lương Thị Cẩm Tú giữ chức danh Chủ tịch HĐQT.

Cũng theo nghị quyết này, ông Quốc sẽ có trách nhiệm bàn giao đầu đủ công việc, tài liệu và các vấn đề có liên quan của HĐQT cho Chủ tịch mới. Việc bàn giao phải được hoàn tất trong vòng 5 ngày kể từ khi nghị quyết có hiệu lực.

Tuy nhiên, không lâu sau đó, ông Lê Minh Quốc thông qua nhiều kênh truyền thông cho biết cuộc họp HĐQT ngày 22/3/2019 về việc bãi nhiệm chức Chủ tịch HĐQT đối với ông là “không có giá trị pháp lý”.

Ông Lê Minh Quốc: Tôi vẫn là Chủ tịch HĐQT hợp pháp của Eximbank!

Trao đổi với VietTimes, ông Lê Minh Quốc xác nhận việc Tòa án nhân dân Tp. HCM đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và khẳng định đến thời điểm này bản thân vẫn là Chủ tịch HĐQT hợp pháp của Eximbank. Điều này cũng đồng nghĩa rằng bà Lương Thị Cẩm Tú vẫn chưa thể trở thành Chủ tịch HĐQT Eximbank này theo nội dung Nghị quyết số 112.

“Tôi không tham gia cuộc họp đó vì họ triệu tập không đúng quy trình. Cuộc họp này có 5 thành viên HĐQT trực tiếp tham gia và 2 người (thành viên HĐQT) được ủy quyền. Số lượng tham gia chỉ có 7 người trong khi theo quy định phải có tối thiểu 3/4 số thành viên HĐQT, tức 8 người tham gia. Đây là nguyên nhân vì sao tòa án có quyết định như vậy” - ông Lê Minh Quốc phân tích.

Được biết, HĐQT Eximbank đang có 10 thành viên là: Lê Minh Quốc, Ngô Thanh Tùng, Yasuhiro Saitoh, Yutaka Moriwaki, Đặng Anh Mai, Lê Văn Quyết, Hoàng Tuấn Khải, Cao Xuân Ninh, Nguyễn Quang Thông, Lương Thị Cẩm Tú.

Trong đó, ông Lê Minh Quốc là thành viên HĐQT quản trị độc lập nhưng đã được bổ nhiệm vào vị trí Chủ tịch HĐQT Eximbank kể từ ngày 16/12/2015./.