Tay chơi mới trong “game” Eximbank…

VietTimes -- Nhóm cổ đông có liên hệ với Nam A Bank hay được nhắc đến trong những cuộc chiến quyền lực ở Eximbank. Nhưng sau tham vọng sáp nhập bất thành vào năm 2015 và cả những nỗ lực sau đó, lãnh đạo Nam A Bank đã nhiều lần khẳng định về việc củng cố hoạt động, tập trung xây dựng và phát triển thành một trong những định chế uy tín, có thực lực, có vị thế. Dĩ nhiên, với định hướng ấy, nhóm cổ đông EIB có liên quan đến Nam Á cũng cần phải tìm đối tác để thoái lại phần vốn Eximbank đã đầu tư…
Tay chơi mới trong “game” Eximbank…
Tay chơi mới trong “game” Eximbank…

Tạm yên ít lâu, mùa đại hội cổ đông năm nay, câu chuyện ở Eximbank lại nóng trở lại. Vẫn là vấn đề lựa chọn nhân sự cấp cao, mà ẩn sau đó là cuộc chiến quyền lực giữa các nhóm cổ đông lớn.

Với thông tin bà Lương Thị Cẩm Tú được lựa chọn để thay thế ông Lê Minh Quốc ở vị trí Chủ tịch HĐQT Eximbank, tưởng rằng, sau bao năm bất đồng các nhóm cổ đông lớn ở Eximbank cuối cùng cũng đã tìm được tiếng nói chung.

“Eximbank là một ngân hàng tốt, có độ phủ mạng lưới và có dòng tiền rất tốt. Chỉ cần các cổ đông và ban lãnh đạo thực sự đoàn kết, cùng nhìn về một hướng, nỗ lực vì sự phát triển của ngân hàng, tôi tin Eximbank sẽ sớm trở về vị thế vốn có của nó – là trong top đầu của khối ngân hàng thương mại cổ phần” – một nhà quản trị ngân hàng có thâm niên từng nói với người viết.

Ấy nhưng thực tế chưa phải vậy!

Uy tín của ông Lê Minh Quốc

Lá đơn khởi kiện của ông Lê Minh Quốc đã cho thấy sự bất đồng trong nội bộ Eximbank vẫn khá sâu sắc, chí ít là trong cơ cấu HĐQT.

Việc Tòa án nhân dân Tp. HCM ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 92/2019/QĐ-BPKCTT ngày 27/03/2019 (do Thẩm phán Nguyễn Thùy Dung ký) có thể tạm giữ lại cho ông Quốc chiếc ghế Chủ tịch HĐQT thêm một thời gian nữa.

Trao đổi với VietTimes, ông Quốc từng nói rằng Nghị quyết miễn nhiệm ông và thay thế bà Tú ở cương vị Chủ tịch HĐQT Eximbank (Nghị quyết số 112/2019/EIB/NQ-HĐQT được ban hành ngày 22/3/2019) – là không hợp pháp và vô hiệu. Lý do là cuộc họp HĐQT này đã được triệu tập không đúng quy trình, và với chỉ 7 người tham gia (5 người dự trực tiếp và 2 người ủy quyền) – cuộc họp này không có đủ ¾ số thành viên HĐQT như quy định tại điều lệ. “Đây là nguyên nhân vì sao tòa án có quyết định như vậy” - ông Lê Minh Quốc phân tích.

Trước mắt, ông Lê Minh Quốc vẫn là Chủ tịch HĐQT Eximbank... (Ảnh: Internet)
Trước mắt, ông Lê Minh Quốc vẫn là Chủ tịch HĐQT Eximbank... (Ảnh: Internet)

Nhưng Đơn khiếu nại mà Tổng Giám đốc Eximbank – Lê Văn Quyết – ký gửi tới lãnh đạo Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền sau đó lại cho thấy câu chuyện khác. Rằng phiên họp hôm 22/3/2019 của HĐQT EIB không phải lần triệu tập đầu tiên, mà là lần triệu tập thứ hai.

Theo khoản 2 Điều 92 Điều lệ Eximbank và khoản 8 Điều 153 Luật Doanh nghiệp thì cuộc họp HĐQT được tiền hành khi có từ ba phần tư tổng số thành viên trở lên dự họp; Trường hợp cuộc họp được triệu tập theo quy định này không đủ số thành viên dự họp theo quy định thì được triệu tập lần thứ hai trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày dự định họp lần thứ nhất. Trong trường hợp này, cuộc họp được tiến hành, nếu có hơn một nửa số thành viên HĐQT dự họp.

“Từ các quy định trên, cuộc họp của HĐQT Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam ngày 22/3/2019 và ban hành Nghị quyết 112/2019/EIB/NQ-HĐQT là thực hiện đúng các quy định của Luật Doanh nghiệp 2014 và Điều lệ Eximbank. Vì vậy, nội dung và yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là ông Lê Minh Quốc không có căn cứ pháp luật”, Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Eximbank khẳng định.

Chưa kể, đơn khiếu nại của người đại diện theo pháp luật của Eximbank cũng viện dẫn các quy định của pháp luật cho rằng, ông Lê Minh Quốc – Thành viên HĐQT độc lập không phải là cổ đông của Eximbank nên không có quyền khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với thành viên HĐQT như vụ án mà TAND Tp. HCM đã thụ lý. “Vì người khởi kiện không được quyền khởi kiện nên yêu cầu ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là trái pháp luật”, đại diện Eximbank khiếu nại và cũng cho rằng việc Tòa án thụ lý vụ kiện tranh chấp thành viên Công ty của nguyên đơn Lê Minh Quốc là không đúng thẩm quyền.

Chưa rõ nhà chức trách sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng như thế nào về tranh chấp giữa ông Lê Minh Quốc và nhóm 7 thành viên HĐQT kia của Eximbank. Nhưng nhìn từ phía trung lập, có vẻ ông Quốc đang “đuối” hơn. Bởi lẽ, trong một HĐQT 10 người mà đã có tới 7 người bỏ phiếu bãi miễn chức danh Chủ tịch HĐQT Eximbank thì chứng tỏ uy tín của ông Quốc với các đồng sự và sự tín nhiệm của các cộng sự với ông Quốc là không cao.

Không lạ khi Eximbank sau hơn 3 năm dưới sự lãnh đạo cao nhất của ông Lê Minh Quốc vẫn chìm sâu trong khó khăn, với liên tiếp các vụ mất tiền lớn, ảnh hưởng đến niềm tin của các cổ đông và khách hàng vào ngân hàng. Nhu cầu thay đổi ở vị trí người đứng đầu của HĐQT Eximbank, vì thế, là điều có thể hiểu.

Nên nhớ, trong số các thành viên HĐQT bỏ phiếu miễn nhiệm ông Quốc và thông qua bầu bà Tú giữ chức danh Chủ tịch HĐQT Eximbank còn có hai thành viên HĐQT người nước ngoài – ông Yasuhiro Saitoh và ông Yutaka Moriwaki – cái tên đại diện cho cổ đông chiến lược Sumitomo Mitsui Banking Corporation (Nhật Bản), cổ đông lớn nhất và duy nhất đến thời điểm này – nắm giữ 15% cổ phần EIB. Còn 3 cá nhân không tham dự phiên họp, ngoài bản thân ông Quốc, thì ông Ngô Thành Tùng là cộng sự cũ của ông ở CTCP Âu Lạc, còn ông Nguyễn Quang Thông là người do HĐQT cũ đề cử và không đại diện cho nhóm cổ đông nào.

Như vậy, có thể thấy rằng, ông Lê Minh Quốc dù tạm thời vẫn giữ được ghế Chủ tịch HĐQT Eximbank nhờ quyết định của TAND Tp. HCM. Nhưng với bối cảnh tín nhiệm và thế cuộc như đã phân tích, thì sự đổi ngôi ở vị trí đứng đầu ngân hàng này có lẽ chỉ còn là vấn đề thời gian.

Bà Lương Thị Cẩm Tú đại diện cho nhóm nào?

Không chỉ là thành viên nữ duy nhất trong 10 thành viên HĐQT Eximbank, bà Lương Thị Cẩm Tú cũng là người trẻ nhất và gia nhập muộn nhất trong cơ cấu quyền lực này, cụ thể là tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2018 của Eximbank – diễn ra vào ngày 27/4/2018.

Trước đó không lâu, ngày 05/3/2018, bà Tú bất ngờ từ nhiệm khỏi vị trí Tổng Giám đốc Nam A Bank. Dù lý do từ nhiệm ở Nam A Bank được nêu là theo nguyện vọng cá nhân, nhưng cùng lúc này, bà Tú xuất hiện trong danh sách ứng viên dự kiến bầu bổ sung vào HĐQT Eximbank.

Việc từ nhiệm cũng kết thúc gần 4 năm cống hiến của bà Tú trên các cương vị ở Nam A Bank. Bắt đầu với vị trí Phó Tổng Giám đốc vào ngày 23/07/2014, 8 tháng sau - ngày 04/04/2015, bà Tú được thăng làm Tổng Giám đốc Nam A Bank và trở thành nữ CEO trẻ bậc nhất trong lịch sử giới ngân hàng.

Lý lịch của bà Lương Thị Cẩm Tú khiến thị trường mặc định rằng bà đại diện cho nhóm Nam A Bank, hay chính xác hơn là nhóm cổ đông có liên hệ với ngân hàng Nam Á – nhà băng từng nuôi mộng sáp nhập với Eximbank từ thời nữ đại gia Tư Hường còn khỏe mạnh.

Cuộc tranh chấp vị trí Chủ tịch HĐQT Eximbank giữa bà Lương Thị Cẩm Tú và ông Lê Minh Quốc, do đó, cũng được ngầm hiểu là cuộc chiến quyền lực hai nhóm cổ đông nhiều ảnh hưởng – là nhóm cổ đông có liên hệ với Nam A Bank và nhóm cổ đông có liên hệ với CTCP Âu Lạc.

Việc là TGĐ Nam A Bank trước ngày về Eximbank khiến nhiều người mặc định bà Lương Thị Cẩm Tú là người của nhóm Nam Á. Nhưng...
Việc là TGĐ Nam A Bank trước ngày về Eximbank khiến nhiều người mặc định bà Lương Thị Cẩm Tú là người của nhóm Nam Á. Nhưng...

Lối tư duy theo kiểu mặc định ấy khiến thị trường ít cập nhật những diễn biến mới hơn của “game” Eximbank.

Trước tiên, với trường hợp của bà Lương Thị Cẩm Tú, đúng là bà Tú đến Eximbank với tư cách người cũ của Nam A Bank, và cũng không bất ngờ nếu bà được đề cử/hay hợp cử bởi nhóm cổ đông có liên hệ với Nam A Bank. Tuy nhiên, lưu ý rằng, bà Tú không phải là nhân sự trưởng thành từ Nam A Bank.

Trước khi đến với Nam A Bank, nhà nữ quản trị này là Giám đốc Khu vực kiêm Trưởng VP đại diện khu vực miền Trung & Tây Nguyên - Ngân hàng MHB (từ tháng 02/2013 – tháng 06/2014). Và trước đó nữa, bà Tú là Giám đốc Sacombank - Chi nhánh Khánh Hòa (Sacombank Khánh Hòa).

Bà Tú giữ trọng trách người đứng đầu Sacombank Khánh Hòa trong một thời gian rất dài, từ tháng 07/2007 đến tháng 03/2013, thăng tiến qua các vai trò: Nhân viên tín dụng đến Phó phòng Tín dụng (từ tháng 10/2003 – tháng 12/2005); Trợ lý Giám đốc (01/2006 – 09/2006); Phó Giám đốc (10/2006 – 06/2007).

Thực tế, giai đoạn bà Tú còn công tác và phát triển ở Sacombank Khánh Hòa là thời mà nhóm của ông Đặng Văn Thành vẫn cầm quyền ở ngân hàng mà ông đã dày công sáng lập, gây dựng và phát triển. Nếu nhóm ông Thành không bị “đảo chính” bởi nhóm ông Trầm Bê ở Sacombank, thì chưa chắc đầu năm 2013, bà Lương Thị Cẩm Tú đã chia tay ngân hàng mà bà đã nhiều năm gắn bó.

Và nên biết, trước ngày gia nhập Sacombank Khánh Hòa, bà Tú đã trưởng thành trong hệ sinh thái doanh nghiệp của gia đình ông Đặng Văn Thành.

Cụ thể, từ năm 2002 đến năm 2003, bà Tú - ở lứa tuổi vừa tốt nghiệp đại học – đã trải nghiệm qua vị trí Giám đốc phân xưởng đường túi, Công ty Thành Thành Công. Trong giai đoạn đứng đầu Sacombank Khánh Hòa, bà Tú còn kiêm nhiệm thêm cả vai trò thành viên HĐQT của một số doanh nghiệp trong hệ sinh thái của Tập đoàn Thành Thành Công (TTC Group hiện nay) như CTCP Đường Ninh Hòa, CTCP Du lịch Thắng Lợi.

Diễn biến mới ở Công ty Chứng khoán Bảo Minh

Sở dĩ đề cập đến Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Minh (BMSC), bởi lẽ, đây là một trong số những cổ đông rất đáng chú ý của Eximbank. BMSC từng được xem như một trong các cổ đông có liên hệ với Nam A Bank và cũng là công ty chứng khoán quản lý một phần đáng kể cổ phiếu EIB của nhóm này.

Theo đó, tính đến cuối năm 2018, BMSC đã nâng quy mô đầu tư vào cổ phiếu EIB lên mức 217 tỷ đồng (gấp đôi so với giá trị đầu năm, là 104 tỷ đồng), tương ứng với số lượng nắm giữ khoảng 15,5 triêu cổ phiếu EIB.

Cổ đông lớn nhất của BMSC – là CTCP Rồng Ngọc (Rồng Ngọc) – được biết cũng nắm một lượng đáng kể cổ phiếu EIB khác.

Sáng lập bởi Tổng Công ty Cổ phần Bảo Minh – Tổ chức Bảo hiểm và đầu tư Tài chính hàng đầu tại Việt Nam – vào năm 2008, nhưng đến hiện nay, cơ cấu sở hữu BMSC đã có nhiều thay đổi.

Các đây ít năm, BMSC từng là một doanh nghiệp có nhiều liên hệ với Nam A Bank, khi lãnh đạo chủ chốt của công ty này là những nhân sự quan trọng ở Nam A Bank. Cổ đông lớn Rồng Ngọc và một số cổ đông khác của BMSC cũng được xem như thành viên trong hệ sinh thái của Tập đoàn Hoàn Cầu. Chưa kể các giao dịch quan trọng của BMSC với Nam A Bank (hiện đã được tất toán).

Tuy nhiên, từ năm 2018, BMSC diễn ra những thay đổi quan trọng. Trước tiên là ở thượng tầng lãnh đạo. Nhân sự gốc Nam A Bank được miễn nhiệm khỏi chức vụ Chủ tịch HĐQT BMSC và được thay thế bằng bà Nguyễn Hải Tâm. Song song với sự miễn nhiệm 2 thành viên HĐQT khác – là ông Hồ Khánh Bảo Thiên và ông Nguyễn Thanh Luân – BMSC cũng bổ sung thêm 3 thành viên HĐQT mới, gồm: ông Trần Ngô Phúc Bảo, ông Hoàng Văn Thắng, ông Đào Văn Chiêu. Các động thái điều chỉnh, kiện toàn cũng được thực hiện với Ban Tổng Giám đốc và Ban Kiểm soát.

Nguồn căn của việc điều chỉnh trên ghế lãnh đạo của BMSC có lẽ đến từ những chuyển động bên trong cơ cấu sở hữu công ty. Rồng Ngọc dù vẫn xuất hiện trong vai trò cổ đông lớn nhất của BMSC nhưng thực tế nó đã được “thay ruột”.

Nhóm cổ đông sáng lập nên Rồng Ngọc (vốn liên quan Tập đoàn Hoàn Cầu) đã triệt thoái vốn, vị trí Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của công ty cũng được đổi từ ông Trần Ngọc Nhật sang ông Trần Phương Thanh.

Và đặc biệt, địa chỉ trụ sở của Rồng Ngọc cũng được chuyển từ Tầng 9, Tòa nhà Nam A Bank (201 – 203 CMT8, Quận 3, Tp. HCM) sang vị trí mới, là: 202 Lý Chính Thắng, phường 09, Quận 3, Tp. HCM. Lưu ý, nơi đây cũng là nơi đặt tổng hành dinh của Mesa Group – tập đoàn do bà Lưu Thị Tuyết Mai làm Chủ tịch và đang vươn lên rất nhanh thời gian vừa qua. Vốn điều lệ của Rồng Ngọc sau đó cũng được điều chỉnh mạnh, theo cập nhật mới nhất đã là 890 tỷ đồng.

CTCP Rồng Ngọc - cổ đông lớn nhất của BMSC - hiện đăng ký địa chỉ tại nơi đặt đại bản doanh của Mesa Group. (Ảnh: Hoàng Hải)
CTCP Rồng Ngọc - cổ đông lớn nhất của BMSC - hiện đăng ký địa chỉ tại nơi đặt đại bản doanh của Mesa Group. (Ảnh: Hoàng Hải)

Mà không chỉ Rồng Ngọc, một cổ đông lớn khác của BMSC - là bà Trần Thị Y – cuối năm 2018, cũng đã chuyển nhượng toàn bộ 23,02% cổ phần BMSC sang cho ông Dương Tiến Dũng.

Chưa rõ nhóm sở hữu mới của BMSC đến từ tập đoàn nào và việc chuyển nhượng BMSC (đồng thời với việc chuyển “game”) đã được hoàn tất đến đâu. Những nhân sự chủ chốt mới ở BMSC là những cái tên rất đáng chú ý và có thể đem đến những gợi ý.

“Lính” của ông Đặng Văn Thành

Tân Chủ tịch HĐQT BMSC – bà Nguyễn Hải Tâm (SN 1978) – cũng là người có nhiều gắn bó với Sacombank trong triều đại của ông Đặng Văn Thành. Trưởng thành từ một cán bộ kiểm toán, bà Tâm từng là Trưởng kiểm toán nội bộ của Sacombank, và từng là một Phó Tổng Giám đốc kỳ cựu của Sacombank, khi nắm giữ vị trí này suốt giai đoạn từ tháng 05/2007 – 03/2013.

Khá thú vị khi thời điểm bà Nguyễn Hải Tâm rời Sacombank cũng là lúc bà Lương Thị Cẩm Tú rời Sacombank Khánh Hòa. Như đã biết, đấy cũng là lúc nhóm ông Đặng Văn Thành bị nhóm ông Trầm Bê đẩy khỏi Sacombank.

Sau khi rời Sacombank, bà Nguyễn Hải Tâm về công tác Tập đoàn Thành Thành Công của ông Đặng Văn Thành, giữ vai trò Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Thành Thành Công, Thanh viên HĐQT CTCP Thương Mại Thành Công, Thành viên HĐQT CTCP Đầu tư Tín Nghĩa, Chủ tịch HĐQT Công ty CP XNK Tân Định; Thành viên HĐQT CTCP Đầu tư Kiến trúc Xây dựng Toàn Thịnh Phát;… Anh trai bà Tâm – ông Nguyễn Thế Vinh – nên biết cũng là một nhân sự quan trọng trong hệ sinh thái doanh nghiệp của TTC Group.

Tân Chủ tịch BMSC Nguyễn Hải Tâm được xem như một học trò xuất sắc của ông Đặng Văn Thành. (Ảnh: Internet)
Tân Chủ tịch BMSC Nguyễn Hải Tâm được xem như một học trò xuất sắc của ông Đặng Văn Thành. (Ảnh: Internet)

Có lẽ không quá lời khi nói rằng bà Nguyễn Hải Tâm chính là một trong những tâm phúc của doanh nhân tài danh Đặng Văn Thành - cựu Chủ tịch Sacombank, ngân hàng từng có mối liên hệ nhiều đan cài với Eximbank.

Thực tế, trong một bài viết trên website nội bộ, TTC Group từng miêu tả bà Nguyễn Hải Tâm là Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Điều hành Tập đoàn và Chủ tịch Ủy ban Tài chính TTC. “Điểm 10 cho sự sáng suốt và bản lĩnh khi bà quyết định dành trọn tâm huyết để tiếp tục sự nghiệp bản thân với người thầy - doanh nhân Đặng Văn Thành trong suốt thời gian thăng trầm vừa qua”, trích bản tin.

Thị trường vẫn chờ đợi ngày tái xuất giới "bank" của doanh nhân tài danh Đặng Văn Thành. (Ảnh: Internet)
Thị trường vẫn chờ đợi ngày tái xuất giới "bank" của doanh nhân tài danh Đặng Văn Thành. (Ảnh: Internet)

Với những diễn biến như đã đề cập, không loại trừ khả năng tham gia của nhóm Thành Thành Công ở Eximbank. Thực tế, sau ngày dời Sacombank và tạo nên những thành tựu ấn tượng ở TTC Group, ông Đặng Văn Thành vẫn bỏ ngỏ khả năng tái xuất trong lĩnh vực ngân hàng. Eximbank, nếu được, có thể xem là một điểm đến xứng tầm với vị doanh nhân đầy tài năng và cực kỳ am hiểu lĩnh vực tài chính ngân hàng này. Và ngược lại, với bối cảnh bất ổn nhiều năm và sự loay hoay của bộ máy quản trị, đã đến lúc Eximbank cần một nhà lãnh đạo đủ tầm, đủ tài và đủ uy để vực lại vị thế.

Nhóm cổ đông được cho là có liên hệ đến Nam A Bank hay được nhắc đến trong những cuộc chiến quyền lực ở Eximbank. Nhưng thực tế sau tham vọng sáp nhập bất thành vào năm 2015 và cả những nỗ lực sau đó, lãnh đạo Nam A Bank đã nhiều lần khẳng định về việc củng cố hoạt động, tập trung vào việc xây dựng và phát triển ngân hàng trở thành một trong những định chế uy tín, có thực lực, có vị thế. Kết quả tích cực trong hoạt động kinh doanh những năm gần đây của Nam A Bank đã phần nào khẳng định cho quyết tâm và định hướng của ngân hàng này.

Dĩ nhiên, với định hướng ấy, nhóm cổ đông EIB có liên quan đến Nam Á cũng cần phải tìm đối tác để thoái lại phần vốn Eximbank đã đầu tư. Thực tế, trong các cuộc trao đổi cả công khai lẫn đơn lẻ từ hàng năm trước, nhóm này đã chia sẻ về kế hoạch thoái vốn tại Eximbank./.