“Ấn tượng” giao dịch thỏa thuận cổ phiếu EIB, hiện tượng hay xu hướng?

VietTimes -- Bên cạnh đà tăng ấn tượng về mặt thị giá, cổ phiếu EIB cũng thu hút nhiều sự chú ý trên thị trường bởi những giao dịch thỏa thuận gia tăng đột biến về khối lượng, gấp nhiều lần thanh khoản thông qua phương thức khớp lệnh trên sàn trong thời gian qua.

Theo dữ liệu của VietTimes, tính từ đầu năm 2019 tới nay, thị giá cổ phiếu EIB của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) đã có mức tăng tới 25%, vượt trội hơn so với diễn biến chỉ số VN-Index trong cùng thời kỳ.

Trong khi đó, thị giá cổ phiếu của một số ngân hàng có quy mô lớn, chất lượng tài sản và kết quả kinh doanh dẫn đầu trong hệ thống như VCB (Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam) cũng chỉ tăng từ 13 - 15% so với đầu năm.

Bên cạnh đó, theo thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán Tp. HCM (HOSE), khối lượng giao dịch trung bình 10 ngày (tính đến ngày 12/4/2019) của cổ phiếu EIB đang đạt mức 4,917 triệu cổ phiếu/phiên. Chỉ một tuần trước đó, chỉ số này của HOSE đạt tới 22,873 triệu cổ phiếu/phiên.

Diễn biến giá cổ phiếu EIB so với VN-Index kể từ đầu năm tới nay (Nguồn: TCBS)
Diễn biến giá cổ phiếu EIB so với VN-Index kể từ đầu năm tới nay (Nguồn: TCBS)

Tuy nhiên, xét về khối lượng giao dịch khớp lệnh trên sàn trung bình 10 phiên, chỉ báo này có phần khiêm tốn hơn nhiều khi đạt khoảng 205.500 đơn vị/phiên, chiếm chưa tới 5% tổng số cổ phiếu EIB được giao dịch. Điều này cho thấy đa số các giao dịch đối với cổ phiếu EIB đang được thực hiện qua phương thức thỏa thuận.

Cũng theo dữ liệu của VietTimes, thống kê từ đầu tháng 12/2018 (thời điểm bắt đầu ghi nhận đà tăng mạnh của cổ phiếu EIB) tới nay, tổng khối lượng cổ phiếu EIB được giao dịch qua phương thức thỏa thuận đã đạt hơn 457,2 triệu đơn vị, chiếm 37% khối lượng cổ phiếu đang lưu hành của Eximbank. Tổng giá trị giao dịch ước tính cũng lên tới hơn 7.344 tỷ đồng.

Trong đó, xuất hiện một số phiên giao dịch khớp lệnh thỏa thuận tăng đột biến, có phiên lên tới gần 60 triệu đơn vị với giá trị được ghi nhận đạt gần 1.071 tỷ đồng. Tất nhiên, đây mới chỉ là phép tính gộp từ tất cả các giao dịch, chưa tính đến trường hợp nhà đầu tư “lướt sóng” cổ phiếu.

Cổ phiếu EIB thường xuyên xuất hiện những giao dịch khối lượng lớn, chủ yếu qua phương thức thỏa thuận kể từ năm 2018 - nay (Nguồn: HOSE)
Cổ phiếu EIB thường xuyên xuất hiện những giao dịch khối lượng lớn, chủ yếu qua phương thức thỏa thuận kể từ năm 2018 - nay (Nguồn: HOSE)

Giai đoạn 3 năm trở lại đây, trong khi thanh khoản trên sàn của cổ phiếu EIB không có nhiều cải thiện, thì giao dịch thông qua phương thức thỏa thuận có xu hướng gia tăng rõ nét, góp phần thúc đẩy khối lượng giao dịch chung.

Cụ thể, giai đoạn năm 2016 - 2017, có rất ít giao dịch thỏa thuận lớn cổ phiếu EIB được ghi nhận. Điều này khiến cho tổng khối lượng giao dịch, theo thống kê của HOSE, cũng ở mức thấp, chỉ một số tuần giao dịch đạt trên 50 triệu đơn vị. Nhưng kể từ năm 2018, các giao dịch thỏa thuận cổ phiếu EIB bắt đầu gia tăng rõ rệt cả về tần suất và khối lượng, có phiên ghi nhận lên đến cả triệu đơn vị được “trao tay”.

Mặt khác, số liệu cũng cho thấy các giao dịch này thường diễn ra sôi động trước khi Eximbank tiến hành tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ).

Cần lưu ý rằng, phương thức giao dịch thỏa thuận thường dùng cho mục đích “sang tay”, chuyển nhượng cổ phần với khối lượng lớn, mà nếu thực hiện qua phương thức khớp lệnh, có khả năng sẽ ảnh hưởng tới thị giá cổ phiếu trên sàn. “Địa chỉ” người bán và người mua trong loại hình này cũng thường đã được xác định rõ từ trước.

Do đó, không loại trừ khả năng các diễn biến giao dịch thỏa thuận với khối lượng lớn của cổ phiếu EIB trong thời gian gần đây đang phản ánh một phần sự vận động thâu tóm quyền lực giữa các nhóm cổ đông. Đặc biệt là trong bối cảnh Hội đồng quản trị của Eximbank, gần đây, có nhiều biến cố bất ngờ.

Vào cuối tháng 3/2019, Tòa án Nhân dân TP. HCM (TAND TP. HCM) đã ban hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, dừng thực hiện Nghị quyết số 112/2019/EIB/NQ-HĐQT để bầu Bà Lương Thị Cẩm Tú, thay thế cho ông Lê Minh Quốc, giữ chức Chủ tịch HĐQT.

Quyết định được TAND TP. HCM ban hành sau khi thụ lý hồ sơ vụ án dân sự theo đơn yêu cầu của ông Lê Minh Quốc. Trong đó, ông Quốc cho biết quyết định trên của HĐQT Eximbank không có giá trị pháp lý do cuộc họp được tiến hành trái quy định.

Ngay sau đó, Eximbank đã có đơn kiến nghị gửi Tòa án về quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, đồng thời, phủ nhận các cáo buộc của ông Lê Minh Quốc.

Diễn biến sự việc gây được sự quan tâm lớn của nhà đầu tư trên thị trường, khi chỉ còn ít ngày nữa, Eximbank sẽ tổ chức phiên họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 vào ngày 26/4/2019./.