Tìm hiểu chương trình phát triển tên lửa đánh chặn của Trung Quốc

Tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình của các nước láng giềng khiên Bắc Kinh vô cùng lo ngại. Trung Quốc phải có được hệ thống phòng thủ tên lửa mạnh. Khả năng đánh chặn tên lửa của PLA đến mức nào?
Chuẩn bị phóng tên lửa đánh chặn mang đầu đạn KT-1 Trung Quốc
Chuẩn bị phóng tên lửa đánh chặn mang đầu đạn KT-1 Trung Quốc

Ngày 12.02.2013, Bắc Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân và hậu quả của nó đã ảnh hưởng đến toàn khu vực. Mỹ thúc đẩy hình thành tuyến phòng thủ chống tên lửa đạn đạo có sự tham gia của Úc, Philiphines, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, vùng Alaska, các căn cứ quân sự Mỹ ở California và quần đảo Hawaii.

Tuyến phòng thủ tên lửa bao gồm các hệ thống đánh chặn tên lửa trên các chiến hạm trang bị Aegic và tên lửa SM – 3 và các tổ hợp Patriot trên đất liền, có thể đánh chặn các tên lửa đạn đạo của PLA ngay từ khi rời bệ phóng. Tên lửa đạn đạo Đông Phong bị vô hiệu trong nhiệm vụ đẩy hải quân Mỹ ra khỏi vùng nước biển Đông. Để đáp trả, Trung Quốc tăng cường số lượng tên lửa đạn đạo, các đầu đạn được lắp đặt thiết bị tự dẫn đồng thời tăng cường các tổ hợp vũ khí phòng không- phòng thủ tên lửa từ đất liền và vươn ra biển.

Dựa trên quan hệ hợp tác quân sự chính trị với Mỹ và Nhật Bản, Hàn Quốc từ tên lửa đẩy 2 tầng Naro-1 đã phát triển tên lửa đạn đạo 1 tầng tầm bắn 800 km mang đầu đạn có khối lượng 1 tấn. Vùng tấn công của tên lửa đạn đạo bao gồm toàn bộ lãnh thổ Bắc Triều Tiên và các tỉnh nằm sát biên giới của Trung Quốc. Trung Quốc phải hình thành tuyến phòng thủ tên lửa của riêng mình.

Tìm hiểu chương trình phát triển tên lửa đánh chặn của Trung Quốc ảnh 1
Tên lửa FD-2000, phiên bản xuất khẩu của HQ-9

Trong giai đoạn này, tình hình tiếp tục xấu đi do Nhật Bản đưa ra tuyên bố sẽ chế tạo tên lửa đạn đạo bảo vệ các đảo tranh chấp. Đồng thời chương trình phát triển tên lửa "Surya" của Ấn Độ với tầm bắn từ 8 – 12 nghìn km cũng là vấn đề đối với Trung Quốc. Các nước có tranh chấp chủ quyền trên biển Đông cũng sở hữu tên lửa đạn đạo hoặc sẽ mua tên lửa đạn đạo. Do đó, Trung Quốc nỗ lực phát triển hệ thống phòng không – phòng thủ tên lửa nhằm ngăn chặn những nguy cơ hiện hữu và tạo ưu thế phòng không đối với không quân của các nước láng giềng.

Hệ thống phòng không phòng thủ tên lửa giai đoạn cuối

Trong triển lãm hàng không lần thứ 9 tháng 11.2012 ở thành phố Chu Hải. PLA đã giới thiệu tổ hợp phòng không- phòng thủ tên lửa (PK – PTTT) HQ-9А (phiên bản xuất khẩu FD-2000). Tổ hợp tên lửa PK – PTTT HQ -9A có thể tiêu diệt các phương tiện bay như máy bay, tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình trên các độ cao khác nhau, trong đó tên lửa đạn đạo tầm gần trên độ cao 20 km. Tên lửa phòng không mang theo đầu đạn nổ phá mảnh, kích nổ radio cự ly 35 m so với mục tiêu. HQ-9 được thiết kế theo công nghệ S- 300 của Nga tại Viện Hàn lâm công nghệ Quốc phòng thuộc tập đoàn China Aerospace Science & Industry Corporation.

Nghiên cứu được bắt đầu từ năm 1980 nhưng không thành công. Hiệu quả có được từ năm 1993, khi những tên lửa S-300 PMU-1 được nhập khẩu về Trung Quốc. Những giải pháp thiết kế và những đặc điểm hệ thống của Nga đã được các kỹ sư Trung Quốc sao chép nguyên bản cho phát triển HQ-9.

Tìm hiểu chương trình phát triển tên lửa đánh chặn của Trung Quốc ảnh 2
Tổ hợp tên lửa phòng không hàng nhái HQ-9.

Cuối thập niên 1990. PLA tiếp nhận các tổ hợp tên lửa HQ-9 vào biên chế. Những phát triển hoàn thiện được tiếp tục dựa trên các thông tin tình báo công nghiệp từ tên lửa Mỹ Patriot và tổ hợp tên lửa Nga S-300 PMU-2. Rõ ràng tổ hợp S-300 PMU-2 có những đặc điểm mà Trung Quốc hài lòng nên năm 2013 đã đặt mua thêm 16 tổ hợp.

Bằng cách này Trung Quốc thực hiện được 2 nhiệm vụ cùng một lúc: hình thành hệ thống phòng không mạnh dọc theo tuyến bờ biển từ Hàn Quốc đến Đài Loan đồng thời tiếp tục sao chép những đặc điểm kỹ chiến thuật ưu việt của tên lửa Nga. Sau sự kiện này, xuất hiện các tổ hợp tên lửa nâng cấp mới của HQ-9 – HQ-9A. Nhờ có những giải pháp hoàn thiện và tăng hiệu quả tìm kiếm, chống nhiễu và khóa mục tiêu của đầu tự dẫn, các tên lửa của HQ – 9A có khả năng đánh chặn được tên lửa đạn đạo tầm gần.

Đầu tự dẫn của tên lửa HQ – 9A được lắp radar tìm kiếm, khóa mục tiêu chủ động. Qua sao chép bản quyền, các kỹ sư Trung Quốc tiếp tục đưa vào những cải tiến mới cho HQ-9 như sử dụng các vật liệu composit, chế tạo nhiên liệu phóng mới theo mẫu tên lửa Nga và Mỹ. Chính vì vậy tổ hợp tên lửa FТ-2000 có kích thước nhỏ hơn và mang theo radar tự dẫn thụ động.

Trong biến chế của tổ hợp tên lửa PK – PTTT có đài radar đa dụng phát hiện, khóa mục tiêu và dẫn đạn tên lửa trên xe cơ động HT-233. Cấu trúc chủ yếu của đài radar là anten mảng pha với hệ thống điều khiển chùm tia radar kỹ thuật số. Đài ra đa dải tần Xcó thể quét góc hướng là 360o và góc tầm là từ 0 đến 65°. Tầm xa nhất phát hiện mục tiêu đến 120 km, theo dõi và khóa mục tiêu trên cự ly90 km. Radar có thể phát hiện đến hơn 100 mục tiêu, khóa và theo dõi trên 50 mục tiêu cùng lúc. Ngoài ra, tổ hợp tên lửa còn có radar sử dụng sóng radio dải tần L phát hiện, khóa và đo tọa độ mục tiêu ở độ cao thấp trong môi trường mật độ nhiễu dày đặc như các tên lửa hành trình có độ phản xạ hiệu dụng nhỏ.

Hệ thống điều khiển tên lửa HQ-9 (HQ-9А) kết hợp với hệ thống điều khiển tên lửa Nga S-300P cho phép triển khai các tổ hợp tên lửa phòng không, phòng thủ tên lửa trên mọi điểm của đại lục. Các tổ hợp tên lửa tạo thành tuyến phòng không – phòng thủ tên lửa bảo vệ các mục tiêu quan trọng như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân, tỉnh Hà Bắc , lưu vực sông Trường Giang và Dương Tử. Trung Quốc cũng xây dựng các hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa tại các khu vực tác chiến nhạy cảm, có khả năng đánh chặn các tên lửa đạn đạo.

Tìm hiểu chương trình phát triển tên lửa đánh chặn của Trung Quốc ảnh 3
Tên lửa phòng không chiến hạm HHQ-9 trên khu trục hạm Lan Châu 052C

Từ tổ hợp tên lửa HQ-9, các chuyên gia Trung Quốc đã phát triển tổ hợp tên lửa phòng không chiến hạm – HHQ-9, lắp đặt cho các khu trục hạm tên lửa hiện đại nhất hiện nay lớp 052C (Lan Châu). Khu trục hạm đầu tiên mang tên lửa phòng không HHQ – 9 được đưa vào biên chế vào năm 2003, chiếc thứ 2 được hoàn thành năm 2005. Hiện đã có 3 chiếc được đưa vào biên chế, ba chiếc còn lại đang hoàn thiện. Trên mỗi tàu được trang bị 8 module ống phóng 6 tên lửa, tổng số 48 tên lửa. HHQ-9 là phiên bản hoàn thiện của tổ hợp tên lửa Nga dành cho khu trục hạm S-300F “Reef” tổ hợp Fort, trên cơ sở của S-300 PMU-1. Điều khác biệt duy nhất giữa Fort và HHQ-9 là Fort thiết kế kiểu ổ quay Revolve, còn ống phóng tên lửa của HHQ-9 có từng nắp phóng riêng biệt.

Hiện này, Trung Quốc đã có thể tự chế tạo và triển khai hệ thống phòng không – phòng thủ tên lửa trên đất liền và trên biển lớn. Các thống số kỹ chiến thuật của tên lửa phòng không Trung Quốc tương đương với S- 300 PMU-1. PLA đang nỗ lực nâng cấp tên lửa để có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình ở giai đoạn cuối. Hình thành tuyến phòng thủ tầm gần trên bờ biển và trên biển.

Trung Quốc cũng rất hy vọng vào hệ thống tên lửa S-400 có tầm bắn lên đến 400 km và có khả năng tiêu diệt được các tên lửa đạn đạo giai đoạn cuối, tên lửa hành trình các loại. Với S-400, Trung Quốc có thể tăng cường sức mạnh phòng không tại Hoàng Hải và vùng nhận dạng phòng không tại biển Hoa Đông, cũng như tăng cường khả năng phòng không khu vực các tỉnh ven bờ biển Đông và bảo vệ vững chắc đảo Hải Nam, căn cứ hải quân có sứ mệnh đẩy lùi Mỹ ra khỏi vùng nước đang tranh chấp.

Theo truyền thống sao chép vũ khí, Từ hệ thống S-400, Trung Quốc có thể tiếp tục phát triển các phiên bản tên lửa phòng không, phòng thủ tên lửa phiên bản S-400 của chính mình nhằm hình thành một hệ thống phòng không, phòng thủ tên lửa đầy đủ, mở rộng khả năng tấn công của mình vào sâu trong lãnh thổ đối phương như Ấn Độ hoặc Việt Nam, tạo sức ép đẩy lùi khả năng tiếp cận các mục tiêu ven biển của tên lửa Mỹ.

Hệ thống phòng thủ tên lửa giai đoạn giữa

Tháng 1.2013, PLA thực hiện thành công đánh chặn đầu đạn tên lửa tầm trung ở giai đoạn giữa bằng tên lửa đánh chặn phóng từ mặt đất КТ-2 ( SC-19). Tên lửa KT-2 có khả năng tiêu diệt các vệ tinh trên độ cao 20-22 nghìn km. Hệ thống đánh chặn vệ tinh, tên lửa Dong Ning-2 có khả năng tiêu diệt các mục tiêu bay trên độ cao hàng nghìn km ngoài tầng khí quyển. Các thử nghiệm của hệ thống được thực hiện từ tháng 1.2010.

Tìm hiểu chương trình phát triển tên lửa đánh chặn của Trung Quốc ảnh 4
Tên lửa đẩy Đông Phong DF-21
Tìm hiểu chương trình phát triển tên lửa đánh chặn của Trung Quốc ảnh 5
Kiểm tra đầu đạn đánh chặn KT-1
Tìm hiểu chương trình phát triển tên lửa đánh chặn của Trung Quốc ảnh 6
Chuẩn bị lắp đầu đạn lên tên lửa đẩy DF-21

Khởi điểm ban đầu của tên lửa đánh chặn giai đoạn giữa KT-1 được phát triển từ tên lửa đạn đạo tầm trung nhiên liệu rắn Đông Phong DF-21, nhà máy sản xuất Rạng Đông của tổ hợp Nam Kinh, tập đoàn China Aerospace Science & Industry Corporation. Tên lửa đánh chặn giai đoạn giữa KT-1 tiêu diệt các tên lửa đạn đạo bằng động năng va chạm. Thử nghiệm đầu tiên được tiến hành vào tháng 1.2007, trên độ cao 864 km đã phá hủy một vệ tinh khí tượng quá hạn sử dụng khối lượng 954 kg. Phần lớn các mảnh vỡ của vệ tinh vẫn còn bay trên quỹ đạo, đe dọa các tàu vũ trụ có người lái và các vệ tinh khác.

Truyền thông Trung Quốc cho rằng, hệ thống Dong Ning-2 có tính năng kỹ chiến thuật tương tự như lá chắn tên lửa Aegis Ashore với tên lửa SM-3, sẽ triển khai tại Romania vào năm 2014. Khi Trung Quốc thử nghiệm hệ thống đánh chặn tên lửa КТ-2, các chuyên gia Mỹ cho rằng Trung Quốc đang phát triển hệ thống các vũ khí tiêu diệt vệ tinh nhân tạo đối phương, bao gồm cả đầu đạn gây nhiễu điện từ, điện từ trường và vũ khí laser, trong đó hệ thống GPS là mục tiêu chính.

Hệ thống cảnh báo sớm nguy cơ tấn công tên lửa đạn đạo

Điểm yếu nhất trong hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của Trung Quốc là sự thiếu vắng hệ thống cảnh bảo sớm như các đài radar của Nga "Daryal", "Volga", "Don-2N", "Voronezh", các vệ tinh trinh sát quỹ đạo elip tầm cao hơn 40,000 km và các vệ tinh địa tĩnh. Các đài radars theo dõi ngoài đường chân trời tầm xa Trung Quốc có khả năng phát hiện mục tiêu đến 3000 km, nhưng chưa đủ để thiết lập hệ thống cảnh báo sớm tin cậy đối với các tên lửa đạn đạo.

Những quan điểm chiến lược của PLA cho thấy, hệ thống vũ khí phòng thủ tên lửa của Trung Quốc có mục đích tấn công hơn phòng ngự, trường hợp xảy ra xung đột với các cường quốc hạt nhân hoặc các nước khác. Trung Quốc sẽ tấn công hệ thống dẫn đường vệ tinh, hệ thống vệ tinh nhân tạo của đối phương và đánh chặn các tên lửa đạn đạo ở giai đoạn giữa và giai đoạn cuối.

Mục tiêu trọng tâm của PLA là phát triển hệ thống phòng không trên biển, tạo sự cân bằng lực lượng đối với hải quân Mỹ và ưu thế phòng không hạm đội đối với các nước yếu hơn trong vùng tranh chấp. Trong tương lai, Trung Quốc sẽ phát triển hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo trên các khu trục hạm và tuần dương hạm, hình thành các tuyến phòng thủ tên lửa và phòng không từ ngoài biển về đến bờ biển và sâu trong lục địa.

Trịnh Thái Bằng theo InfoNet