TikTok Shop quay trở lại Indonesia sau hơn 2 tháng bị ngừng hoạt động

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Ngày 11/12, hai tập đoàn TikTok và GoTo Group đã đạt được thỏa thuận hợp tác chiến lược thương mại điện tử. TikTok Shop sẽ được khởi động trở lại vào Ngày mua sắm trực tuyến Indonesia 12/12. 

Thoả thuận hợp tác chiến lược 1,5 tỉ USD

Được biết, mảng kinh doanh tại Indonesia của TikTok sẽ được sáp nhập với Tokopedia, một nền tảng thương mại điện tử thuộc sở hữu của GoTo Group, thực thể được sáp nhập sẽ do TikTok sở hữu và kiểm soát 75% cổ phần. TikTok cũng cam kết sẽ đầu tư 1,5 tỉ USD trong vài năm tới để hỗ trợ tài chính phát triển kinh doanh. Tiktok tuyên bố hai bên sẽ cùng nhau thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số Indonesia và hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Vào ngày hoạt động trở lại, TikTok và Tokopedia sẽ cùng khởi động chiến dịch "Mua sản phẩm địa phương" (Beli Lokal).

Là một phần của quan hệ đối tác chiến lược, các hoạt động của Tokopedia và TikTok Shop tại Indonesia sẽ được hợp nhất thành PT Tokopedia, trong đó TikTok sẽ có quyền kiểm soát PT Tokopedia. Chức năng dịch vụ mua sắm trong ứng dụng TikTok tại Indonesia sẽ do PT Tokopedia vận hành và quản lý.

GoTo Group là công ty công nghệ Internet lớn nhất Indonesia, sở hữu nền tảng thương mại điện tử địa phương Tokopedia và nền tảng dịch vụ di động Gojek. Tokopedia là công ty thương mại điện tử địa phương lớn nhất Indonesia với thị phần 35%. Tokopedia đã thu hút nhiều sự chú ý kể từ khi thành lập vào năm 2009. Năm 2014, Tokopedia trở thành công ty công nghệ đầu tiên ở Đông Nam Á huy động được hơn 100 triệu USD.

Việc sáp nhập TikTok và nền tảng thương mại điện tử địa phương Tokopedia của Indonesia sẽ giúp TikTok mở rộng hơn nữa tầm ảnh hưởng trong lĩnh vực thương mại điện tử và tận dụng Tokopedia để mở rộng sự hiện diện tại Indonesia, giữ vị trí dẫn đầu thị trường nhằm thúc đẩy sự phát triển hoạt động kinh doanh thương mại điện tử của mình. Bằng cách hợp tác với Tokopedia, TikTok cũng thể tận dụng cơ sở người dùng và kênh thị trường của Tokopedia để thu hút nhiều người tiêu dùng hơn. Ngoài ra, sự nổi tiếng và uy tín của Tokopedia tại thị trường Indonesia cũng sẽ giúp nâng cao nhận thức về thương hiệu và niềm tin của người dùng đối với TikTok Shop.

Tu 12.12 TikTok shop tro lai Indonesia.png
Từ ngày 12/12, TikTok Shop đã quay trở lại thị trường Indonesia (Ảnh: Sohu)

Trở lại thị trường Indonesia

Ngày 25/9, Chính phủ Indonesia đã ban hành "Nghị định số 31 năm 2023 (Reg31/2023 của Bộ trưởng Thương mại)". Theo nghị định, mạng xã hội sẽ bị cấm sử dụng làm nền tảng bán hàng hóa và chỉ được phép sử dụng được sử dụng để nhằm mục đích quảng bá hàng hóa hoặc dịch vụ.

Bị ảnh hưởng bởi điều này, ngày 4/10, TikTok Shop đã thông báo sẽ chính thức đóng cửa dịch vụ giao dịch TMĐT vào lúc 17h00 giờ. Sau đó, TikTok đã trở thành một nền tảng nội dung video ngắn tại thị trường Indonesia không còn “chức năng thương mại điện tử”. Người bán có thể tiếp tục tạo và chia sẻ nội dung trên nền tảng TikTok để quảng bá sản phẩm nhưng sẽ không thể livestream bán sản phẩm.

Theo dữ liệu, TikTok có 325 triệu người dùng ở Đông Nam Á, trong đó có khoảng 124 triệu người ở Indonesia, chỉ đứng sau Mỹ. “Sách trắng phát triển sinh thái TikTok nửa đầu năm 2023” do FastData công bố cho thấy Indonesia là quốc gia có số lượng cửa hàng nhỏ với doanh số hơn 10.000 USD trên nền tảng TikTok nhiều nhất và cũng là quốc gia có tổng số cửa hàng nhỏ cao nhất về thời lượng và tổng số người xem các chương trình livestream bán hàng của TikTok.

TikTok Shop Indonesia đã chính thức hoạt động trở lại. Tuy nhiên, việc sáp nhập cũng phải đối mặt với một số thách thức và rủi ro.

Đầu tiên, TikTok cần đảm bảo rằng chất lượng và trải nghiệm người dùng trong hoạt động kinh doanh TMĐT của mình có thể đáp ứng mong đợi của người tiêu dùng, bao gồm việc cung cấp một hệ thống thanh toán an toàn, đáng tin cậy và các dịch vụ hậu mãi hiệu quả. Ngoài ra, TikTok sẽ cần hợp tác chặt chẽ với Tokopedia để đảm bảo việc kết hợp hai nền tảng diễn ra suôn sẻ và tránh mọi xung đột hoặc cạnh tranh tiềm ẩn. Việc sáp nhập cũng có thể thu hút sự chú ý và giám sát của cơ quan quản lý. Ví dụ, những lo ngại về vấn đề bảo mật dữ liệu và chống độc quyền.

Theo Sohu