Tiểu đoàn Azov, nỗi phiền não của cả Nga, Mỹ và châu Âu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Đã hơn một tháng kể từ khi Nga đưa quân vào Ukraine, hai bên đã tổ chức mấy vòng đàm phán cũng nói rằng giai đoạn đầu của chiến dịch “đã đạt được kết quả”, nhưng họ vẫn không chiếm được thành phố lớn nào.
Binh sĩ tiểu đoàn Azov đứng trước ngôi nhà có gắn biểu tượng của Đức Quốc xã (Ảnh: Getty).
Binh sĩ tiểu đoàn Azov đứng trước ngôi nhà có gắn biểu tượng của Đức Quốc xã (Ảnh: Getty).

Ukraine vẫn kiên trì chống đỡ, về cơ bản vẫn giữ được phần lớn lãnh thổ của mình, nguyên nhân chính là sức mạnh quân sự của Ukraine đã tăng lên đáng kể so với khi Crimea bị Nga sáp nhập cách đây 8 năm, và hiệu suất của đơn vị có tên “Tiểu đoàn Azov” (Azov battalion) đã trở thành tiêu điểm chú ý. Tuy nhiên, đơn vị do chủ nghĩa cực hữu kiểm soát này bị cáo buộc là lý do để Nga xuất binh, đồng thời cũng là cơn ác mộng đối với các nước Âu Mỹ.

Nổi tiếng bởi cuộc khủng hoảng Crimea

Sự trỗi dậy của Tiểu đoàn Azov bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng Crimea năm 2014, khi đó Bộ Quốc phòng Ukraine khuyến khích thành lập các đơn vị tình nguyện chiến đấu ở khu vực Donbass miền Đông Ukraine để giảm bớt gánh nặng cho quân đội chính quy vốn rất suy yếu. Tiểu đoàn này ban đầu bao gồm 300 người khi mới thành lập và nổi tiếng khi tái chiếm Mariupol từ các lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn vào tháng 6/2014.

Tuy nhiên, lập trường chính trị của Tiểu đoàn Azov đã trở thành đối tượng bị nhiều người chỉ trích. Ông Andriy Biletsky, người sáng lập Tiểu đoàn Azov, từng tuyên bố vào năm 2010 rằng "những người da trắng dẫn dắt thế giới trong cuộc thập tự chinh cuối cùng chống lại chủng tộc hạ đẳng do người Semite lãnh đạo”, cùng với các biểu tượng Wolfsangel thường được những người cực hữu sử dụng và Mặt trời đen (Schwarze Sonne) của Đức quốc xã khi xưa, nên mọi người nói chung là tránh xa bọn này.

Năm 2014, hai thành viên Azov tại Quảng trường Độc Lập, Kiev.

Năm 2014, hai thành viên Azov tại Quảng trường Độc Lập, Kiev.

Tham gia trấn áp các tộc người thiểu số

Sau cuộc khủng hoảng Crimea, Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc đã nêu rõ trong báo cáo vào năm 2016 rằng, các thành viên Tiểu đoàn Azov đã nhiều lần xâm phạm nhân quyền ở khu vực Donbas; Bộ Ngoại giao Mỹ vào năm 2018 cũng cáo buộc Tiểu đoàn Azov đã tấn công và phá hủy một khu của người Gipsies ở Kiev, cho thấy Tiểu đoàn Azov đã từng trấn áp những người thiểu số. Do đó, Washington đã coi tổ chức National Corps (Quân đoàn Quốc gia) cực hữu của Biletsky là một nhóm hận thù chủ nghĩa dân tộc.

Trong sự kiện Tiểu đoàn Azov cực hữu bị liên quan đến cáo buộc đàn áp các dân tộc thiểu số, Nga đã mô tả nhóm này là "tân phát xít" và lấy đó làm lý do để đưa quân vào Ukraine. Tuy nhiên, tổ chức Tiểu đoàn Azov này luôn nhắc lại rằng họ không liên quan gì đến chủ nghĩa tân phát xít, nhấn mạnh việc sử dụng chữ N và I trên biểu tượng Wolfsangel là viết tắt của "National Idea" (Tư tưởng quốc gia). Biletsky gần đây đã nói với truyền thông Anh rằng “hầu hết các chiến binh Azov là những người yêu nước và theo chủ nghĩa dân tộc, mà trong tình hình hiện tại, phần lớn người Ukraine theo chủ nghĩa dân tộc, và coi "anh hùng dân tộc" Stepan Bandera, người đã theo đuổi nền độc lập của Ukraine trong thế kỷ 20, là một đối tượng anh hùng.

Huy hiệu và biểu tượng của Azov

Huy hiệu và biểu tượng của Azov

Lập trường cực hữu, người chi tiền trở thành “kẻ thù”

Andriy Biletsky trước đây đã lãnh đạo tổ chức Patriot of Ukraine (Người Yêu nước Ukraine) cực hữu, nhưng tiểu đoàn Azov được tài trợ một phần bởi doanh nhân Do Thái giàu có Ihor Kolomoisky và các nhà tài phiệt ở miền đông Ukraine, v.v., vũ khí thì được chính phủ Ukraine cung cấp và được Bộ Nội vụ quản lý từ năm 2014. Biletsky cũng nói, ngay từ ban đầu ông đã coi Tiểu đoàn Azov là một trong những đơn vị của quân đội Ukraine.

Một số chuyên gia chỉ ra rằng Tiểu đoàn Azov kể từ khi thành lập đã thu nạp các chiến binh nước ngoài ủng hộ chủ nghĩa tôn sùng người da trắng. Khi Nga tấn công Ukraine, chính quyền Kiev đã kêu gọi các tình nguyện viên nước ngoài hỗ trợ phòng thủ. Điều này đã khiến thế giới bên ngoài lo ngại các phần tử cực hữu ở châu Âu sẽ tới Ukraine hội quân. Sau đó“ áp dụng những gì đã học ”để tiến hành các cuộc tấn công khủng bố trong tương lai.

Tháng 6/2015, Mỹ và Canada tuyên bố không ủng hộ và huấn luyện lực lượng Azov vì các liên hệ với tân phát xít. Tuy nhiên, Mỹ đã gỡ bỏ lệnh cấm này vào năm 2016 vì sức ép từ Lầu Năm Góc. Azov nhận được nhiều ủng hộ từ lực lượng cực hữu trên toàn thế giới.

Năm 2015, các thành viên Azov đi quyên tiền trên đường phố Kiev.

Năm 2015, các thành viên Azov đi quyên tiền trên đường phố Kiev.

Năm 2016, Facebook xem Azov là một “tổ chức nguy hiểm” và cấm lực lượng này từ năm 2019. Tuy nhiên khi Nga tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine, Facebook đã đảo ngược lại lệnh cấm trong bối cảnh Tiểu đoàn Azov bảo vệ Ukraine và vì họ là một phần của Vệ binh Quốc gia Ukraine.

Chính đảng cực hữu có rất ít sự ủng hộ

Những lo lắng này có phải là vô căn cứ hay không hiện vẫn chưa có kết luận rõ ràng, nhưng từ trước khi chiến tranh bùng nổ, định hướng chính trị của Tiểu đoàn Azov luôn chỉ được một bộ phận nhỏ người dân Ukraine ủng hộ, dù Biletsky từng vào được Quốc hội, nhưng ông ta đã thất bại khi tái tham gia tranh cử vào năm 2019. Đảng National Corps của ông ta cũng chỉ nhận được 2,15% số phiếu bầu.

Trên thực tế, Tiểu đoàn Azov không phải là lực lượng có tư tưởng cực hữu duy nhất trong cuộc chiến này, Trung tâm An ninh và Hợp tác Quốc tế (Center for International Security and Cooperation, CISAC) trực thuộc Đại học Stanford chỉ ra rằng nhóm vũ trang cực hữu "Phong trào Đế quốc Nga" (Russian Imperial Movement) trụ sở đặt tại St.Petersburg, Nga cũng tham gia. Mặc dù quan điểm của tổ chức này là chống Tổng thống Putin, nhưng tổ chức này cũng ủng hộ việc Nga đưa quân tới Ukraine và đào tạo những nhân viên có ý định tham gia các lực lượng vũ trang thân Nga ở miền đông Ukraine.

Denys Prokopenko, Tiểu đoàn trưởng Azov hiện nay.

Denys Prokopenko, Tiểu đoàn trưởng Azov hiện nay.

Xung kích trong cuộc chiến chống Nga

Tiểu đoàn Azov có khoảng 900 thành viên vào thời điểm trước khi xảy ra xung đột Nga-Ukraine. Ngày 27/2/2022, Vệ binh Quốc gia Ukraine đã tweet một đoạn video ghi lại cảnh các binh sĩ Tiểu đoàn Azov bôi mỡ vào đạn và nói: "Các anh em Hồi giáo thân mến, ở đất nước chúng tôi, các anh sẽ không lên được thiên đường", tiêu đề của video nói những viên đạn này sẽ được sử dụng để chống lại "những người thú Kadyrov" (chỉ binh lính Hồi giáo Chechnya). Đoạn video đã làm dấy lên sự chỉ trích từ nhiều bên khác nhau, trong đó có nhiều quốc gia và tổ chức Hồi giáo. Đoạn clip này vẫn có thể truy cập được trên nền tảng này mặc dù bị Twitter hạn chế vì nội dung kích động thù hận.

Vào ngày 2/3, cảnh sát của Cộng hòa Nhân dân Donetsk, một chính quyền thân Nga, cho biết các thành viên của Tiểu đoàn Azov đã sử dụng một thiết bị kích nổ mìn tại Đại học Khoa học và Công nghệ Azov ở Mariupol. Vào ngày 3/3, người phát ngôn cảnh sát Donetsk nói tình hình nhân đạo ở Mariupol tiếp tục xấu đi do thiếu lương thực, nước và điện, nhưng thành phố và vùng ngoại ô vẫn đang nằm dưới sự giám sát của Tiểu đoàn Azov và tổ chức Right Sector. Phía Nga cho rằng các chiến binh này không cho phép dân thường rời Mariupol qua các hành lang nhân đạo, cư dân Mariupol đang bị phía Ukraine bắt làm con tin, phía Ukraine đang định biến thành phố thành một trại tập trung”.

Lính xe tăng Azov.

Lính xe tăng Azov.

Ngày 4/3, theo các nguồn tin của Nga, do không chấp hành lệnh chỉ huy của quân đội, sở chỉ huy tiểu đoàn Azov ở phía tây nam Mariupol đã bị lực lượng vũ trang Ukraine tấn công bằng tên lửa Tochka-U, khiến hơn 20 thành viên Azov bị chết.

Ngày 5/3, ông Denis Pushlin Tổng thống “Cộng hòa Nhân dân Donetsk” tự xưng nói rằng các thành viên của Tiểu đoàn Azov đã cho nổ tung một ngôi nhà trên Đại lộ Metida ở Mariupol, khiến hơn 200 người trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em bị mắc kẹt trong tầng hầm dưới đống đổ nát.

Ngày 6/3 cảnh sát của “Cộng hòa Nhân dân Donetsk” tuyên bố tiểu đoàn Azov đã đặt khoảng 10.000 quả mìn sát thương chống bộ binh PFM trên các đường phố trung tâm của thành phố Mariupol, các công viên của Đại lộ Moscow và các tòa nhà dân cư của Đại lộ Chiến thắng. Cảnh sát Donetsk cáo buộc các thành viên tiểu đoàn Azov tấn công những dân thường đang cố gắng di tản dọc theo hành lang nhân đạo rời khỏi thành phố Mariupol làm chết 2 người và 4 người bị thương.

Một binh sĩ tiểu đoàn Azov tại điểm chốt.

Một binh sĩ tiểu đoàn Azov tại điểm chốt.

Tối ngày 6/3, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố rằng Cơ quan An ninh Quốc gia Ukraine đã bị tình nghi âm mưu với các nhân viên vũ trang của tiểu đoàn Azov để thực hiện một cuộc tấn công khiêu khích ở Kharkov, kế hoạch của họ cụ thể là đánh bom lò phản ứng hạt nhân ở Viện Nghiên cứu Vật lý Kharkov. Sau khi lò phản ứng bị nổ, sẽ cáo buộc quân Nga tấn công tên lửa vào thiết bị hạt nhân thử nghiệm, có thể khiến Kharkov bị nhiễm phóng xạ . Các nguồn tin Ukraine cho biết, các lực lượng Nga đã tấn công khu vực lân cận viện này, một trạm biến áp của nguồn neutron do viện hợp tác với Phòng thí nghiệm quốc gia Argonne của Bộ Năng lượng Mỹ phát triển đã bị Nga phá hủy ngày 6/3. Ngày 7/3, một quan chức quốc phòng cấp cao Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết bộ này đang điều tra báo cáo về một cuộc tấn công tên lửa vào Viện Vật lý và Công nghệ Kharkov, nhưng không thể xác minh độc lập vào lúc này.

Theo thông tin được Bộ Quốc phòng Nga công bố, rạng sáng 31/3 theo giờ địa phương, các quan chức chính quyền và chỉ huy của Tiểu đoàn Azov định sơ tán khỏi Mariupol bằng hai trực thăng Mi-8. Những nhân viên vũ trang của “Cộng hòa Nhân dân Donetsk” đã sử dụng tên lửa Stinger do Mỹ chế tạo họ thu được để bắn hạ cả hai chiếc. Một chiếc rơi gần khu định cư Rybatskye và chiếc khác cũng bị trúng tên lửa rơi cách bờ biển 20 km.

Cho đến nay, Ukraine vẫn chưa phản hồi.