Tiết lộ về cách người cổ đại làm chín thức ăn trước khi biết dùng lửa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Một nghiên cứu mới cho thấy người cổ đại đã không chờ đến lúc biết sử dụng lửa mới có thể khai thác được những chất dinh dưỡng từ động vật. 
Việc phát hiện ra các suối nước nóng gần khu định cư ban đầu của người cổ đại đã khiến các nhà nghiên cứu tự hỏi liệu loài người cổ xưa có sử dụng suối nước nóng để làm chín thức ăn trước khi phát hiện ra lửa hay không? (Ảnh: IFL Science)
Việc phát hiện ra các suối nước nóng gần khu định cư ban đầu của người cổ đại đã khiến các nhà nghiên cứu tự hỏi liệu loài người cổ xưa có sử dụng suối nước nóng để làm chín thức ăn trước khi phát hiện ra lửa hay không? (Ảnh: IFL Science)

Mới đây, một khám phá khảo cổ học đã phát hiện các suối nước nóng ở gần địa điểm nơi người cổ đại định cư cách đây khoảng 1,8 triệu năm - thời điểm rất lâu trước khi họ biết cách sử dụng lửa tại hẻm núi Olduvai ở phía Bắc Tanzania. Nghiên cứu nằm trong Kỷ yếu Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ với tác giả là các nhà khảo cổ học đến từ Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và Đại học Alcalá (Tây Ban Nha). Các nhà khoa học cho rằng không phải ngẫu nhiên mà loài người cổ đại đã định cư ở đây.

Phát hiện của các nhà khoa học cho thấy khu vực này từng có các suối nước nóng với nhiệt độ lên đến hơn 80oC. Những suối nước nóng này cũng nằm rất gần các địa điểm được cho là nơi định cư ban đầu của con người với nhiều phát hiện về các công cụ làm bằng đá và xương động vật. Chính vì vậy, các nhà khoa học đã đặt ra giả thuyết rằng suối nóng có thể đã được người cổ đại khai thác để làm chín thức ăn.

“Nếu có một con linh dương đầu bò rơi xuống suối nước nóng, tại sao bạn lại không ăn nó?” - Ainara Sistiaga, tác giả chính của nghiên cứu tại MIT, giả định về suy nghĩ của người cổ đại.

Ảnh: Phys.org

Nhà khảo cổ học Ainara Sistiaga đang lấy mẫu đá từ hẻm núi Olduvai ở Tanzania (Đông Phi) - nơi được coi là "thánh địa" của những loài người khác (không phải Homo sapiens) đã tuyệt chủng. (Ảnh: Phys.org)

Giả thuyết về việc người cổ đại sử dụng suối nước nóng để làm chín thức ăn đã từng xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2016 trong một chuyến thám hiểm khảo cổ ở hẻm núi Olduvai. Các nhà khảo cổ đã thu thập lớp trầm tích từ một phiến đá lộ thiên dài 3 km có niên đại cách đây khoảng 1,7-1,8  triệu năm trước. Họ đã phát hiện các dấu hiệu của chất béo được tạo ra bởi các nhóm vi khuẩn cụ thể - nhóm vi khuẩn từng được phát hiện đã sống trong các suối nước nóng của Vườn Quốc gia Yellowstone, Hoa Kỳ. Điều này gợi ý khả năng các suối nước nóng đã tồn tại vào thời điểm người cổ đại định cư ở đó.


“Rõ ràng có dấu hiệu của nước ở nhiệt độ cao ở đó” - Giáo sư Roger Summons từ MIT cũng là tác giả của nghiên cứu cho biết.

Thời điểm chính xác loài người “phát hiện ra lửa” vẫn còn nhiều tranh cãi, nhưng đa số cho rằng tổ tiên chúng ta đã biết sử dụng lửa cách đây khoảng 1 triệu năm về trước.

Mặc dù giả thuyết về việc người cổ đại tận dụng suối nước nóng để làm chín thức ăn từ hơn 1,7 triệu năm trước có thể không đúng nhưng những bằng chứng về các suối nước nóng ở gần khu định cư của người cổ đại đã mở ra khả năng loài người cổ xưa có thể đã tiếp cận với thức ăn được làm chín và những chất dinh dưỡng cần thiết từ rất lâu trước khi biết sử dụng lửa.

Theo IFL Science