Đặc nhiệm GRU (Tổng cục Tình báo-Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga) là lực lượng tinh hoa của các lực lượng đặc nhiệm quân đội Nga. Từ cuối thập kỷ 1960, lực lượng này đã thực hiện thành công những nhiệm vụ phức tạp và xem chừng như bất khả thi do cấp trên giao cho. Một số trong những chiến dịch đó đã được giải mật.
1. Cướp trực thăng Mỹ
Chiến dịch lớn đầu tiên ở nước ngoài của đặc nhiệm GRU diễn ra vào năm 1968. Sau chiến dịch này, tất cả mới biết là trong tay Liên Xô có một bộ máy chiến đấu hùng mạnh có khả năng hoàn thành mọi nhiệm vụ ở bất kỳ đâu trên thế giới.
Tháng 5/1968, một toán đặc nhiệm GRU của Liên Xô với quân số 10 người đã thực hiện cuộc tập kích vào một căn cứ bí mật của Mỹ trên lãnh thổ Campuchia, cách biên giới với Việt Nam 30 km. Mỹ sử dụng căn cứ này để tung các toán thám báo vào lãnh thổ Việt Nam, cũng như thực hiện các cuộc đột kích truy tìm lính đặc nhiệm và phi công Mỹ bị bắn rơi.
Tại bãi đỗ ở căn cứ này luôn thường trực sẵn sàng 2 trực thăng hạng nhẹ, đến 10 trực thăng vận tải, cũng như 4 trực thăng Cobra. Mục tiêu của cuộc tập kích chính là các trực thăng này vì lúc đó chúng có hệ thống dẫn đường đến mục tiêu độc đáo và các đạn phản lực có điều khiển vốn. Sau 25 phút tấn công, đặc nhiệm Liên Xô cướp được 1 trực thăng Mỹ bay sang Việt Nam, số còn lại bị tiêu diệt. Có đến 20 lính Mỹ cũng bị diệt. Phải mấy năm sau, nhờ có thông tin rò rì từ nội bộ KGB, CIA mới biết rằng, chiến dịch này do đặc nhiệm Liên Xô tiến hành.
2. Chiến dịch Tiệp Khắc 1968
Chiến dịch năm 1968 ở Tiệp Khắc đã bắt đầu từ việc các nước thành viên khối Hiệp ước Varsava quyết định đưa quân vào Tiệp Khắc. Một máy bay chở đơn vị đặc nhiệm GRU đã xin phép sân bay thủ đô Praha cho hạ cánh do một động cơ trục trặc. Vừa hạ cánh, các binh sĩ đặc nhiệm đã chớp nhoáng đánh chiếm sân bay (theo các tài liệu lưu trữ của Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga được giải mật, cả chiến dịch kéo dài có 9 phút 21 giây). Sau khi nhận báo cáo đánh chiếm thành công sân bay, bộ chỉ huy Liên Xô lập tức tung một sư đoàn dù của Bộ đội Đổ bộ đường không Liên Xô (VDV) đến để hỗ trợ cho các binh sĩ đặc nhiệm.
Trong khi đó, các toán đặc nhiệm Liên Xô đã đến Tiệp Khắc trước đó đã chiếm giữ các tòa báo, nhà ga, trung tâm điện báo một cách chớp nhoáng và không hề ồn ào. Sau khi chiếm giữ khu vực trụ sở chính phủ, lính đặc nhiệm Liên Xô đã đưa chính phủ Tiệp Khắc về Moscow.
Đầu những năm 1990, Trung tá Yuri Struzhnyak, một trong những người tham gia các sự kiện này, đã nhớ lại những ngày đó: “Việc đánh chiếm sân bay chẳng phải là cái gì đó quá phi thường đối với chúng tôi. Chúng tôi đã được huấn luyện làm việc này, chúng tôi có trang bị tốt, vì vậy chẳng có hành động thừa nào vào thời điểm đó. Chúng tôi lo nhất là toàn bộ chiến dịch Danube (chiến dịch dựng lên chế độ thân Liên Xô ở Tiệp Khắc) sẽ diễn ra như thế nào. Còn về các hành động của mình thì chúng tôi tuyệt đối an tâm. Chiến dịch được được lập kế hoạch để sao cho gần như không ai bị thương vong”.
Cần lưu ý rằng, cựu biệt kích khét tiếng phát xít Đức Otto Skorzeny, khi quan sát diễn biến tình hình ở Tiệp Khắc, đã đánh giá chiến dịch đánh chiếm sân bay Praha là “xuất sắc”.
3. Săn tên lửa Stinger, vồ được tăng T-59
Đầu thập kỷ 1970 và những năm 1980, châu Phi cũng có giá trị không kém so với Việt Nam chẳng hạn. Angola cũng có vị trí xứng đáng trong “trận chiến cướp đoạt bí mật quân sự” thời đó. Câu chuyện bắt đầu rất đơn giản - Tùy viên quân sự Liên Xô ở Angola được giao nhiệm vụ theo dõi sự xuất hiện các mẫu vũ khí trang bị mới của kẻ địch. Các loại vũ khí quý giá mà binh lính quân đội chính phủ Angola với sự hỗ trợ của các cố vấn quân sự Liên Xô chiếm được của quân phiến loạn đã lập tức được máy bay chuyên cơ chở về Moskva.
Đa số mọi người sẽ lập tức nghĩ rằng, đây là nói đến vũ khí Mỹ, nhưng câu chuyện hấp dẫn hơn nhiều. Năm 1976, trong một trận đánh ở khu vực Dondo, cách thủ đô Luanda 200 km, binh lính quân đội chính phủ Angola đã chiếm được một xe tăng Т-59 của Trung Quốc. Chuyên gia quân sự Liên Xô Vladimir Zayats hồi đó đã được tặng thưởng huân chương “Chiến công” vì thành tích này.
Chính Vladimir Zayats đã đích thân chuyển giao chiến lợi phẩm này cho đặc nhiệm GRU để họ tiến hành chiến dịch vận chuyển xe tăng về lãnh thổ Liên Xô trên một tàu đổ bộ Liên Xô. Tuy nhiên, chiếc xe tăng Trung Quốc chỉ là gặt hái tình cờ của GRU. Mục tiêu đích thực của chiến dịch là phát hiện và cướp lấy một mẫu hệ thống tên lửa phòng không vác vai Stinger vốn xuất hiện ở Angola sớm hơn nhiều trước khi được cung cấp cho các tay súng nổi dậy Afghanistan. Tuy nhiên, hồi đó, đặc nhiệm Liên Xô đã không lấy được Stinger ở Angola.
4. Lấy khủng bố trị khủng bố
Ngày 30/9/1985, tại Beirut, 4 cán bộ đại sứ quán Liên Xô bị bắt giữ gần như đồng thời. Một ô tô chở các nhà ngoại giao đã bị chiếm giữ gần như ở đối diện cổng sứ quán. Một xe khác chở các nhà ngoại giao bị chặn bắt cạnh bệnh viên Trad. Cuộc tấn công được thực hiện theo cách thức kinh điển: chặn xe, mặt nạ, súng, nổ súng và nhanh chóng tẩu thoát. Bọn bắt cóc các công dân Liên Xô lên tiếng khá nhanh chóng.
Các yêu sách do chúng đưa ra để chúng thả các con tin khá khác thường so với thời đó. Bọn khủng bố đòi Moscow tác động đến chính phủ Syria nhằm ngừng chiến dịch quân sự của Syria chống Li-băng và Moscow phải rút sứ quán khỏi Lebanon. Nếu từ chối thực hiện các yêu sách này, bọn khủng bố đe dọa giết hết các nhà ngoại giao Liên Xô. Đáng lưu ý là không nước đồng minh nào (Iran, Jordanie, Libya) giúp Liên Xô giải thoát các con tin mặc dù họ có khả năng làm việc này.
KGB biết được chiến dịch bắt cóc các nhà ngoại giao Liên Xô là do đơn vị bí mật và mạnh nhất của Hezbollah là Munata’mat al Jihad al-slami do Imad Mugniyah chỉ huy. Tổ tình báo KGB ở Beirut đã quyết định tuyển mộ điệp viên trong giới thân cận Mugniyah và lên kế hoạch thủ tiêu ông ta trong trường hợp các con tin Liên Xô bị hành quyết. Để tỏ rõ sự quyết tâm của mình, bọn khủng bố đã giết hại Arkady Katov, một trong các nhà ngoại giao Liên Xô bị bắt mà chúng đã bất cẩn làm bị thương khi tiến hành bắt cóc. Vì thế, đặc nhiệm Liên Xô đã buộc phải hành động ngay lập tức.
Sứ mệnh này được giao cho biệt đội đặc nhiệm mới thành lập Vympel thực hiện. Viên tướng nổi dang KGB Yuri Ivanovich Drozdov phụ trách kiểm soát chiến dịch. Các sự kiện tiếp theo diễn biến mau lẹ. Bất ngờ đối với người Palestine, các cộng sự thân cận nhất của cả Mugniyah, kẻ đã hành quyết nhà ngoại giao Liên Xô bị thương, bắt đầu biến mất.
Liên tiếp biến mất 10 chỉ huy các cơ quan tình báo khác nhau của Lebanon. Sau những vụ mất tích này, Mugniyah nhận được một bức thư, trong đó đề nghị y tự chọn lấy nạn nhân tiếp theo nếu như y không thả các nhà ngoại giao Liên Xô. Imad Mugniyah hiểu rằng, nếu người ta đã có thể đưa lá thư đến tận tay y thì nạn nhân tiếp theo sẽ chính là y. Ngay ngày hôm sau, các con tin Liên Xô đã được thả, còn việc vây hãm Đại sứ quán Liên Xô được gỡ bỏ.
5. Đột kích Dinh Tajbek
Khác với các chiến dịch đặc biệt ở châu Á và châu Phi, chúng ta có nhiều hơn một chút thông tin về các chiến dịch ở Afghanistan có sự tham gia của đặc nhiệm GRU. Người ta coi chiến dịch cực kỳ phức tạp nhằm thủ tiêu Tổng thống Afghanistan Hafizullah Amin đã mở đầu cho cuộc chiến tranh của Liên Xô ở Afghanistan. Cùng với đặc nhiệm GRU, tham gia chiến dịch còn có các biệt đội Grom và Zenit mà trong tương lai sẽ trở thành Cục A (Alpha) và Cục V (Vympel) của KGB.
Sáu tháng trước cuộc công kích, bộ chỉ huy Liên Xô đã thành lập đơn vị đặc nhiệm độc lập số 154 hay còn gọi là “Tiểu đoàn Hồi giáo” với binh sĩ là các chiến sĩ đặc nhiệm Xô-viết người Hồi giáo. Toàn bộ cuộc công kích, toàn bộ quá trình giao chiến và càn quét dinh thự Tajbek của Amin mất không quá 40 phút. Đặc nhiệm GRU chỉ có 7 người hy sinh, mặc dù trong tay Amin có số quân đông gấp gần 4 lần so với số lính đặc nhiệm Liên Xô tấn công dinh thự. Amin bị giết. Chiến dịch kết thúc thắng lợi.
6. Đoạt tên lửa Stinger Mỹ
Mùa đông năm 1987 ở Afghanistan thật sự nóng bỏng. Toán đặc nhiệm GRU do Thượng úy Vladimir Kovtun đã chiếm được một hệ thống tên lửa phòng không vác vai Stinger nguyên lành, loại vũ khí mà Mỹ trang bị hào phóng cho phiến quân Hồi giáo và trở thành ác mộng của Không quân Liên Xô.
Ông Vladimir Kovtun nhớ lại: “Trong trận đánh đó, chúng tôi đã hạ gục độ 16 tên. Chúng tôi phát hiện ra chúng trước tiên từ trên không, chúng di chuyển bằng xe mô tô. Xe máy ở Afghanistan - đó 100% là bọn dukhi (từ lóng chỉ các tay súng thánh chiến Hồi giáo mujahideen ở Afghanistan). Chúng lao nhanh đến và bắt đầu vãi đạn vào chúng tôi. Thậm chí, chúng còn kịp phóng vài quả Stinger, nhưng trượt.
Sau khi đổ quân xuống (từ trực thăng), tôi và 2 chiến sĩ nữa đuổi theo một tên Hồi giáo cực đoan. Hắn chạy rất nhanh, nhưng ống phóng tên lửa mà hắn cầm trong tay hạn chế nhiều tốc độ của hắn. Tôi chợt nghĩ cứ chạy theo hắn như thế suốt không phải là ý hay, tôi liền quỳ một gối xuống, làm một hơi hít sâu vào và thở ra và bắn một phát đạn trúng gáy hắn. Đến nay, tôi vẫn nhớ cái ống kỳ lạ đó. Chúng tôi cũng chẳng lục soát hắn, tất cả chú ý đều được dành chính cho cái ống đó. Tôi túm lấy nó và chạy trở lại trực thăng. Cơ trưởng, mặc dù từ tối đã cãi nhau to với tôi, vẫn vui mừng hét lên: “Volodya, Volodya! Stinger đấy!”.
Bộ chỉ huy quân đội Liên Xô đã lấy được hệ thống tên lửa phòng không vác vai ẩn hiện như ma Stinger và làm kinh hoàng các phi công Xô-viết như thế đó.
Thời kỳ hậu Xô-viết, đặc nhiệm GRU còn đặt nền móng cho sự ra đời của một đơn vị đặc nhiệm nữa - đó là Lực lượng tác chiến đặc biệt Nga (SSO). Binh sĩ của lực lượng này cũng được giao thực hiện các nhiệm vụ bất cứ lúc nào và ở bất cứ đâu trên trái đất, nhưng toàn bộ hoạt động của họ được bảo mật hoàn toàn và còn lâu nữa, người ta mới có thể tiết lộ về các chiến dịch đương thời.
Theo VND