|
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) |
Trong báo cáo thường niên năm 2019 vừa công bố, CTCP VNG (VNG) cho biết đang có tổng cộng 16 khoản đầu tư vào công ty con, công ty liên kết.
Riêng khoản đầu tư của VNG vào CTCP Ti Ki (đơn vị vận hành sàn thương mại điện tử Ti Ki) tính đến cuối năm ngoái là 506,27 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ sở hữu ở mức 24,25%. Đây cũng là thương vụ đầu tư kém hiệu quả về mặt tài chính nhất của VNG khi khoản lỗ sau thuế của Ti Ki năm 2019 lên tới 1.765 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, VNG cũng có khoản đầu tư 367,44 tỷ đồng vào CTCP Zion (Zion) - doanh nghiệp sở hữu ví điện tử ZaloPay. Trong năm 2019, Zion cũng báo lỗ tới 376,9 tỷ đồng. Tính đến cuối năm ngoái, tỷ lệ sở hữu của VNG tại Zion giảm mạnh từ mức 100% xuống chỉ còn 60%.
Như VietTimes từng đề cập, nhiều khả năng Zion đã phát hành riêng lẻ cho đối tác để thực hiện tăng vốn với mức giá khoản 18.941 đồng/cổ phần. Điều này đồng nghĩa với việc đơn vị sở hữu ZaloPay được định giá gần 1.160 tỷ đồng.
Các khoản lỗ của Ti Ki và Zion phần nào phác họa thêm cuộc đua “đốt tiền” trong các lĩnh vực thương mại điện tử và thanh toán mà VNG rót vồn đầu tư suốt nhiều năm qua. Trong đó, riêng số lỗ của Zion trong năm 2019 đã gấp 3 lần số lỗ năm 2018 và 18 lần so với số lỗ năm 2017.
VNG cũng không đạt được nhiều chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh trong năm 2019. Cụ thể, doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 5.178 tỷ đồng (hoàn thành 92% kế hoạch), lợi nhuận sau thuế ở mức 454,8 tỷ đồng (hoàn thành 80% kế hoạch).
|
Cơ cấu cổ đông của VNG tính đến cuối năm 2019 (Nguồn: BCTN 2019 của VNG)
|
Kế hoạch “2332” và những con số “điên rồ” của VNG
Báo cáo thường niên năm 2019 của VNG dành những trang đầu tiên trình bày thông điệp gửi các “Starter” nhân dịp sinh nhật 15 năm công ty của Tổng Giám đốc Lê Hồng Minh. Bức “tâm thư” phần nào hé lộ thêm về những những yếu tố nền tảng cho sự thành công của doanh nghiệp này trong 5 - 10 năm tới.
Theo đó, vị CEO VNG cho biết dòng định hướng "Dùng Internet để thay đổi cuộc sống người Việt Nam" và mục tiêu "1441" (41 triệu người dùng vào năm 2014) đặt ra từ 2008 đã giúp doanh nghiệp xây dựng hàng loạt các sản phẩm thành công tiếp nối nhau, cùng với giá trị "embracing challenges" đã giúp nhiều con người VNG trưởng thành và đạt tới tầm vóc ngày hôm nay.
Thay cho định hướng "Dùng Internet để thay đổi cuộc sống người Việt Nam", VNG sẽ là một Công Ty "Kiến tạo Công nghệ và Phát triển Con Người. Vì một cuộc sống tốt đẹp hơn". (Build Technologies and Grow People. For a better life.").
Ngoài những sản phẩm công nghệ, VNG sẽ nhấn mạnh việc phát triển nguồn nhân lực, với 3 giá trị cơ bản - đón nhận thách thức, phát triển đối tác và gìn giữ chính trực.
“Chúng ta cũng mạnh dạn bỏ đi giới hạn của một thị trường Việt Nam, để hướng tới thách thức của thị trường toàn cầu” - ông Minh chia sẻ.
Theo ông Lê Hồng Minh, VNG đặt ra một khát vọng mới "2332" cho 5 năm tiếp theo. 2332 có nghĩa là lấy cột mốc năm 2023, VNG sẽ đạt 320 triệu người dùng toàn cầu, 32 triệu người dùng cho các sản phẩm mới (payment, AI), và 320 ngàn khách hàng doanh nghiệp.
“Chúng ta sẽ cố gắng hết sức và tập trung các nguồn lực để hướng tới những cột mốc này, dù chúng ta hoàn toàn có thể không chạm được tới các con số “điên rồ” đó. Nhưng đạt được (hay không) sẽ không phải là điều quan trọng nhất.
Điều quan trọng nhất, là trên chặng đường 5 năm tới (và dài hơn thế), chúng ta sẽ tiếp tục có những trải nghiệm tuyệt vời, có nhiều câu chuyện tự hào, và nhiều khoảnh khắc không thể nào quên khi cùng nhau “đón nhận thách thức” với VNG” - ông Lê Hồng Minh bày tỏ.
Kết thúc quý đầu năm 2020, VNG ghi nhận doanh thu đạt 1.302,8 tỷ đồng, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán lại có tốc độ tăng mạnh hơn, đạt mức 23,7%, khiến lợi nhuận gộp của VNG trong Quý 1/2020 chỉ đạt 573,2 tỷ đồng, giảm 9,2% so với Quý 1/2019.
Sau khi loại trừ các chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp, thuế thu nhập doanh nghiệp, VNG báo lãi sau thuế 85,5 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 145,8 tỷ đồng, giảm 5,5% so với Quý 1/2019.
Tính đến ngày 31/3/2020, quy mô tổng tài sản của VNG đạt mức 7.228 tỷ đồng, tăng 200 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, có tới 3.972 tỷ đồng là các khoản tiền và tương đương tiền, các khoản tiền gửi ngân hàng ngắn hạn, tăng nhẹ so với đầu năm 2020./.