Hé lộ mức định giá của ZaloPay

VietTimes -- Trong báo cáo tài chính Quý 4/2019 công bố gần đây, CTCP VNG (VNG) cho biết tỷ lệ sở hữu tại đơn vị vận hành nền tảng thanh toán, ví điện tử ZaloPay là CTCP Zion (Zion) đã giảm xuống chỉ còn 60%.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Tại thời điểm đầu năm ngoái, VNG ghi nhận khoản đầu tư giá trị 238,44 tỷ đồng vào Zion và sở hữu 99,99% vốn tại doanh nghiệp này. Tính đến ngày 31/12/2019, giá trị khoản đầu tư được nâng lên mức 367,44 tỷ đồng, tuy nhiên, tỷ lệ sở hữu của VNG tại Zion giảm xuống chỉ còn 60%.

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, trong năm 2019, Zion đã nhiều lần thực hiện tăng vốn. Trong đó, đợt tăng vốn đầu tiên diễn ra vào đầu năm 2019 khi Zion nâng quy mô vốn điều lệ từ 218,38 tỷ đồng lên mức 367,38 tỷ đồng.

Vào cuối tháng 7/2019, Zion tiếp tục nâng mức vốn lên 612,3 tỷ đồng. Kết hợp các số liệu trên báo cáo tài chính, có thể thấy VNG đã không tham gia vào đợt tăng vốn này của Zion.

Theo tính toán của VietTimes, số tiền mà VNG thu về từ số cổ phần đã bán cho đối tác là hơn 464 tỷ đồng, tương đương với giá mua 18.941 đồng cho mỗi cổ phần của Zion. Do đó, đơn vị quản lý ví điện tử ZaloPay được định giá gần 1.160 tỷ đồng.

Song cũng cần lưu ý rằng, tính đến cuối năm 2019, VNG đang trích lập dự phòng đầu tư tài chính dài hạn vào Zion lên tới 143,92 tỷ đồng.

Tỷ lệ sở hữu của VNG tại Zion có thể tiếp tục biến động. Bởi lẽ, vào cuối tháng 1/2020, Zion tiếp tục tăng quy mô vốn lên mức 918,46 tỷ đồng.

Giấy đăng ký kinh doanh cho thấy không có sở hữu nước ngoài tại Zion. Song lưu ý, rất nhiều các ông lớn nước ngoài vẫn âm thầm thâu tóm các nền tảng công nghệ Việt bằng cách “lách” qua các pháp nhân Việt Nam, hay nói cách khác là sử dụng thể thức “VIEs” (đọc thêm: Cách thành viên Alibaba chi phối ví điện tử eMonkey của Việt Nam)

Tỷ lệ sở hữu của VNG tại Zion giảm mạnh (Nguồn: BCTC riêng Quý 4/2019 của VNG)
Tỷ lệ sở hữu của VNG tại Zion giảm mạnh (Nguồn: BCTC riêng Quý 4/2019 của VNG)

Được biết, Zion đã được Ngân hàng Nhà nước cấp phép trung gian thanh toán vào đầu năm 2016, góp phần hoàn thiện thêm hệ sinh thái của VNG. Ví điện tử ZaloPay được hưởng lợi từ tệp khách hàng là 100 triệu người sử dụng Zalo, cùng với đó là các khách hàng mảng game của VNG.

Tận dụng được vị thế này, ZaloPay dần trở thành một trong những ví nằm trong nhóm chiếm thị phần chi phối về số lượng ví được mở, số dư, lượng giao dịch. Trong quý II/2019, ZaloPay là một trong 5 ví điện tử chiếm 95% giá trị giao dịch toàn thị trường.

Song, cuộc đua “đốt tiền” để chiếm lĩnh thị phần trong lĩnh vực thanh toán cũng khiến các đơn vị vận hành ví điện tử bị lỗ nặng. Được biết, trong năm 2017, Zion báo lỗ hơn 21 tỷ đồng. Khoản lỗ tăng lên gấp 7 lần vào năm 2018, ở mức 133,4 tỷ đồng. 

Ngoài ra, trong năm 2019, VNG đã giảm tỷ lệ sở hữu tại CTCP Ti Ki - doanh nghiệp vận hành sàn thương mại điện tử Ti Ki - từ mức 28,88% xuống chỉ còn 24,6%.

Mặt khắc, báo cáo tài chính riêng lẻ của VNG còn cho thấy, doanh nghiệp này đã triệt thoái vốn tại công ty chuyên thiết kế phần mềm có trụ sở tại Hồng Kong là All Best Asia Group Limited (ABA). Được biết, VNG đã trích lập dự phòng toàn bộ khoản đầu tư hơn 14,68 tỷ đồng vào doanh nghiệp này từ trước./.