Giảm lỗ từ công ty liên kết, VNG báo lãi ròng đạt 154,3 tỷ đồng quý I/2019, tăng 20,5% so với cùng kỳ

VietTimes -- Bên cạnh kết quả kinh doanh khá tích cực, tính đến ngày 31/3/2019, giá trị các khoản tiền gửi tại ngân hàng có kỳ hạn gốc không quá 3 tháng và có mức lãi suất dao động đến 5,5%/năm của VNG đạt 1.252 tỷ đồng, tăng gần gấp 3 lần so với đầu năm.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

CTCP VNG (VNG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2019 với kết quả lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 154,3 tỷ đồng, tăng 20,5% so với quý 1/2018.

Trong đó, VNG ghi nhận doanh thu thuần trong kỳ đạt 1.221,3 tỷ đồng, tăng 13,29% so với cùng kỳ năm 2018. Tương tự, doanh thu từ hoạt động tài chính đạt 39,9 tỷ đồng, tăng 2,2 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Ở chiều hướng ngược lại, các chi phí chiếm tỷ trọng lớn như giá vốn hàng bán, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp trong quý 1/2019 ghi nhận tổng giá trị đạt 1.047,4 tỷ đồng, tăng 16,2% so với Quý 1/2018.

Nguyên nhân giúp VNG cải thiện kết quả kinh doanh chủ yếu đến từ việc ghi nhận phần lỗ trong công ty liên kết giảm 35% so với năm trước, đạt 31,2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, phần thu nhập thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại trong kỳ đạt 16,27 tỷ đồng, tăng gần 10 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Được biết, VNG đã và đang thực hiện đầu tư vào 3 công ty liên kết là CTCP Ti Ki (lĩnh vực thương mại điện tử); All Best Asia Group Limited (viết tắt: ABA - hoạt động chính trong lĩnh vực phát triển phần mềm) và Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Truyền thông Thanh Sơn (kinh doanh thẻ trò chơi và thẻ điện thoại trả trước).

Các khoản đầu tư này đem lại kết quả kinh doanh không mấy khả quan cho VNG. Cụ thể, tính đến 31/12/2018, VNG đang ghi nhận lỗ lũy kế từ các khoản đầu tư vào công ty liên kết lên tới 470,2 tỷ đồng. Trong đó, khoản lỗ lũy kế từ CTCP Ti Ki đã lên tới 472,83 tỷ đồng.

Cũng trong giai đoạn 3 tháng đầu năm 2019, quy mô tài sản và nguồn vốn chủ sở hữu của VNG đã được cải thiện đáng kể.

Tính tới ngày 31/3/2019, quy mô tài sản của VNG đã đạt 5.557 tỷ đồng, tăng 13,9% so với đầu năm. Trong đó, giá trị các khoản tiền gửi tại ngân hàng có kỳ hạn gốc không quá 3 tháng và có mức lãi suất dao động đến 5,5%/năm của VNG đạt 1.252 tỷ đồng, tăng gần gấp 3 lần so với ngày 31/12/2018.

VNG đang có hơn 1.252 tỷ đồng gửi ngân hàng (Nguồn: VNG)
VNG đang có hơn 1.252 tỷ đồng gửi ngân hàng (Nguồn: VNG)

Tương tự, quy mô vốn chủ sở hữu của VNG tại ngày 31/3/2019 đạt 4.649 tỷ đồng, tăng trưởng 21,3% so với đầu năm 2019. Động lực chủ yếu đến từ việc ghi nhận giá trị thặng dư vốn cổ phần tăng gấp 2 lần, đạt 1.117,2 tỷ đồng.

Đây có thể là kết quả mà VNG thu về từ đợt chào bán thành công 355.820 cổ phiếu quỹ cho nhà đầu tư ngoại có nhiều mối liên hệ với Temasek Holdings (tập đoàn quản lý tài sản vốn nhà nước của Chính phủ Singapore) là quỹ đầu tư Seletar Investments Pte Ltd (Seletar Investments) trong tháng 3/2019.

Theo các tài liệu VNG công bố, Seletar Investments đã bỏ ra số tiền lên tới 662 tỷ đồng, tương đương với 1.861.800 đồng/cổ phần để thực hiện thương vụ này và đã nâng tỷ lệ sở hữu tại VNG lên mức 5,039% (tương đương 6,35% cổ phiếu có quyền biểu quyết)./.