CTCP VNG (VNG) ghi nhận kết quả kinh doanh Quý 4/2019 khởi sắc hơn so với cùng kỳ năm trước với mức lãi sau thuế 33,5 tỷ đồng trong khi Quý 4/2018 báo lỗ 44 tỷ đồng.
Doanh thu thuần Quý 4/2019 của VNG tăng 14,4% so với cùng kỳ, đạt 1.309 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận gộp chỉ đạt 510,2 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2018.
Điểm sáng giúp VNG báo lãi Quý 4/2019 đến từ nguồn doanh thu tài chính đạt 62,13 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, VNG ghi nhận phần lãi 3,1 tỷ đồng từ công ty liên kết thay vì khoản lỗ 81,8 tỷ đồng như Quý 4/2018.
Được biết, VNG hiện đang nắm giữ 24,6% quyền sở hữu và quyền biểu quyết tại CTCP Ti Ki (Ti Ki) - doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, VNG còn đang nắm giữ 49% quyền sở hữu tại Công ty TNHH Thương Mại Dịch vụ Truyền Thông Thanh Sơn.
Trong khi đó, tổng chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp trong kỳ đạt 537,8 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ.
Báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất Quý 4/2019 của VNG (Nguồn: CTCP VNG)
|
Kết quả kinh doanh tích cực quý cuối năm giúp nâng mức lãi sau thuế của VNG năm 2019 lên mức 573,17 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận của cổ đông công ty mẹ đạt 641,7 tỷ đồng, tăng 1,9 lần so với cùng kỳ.
Tính đến ngày 31/12/2019, tổng tài sản của VNG đạt 7.100,8 tỷ đồng, tăng tới 45,5% so với đầu năm.
Trong đó, lượng tiền và các khoản tương đương tiền đạt mức 1.843 tỷ đồng, tăng 1.010,6 tỷ đồng so với đầu năm. VNG còn ghi nhận hơn 2.223 tỷ đồng khoản đầu tư đến ngày đáo hạn (tăng 33,5% so với đầu năm 2019) là các khoản tiền gửi tại ngân hàng thương mại có kỳ hạn dưới 1 năm, được hưởng lãi suất dao động đến 8,4%/năm. Như vậy, tổng lượng tiền của VNG lên tới 4.066,46 tỷ đồng, chiếm 57,26% tài sản.
Lượng tiền và tương đương tiền của VNG tăng mạnh (Ảnh chụp màn hình - Nguồn: BCTC hợp nhất Quý 4/2019 của VNG)
|
Về cơ cấu nguồn vốn, quy mô vốn chủ sở hữu của VNG tăng mạnh từ mức 3.832 tỷ đồng lên mức 5.547,2 tỷ đồng (+44,75%) vào cuối năm 2019. VNG ghi nhận thặng dư vốn cổ phần tăng gấp 2 lần so với đầu năm, đạt 1.125,6 tỷ đồng.
Trong năm 2019, VNG đã bán được 355.820 cổ phần cho nhà đầu tư ngoại với mức giá lên tới 1.861.800 đồng/cổ phần. Theo tìm hiểu của VietTimes, nhiều khả năng đó là quỹ đầu tư ngoại Seletar Investments Pte Ltd (Seletar Investments).
Ngày 14/11/2019, VNG tiếp tục phát đi thông báo ngắn gọn cho thấy ông Vương Quang Khải và ông Thomas Loc Herron đã tiến hành mua vào cổ phiếu mà không tiết lộ chi tiết cụ thể.
Trong đó, ông Vương Quang Khải được biết tới là Phó Tổng Giám đốc thường trực, còn ông Thomas Loc Herron là Giám đốc Phát triển Doanh nghiệp của VNG.
Theo dữ liệu của VietTimes, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư ngoại tại VNG vào đầu tháng 9/2019 đã lên tới 48,04%. Nếu xét trên tổng số cổ phiếu đang lưu hành (sau khi trừ đi số cổ phiếu quỹ), tỷ lệ biểu quyết của nhóm nhà đầu tư ngoại tại VNG đã lên tới 66,94%./.