Thực tế ảo phát triển nhờ Trung Quốc ‘tẩy chay’ trò chơi điện tử

Công nghệ thực tế ảo phát triển mạnh tại Trung Quốc không chỉ vì các chính sách ưu đãi, mà còn nhờ nỗi lo về một thế hệ chỉ biết cắm đầu vào trò chơi điện tử của Bắc Kinh.
Một người đang thử trò chơi thực tế ảo tại một cơ sở VR ở Thượng Hải, Trung Quốc - Ảnh: AFP
Một người đang thử trò chơi thực tế ảo tại một cơ sở VR ở Thượng Hải, Trung Quốc - Ảnh: AFP

Đài Channel News Asia của Singapore ngày 8-4 đánh giá ngành công nghiệp thực tế ảo của Trung Quốc đang sôi động hơn, khi lợi nhuận tiềm năng từ các thiết bị hỗ trợ và phần mềm ngày càng nhiều. 

Hãng tư vấn Digi-Capital tại Thung lũng Silicon nhận định "tăng trưởng tại Trung Quốc trong 5 năm tới sẽ dần thống thị công nghệ thực tế ảo và tương tác thực tế ảo (AR/VR) về lâu dài". 

Digi-Capital cho rằng cứ 5 USD Trung Quốc chi ra, họ sẽ thu về 1 USD trên thị trường thực tế ảo toàn cầu, cho đến năm 2022.

Thị trường tại đây được dự đoán sẽ tăng trưởng gấp 13 lần kể từ 2016 đến 2021, đạt giá trị khoảng 782 triệu USD, theo một báo cáo từ iResearch và Greenlight Insights.

Một trong những lí do chính cho xu hướng phát triển mạnh của VR tại Trung Quốc xuất phát từ chính sách của Bắc Kinh, theo Channel News Asia.

Hiện nay, hàng chục ngàn người Trung Quốc đang dần trở nên nghiện game. Điều này khiến Trung Quốc lo lắng rằng thế hệ tiếp theo của họ sẽ là một thế hệ chỉ biết cắm đầu vào các loại trò chơi điện tử.

Bắc Kinh đã ban hành các biện pháp siết chặt số lượng game mới được phát hành, cũng như giới hạn lại thời gian chơi.

Thực tế ảo phát triển nhờ Trung Quốc ‘tẩy chay’ trò chơi điện tử - Ảnh 2.

Người tham quan thử thiết bị thực tế ảo tại Hội nghị Công nghệ Thế giới do Baidu tổ chức tại Bắc Kinh, năm 2017 - Ảnh: AFP

Các biện pháp trên không khỏi khiến ngành công nghiệp game Trung Quốc mất hàng tỉ USD giá trị thị trường. Ngay cả những ông lớn đầu ngành như Tencent cũng phải chịu thiệt hại.

Thế nhưng cùng lúc đó, chính phủ Trung Quốc lại làm tất cả mọi thứ để biến nước này thành quốc gia dẫn đầu các công nghệ mới, trong đó có trí tuệ nhân tạo và phương tiện tự hành.

Vì vậy công nghệ VR nghiễm nhiên nằm trong nhóm những công nghệ quan trọng, hưởng đặc ân từ những chính sách ưu tiên.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng những hãng lớn sẽ không vội vã nhảy vào mảng game thực tế ảo, cho đến khi thị trường này đạt đến một tỉ trọng nhất định.

Thay vào đó, các công ty như Tencent, Alibaba hay Baidu đang đổ tiền phát triển công nghệ VR cho những lĩnh vực khác, như mua sắm trực tuyến hay các hoạt động giải trí. Tất cả những mảng này sẽ dần dẫn tới sự đột phá trong lĩnh vực game.

Hiện tại, một số thành phố tại Trung Quốc đã tự tuyên bố trở thành vườn ươm cho hoạt động nghiên cứu, sản xuất, giảng dạy và nhiều khía cạnh khác về công nghệ thực tế ảo.

Các báo cáo từ Trung Quốc cho thấy những trung tâm này đang thu hút được sự chú ý của giới đầu tư.

Điển hình là Seekers VR, một doanh nghiệp có trụ sở tại thành phố Ôn Châu, Chiết Giang, đang sở hữu chuỗi nhượng quyền với hơn 200 chi nhánh tại 70 thành phố trên khắp Trung Quốc.

Seeker VR thậm chí đang hợp tác với chính quyền thành phố Ôn Châu, nhằm xây dựng một trường đại học chuyên đào tạo công nghệ thực tế ảo, cũng như ứng dụng công nghệ này vào giảng dạy.

Theo Tuổi Trẻ

https://congnghe.tuoitre.vn/thuc-te-ao-phat-trien-nho-trung-quoc-tay-chay-tro-choi-dien-tu-20190408093220452.htm