Thủ tướng Israel trở thành nạn nhân của fake news do AI tạo ra

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Từ một thông tin giả mạo được AI sản sinh, câu chuyện không có thật về "bác sĩ tâm thần" của Thủ tướng Israel nhanh chóng lan rộng.

Câu chuyện bịa địa "Bác sĩ tâm thần của Thủ tướng Israel tự sát" vẫn đứng đầu danh sách tin tức phổ biến được nêu bật trên Global Village Space, một trang truyền thông kỹ thuật số của Pakistan, sau khi nó gây chú ý trên mạng vào tháng 11 năm ngoái.

Thời điểm tin tức này xuất hiện, nhiều người dùng mạng xã hội chia sẻ ảnh chụp màn hình với dòng tiêu đề có nội dung: “Bác sĩ tâm thần của Thủ tướng Israel tự sát”. Những bài viết này đã nhận được hàng chục nghìn lượt thích và chia sẻ trên Instagram và X (trước đây gọi là Twitter).

Tiêu đề bài viết được lấy từ một website của Pakistan và đề ngày 6/11/2023, nhưng phần nội dung lặp lại một bài đăng có tiêu đề tương tự có từ năm 2010 trên một blog có tên Legalienate. Blog này tự nhận là chuyên chia sẻ tin tức, bình luận và châm biếm.

Tác giả của bài đăng trên blog là Michael K. Smith sau đó đã xác nhận với AP qua email rằng bài viết chỉ nhằm mục đích châm biếm. Smith viết: “Mục đích của nó là thu hút sự chú ý của mọi người vào sự điên rồ vô vọng trong chính sách của Israel theo cách giải trí”.

Thực tế, thông tin này được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo (AI) và bắt nguồn từ một trong số hàng trăm website mà các nhà nghiên cứu từng lên tiếng cảnh báo là chuyên tung ra các thông tin giả (fake news) dựa trên công nghệ.

Các website tuyên truyền dạng này trước đây thường dựa vào đội ngũ con người, nhưng các công cụ AI tạo sinh (generative AI) hiện giờ đã tạo ra một phương thức rẻ và nhanh hơn đáng kể để tạo ra nội dung. Và những nội dung này thường rất khó để xác nhận tính xác thực.

Hàng trăm website được hỗ trợ bởi AI chuyên bắt chước các hãng tin chính thống đã xuất hiện những tháng gần đây, gây ra sự bùng nổ của các thông tin sai lệch. Những thông tin này nói về mọi thứ, từ chiến tranh cho đến các chính trị gia. Các nhà nghiên cứu cho rằng tình hình hiện nay làm gióng lên hồi chuông cảnh báo vì 2024 là diễn ra nhiều cuộc bầu cử quan trọng trên thế giới.

285405-9557.jpg
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu được nhắc đến trong fake news được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo. (Ảnh: Getty)

Theo phân tích của NewsGuard, một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Mỹ chuyên theo dõi thông tin sai lệch, một "phần đáng kể" nội dung của website, bao gồm cả bài viết này, dường như được lấy từ các nguồn bằng công cụ AI.

Sau khi quét website này để tìm các thông báo lỗi cụ thể đối với nội dung do chatbot AI tạo ra, NewsGuard cho biết họ đã tìm thấy những điểm tương đồng đáng kể giữa câu chuyện về "bác sĩ tâm thần" với một bài báo hư cấu năm 2010 trên một website châm biếm.

Nhà phân tích McKenzie Sadeghi của NewsGuard cho biết khi cô viết lệnh cho ChatGPT viết lại bài báo gốc để phục vụ cho độc giả nói chung, kết quả sinh ra "rất giống" với bài viết trên Global Village Space.

“Sự tăng trưởng theo cấp số nhân của các nguồn thông tin và tin tức do AI tạo ra là điều đáng báo động, bởi những website này có thể được người dùng bình thường coi là nguồn thông tin hợp pháp, đáng tin cậy”, Sadeghi cho biết.

Nhằm thu hút sự chú ý, tăng doanh thu quảng cáo

Thông tin bịa đặt nêu trên xuất hiện trong bối cảnh Israel đang lao vào cuộc chiến với nhóm Hamas ở Dải Gaza. Bài viết này được đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội bằng nhiều ngôn ngữ, bao gồm tiếng Arab, tiếng Farsi và tiếng Pháp.

Một số website thậm chí còn đăng cáo phó của vị "bác sĩ tâm thần" không có thật của Thủ tướng Israel.

Thông tin giả mạo này cũng xuất hiện trên một chương trình truyền hình ở Iran, quốc gia được xem là "không đội trời chung" với Israel. Trong chương trình này, người dẫn chương trình đã hướng dẫn người xem lên đọc toàn bộ bài viết trên Global Village Space.

Sau khi hứng phải nhiều lời chỉ trích, website Global Village Space đã dán nhãn bài báo này là “châm biếm” và không đưa ra bình luận nào khác.

Một số nhà phân tích cho rằng thông tin giả mạo này được nhiều người phát tán rộng trên mạng nhằm mục đích gây ảnh hưởng tới hình ảnh của Thủ tướng Netanyahu trong bối cảnh cuộc chiến với Hamas đang diễn ra. Cho đến nay, phía chính quyền Thủ tướng Israel vẫn chưa đưa ra bình luận nào về vụ việc này.

04ov5vgdubwtuciu03wndl5-1v1697381369-1732.jpg
Những nội dung có thông tin sai lệch được tạo ra bởi AI xuất hiện ngày càng nhiều (Ảnh: Getty)

“Thông tin sai lệch được tạo ra một cách tự động có thể sẽ là một phần quan trọng của cuộc bầu cử năm 2024”, giáo sư Gary Marcus đến từ ĐH New York nói và cho biết: "Những kẻ lừa đảo ngày càng sử dụng AI tạo sinh nhiều hơn".

Website chứa nội dung do AI sản sinh như DC Weekly giúp "tạo ra một loại ngụy trang" để tăng độ tin cậy cho những câu chuyện sai sự thật do con người viết ra. Các nhà nghiên cứu cho biết các website dạng này đã cho nhiều người thấy rõ tiềm năng của các công cụ AI – những chatbot thậm chí còn mạnh mẽ hơn cả công cụ tạo ảnh và nhân bản giọng nói - để tăng cường thông tin sai lệch. Những thông tin giả mạo này cũng làm xói mòn niềm tin của người dân đối với các phương tiện truyền thông truyền thống.

Những nội dung phân cực của những website này có thể gây ra tình trạng hỗn loạn và ảnh hưởng đến niềm tin chính trị. Tất cả đều nhằm mục đích thu hút sự chú ý và tăng doanh thu quảng cáo.

Các nhà nghiên cứu cho biết, mô hình doanh thu của nhiều website này là quảng cáo có lập trình, có nghĩa rằng các thương hiệu hàng đầu có thể vô tình tài trợ cho chúng, trong khi chính phủ có thể khó kiểm soát vì sợ vi phạm các biện pháp bảo vệ quyền tự do ngôn luận.

Theo Japan Times