Phát biểu tại buổi lễ trao bằng ở đại học Phnom Penh, người đứng đầu chính phủ Campuchia nhấn mạnh: «Đừng đe dọa tôi bằng những cuộc biểu tình. Đây không phải là lời cảnh báo mà tôi gửi đến các vị mà còn hơn thế nữa. Lệnh thanh trừng tất cả những ai muốn phá hoại an ninh và ổn định xã hội đã được ban hành». Đồng thời, ông Hun Sen cũng yêu cầu cộng đồng quốc tế không can thiệp vào nội tình Campuchia.
Theo AFP, trong một bản tuyên bố chung được công bố vào tuần trước, 36 nước, trong đó có 28 thành viên Liên hiệp châu Âu và Mỹ đã tỏ ra «vô cùng quan ngại» trước tình hình căng thẳng leo thang tại Campuchia. Các nước này cũng kêu gọi Phnom Penh tiến hành đối thoại chính trị.
Bầu không khí chính trị tại Campuchia trở nên rất căng thẳng trong những tháng gần đây: Nhiều nhà đối lập phải xin tị nạn chính trị ở nước ngoài để tránh bị truy tố, một nhà bình luận chỉ trích chính phủ bị sát hại.
Sự kiện gần đây nhất, ngày 9/9/2016, Kem Sokha, một lãnh đạo đối lập tại Campuchia, bị kết án 5 tháng tù trong một vụ án được đánh giá là hoàn toàn mang tính chính trị. Từ nhiều tháng nay, nhà đối lập này trốn tại trụ sở đảng Cứu Nguy Dân Tộc (CNRP) của ông để tránh bị bắt. Từ đó, phe đối lập đe dọa tập hợp người ủng hộ để biểu tình phản đối, trong trường hợp nhà cầm quyền bắt giữ ông Kem Sokha.
Tổ chức Quan sát Nhân quyền (HRW) cho rằng thủ tướng Hun Sen «sử dụng mọi biện pháp có thể để vô hiệu hóa phe đối lập». Vẫn theo tổ chức phi chính phủ này, hai nghị sĩ thuộc phe đối lập hiện bị cầm tù và ít nhất 10 người khác đang bị truy tố. Năm 2017, Campuchia sẽ tổ chức bầu cử địa phương trước khi tiến hành bầu cử Quốc hội năm 2018.