Thứ trưởng Bộ GD&ĐT chỉ ra 4 điểm mới cơ bản của việc xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Năm 2023, Bộ GD&ĐT đã tích hợp vào hệ thống hỗ trợ tuyển sinh các nguồn dữ liệu phục vụ xét tuyển từ kết quả thi THPT đến kết quả học tập THPT, dữ liệu thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy của các trường đại học,...

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn.

Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hoàng Minh Sơn cung cấp tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2023, diễn ra chiều nay, 5/8.

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, năm nay, việc tổ chức đăng ký xét tuyển vào đại học có một số điểm mới trên cơ sở những thuận lợi, khó khăn đã rút kinh nghiệm từ năm 2022.

Thứ trưởng chỉ ra, thuận lợi thứ nhất là năm 2022, Bộ GD&ĐT đã có một số đổi mới, trong đó tập trung các phương thức xét tuyển trên cùng hệ thống cho thí sinh thực hiện tất cả quy trình trong tuyển sinh, từ đăng ký nguyện vọng tới nộp lệ phí, xác nhận nhập học, đều là trực tuyến.

Năm nay Bộ GD&ĐT không điều chỉnh quy chế tuyển sinh mà chỉ sửa đổi một số phần kỹ thuật để hỗ trợ tốt hơn cho thí sinh.

Mặc dù có một số khó khăn trong quá trình thực hiện nhưng cơ bản là thành công, được các thí sinh, các trường đại học và xã hội đánh giá cao.

Một số điểm mới quan trọng được Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đưa ra: Thực hiện chủ trương chuyển đổi số, năm 2023 Bộ GD&ĐT tích hợp vào hệ thống hỗ trợ tuyển sinh các nguồn dữ liệu phục vụ xét tuyển từ kết quả thi THPT đến kết quả học tập THPT, học bạ, dữ liệu thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy của các trường đại học, 2 Đại học Quốc gia, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Sư phạm, các trường năng khiếu... tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh xét tuyển vào các trường đại học.

Điểm mới thứ hai là việc xác nhận kết quả thi, điều kiện ưu tiên, đối tượng ưu tiên năm nay cũng dựa trên dữ liệu kết nối với Dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an. Thí sinh năm nay không phải đi xin các xác nhận của các địa phương mà có thể xem trực tiếp trên Dữ liệu quốc gia về dân cư và các địa phương cũng sẽ duyệt các khu vực ưu tiên, đối tượng ưu tiên trên đó.

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, điểm mới thứ ba và quan trọng nhất là năm nay, thí sinh không phải lựa chọn phương thức xét tuyển. Điểm này năm ngoái có một số khó khăn là các em nhầm lẫn khi chọn 1 ngành mà trường đưa ra nhiều phương thức xét tuyển khác nhau, hay nhiều tổ hợp xét tuyển. Năm nay Bộ đã lắng nghe ý kiến phản hồi và để các em chỉ chọn ngành, chọn trường.

Điểm mới thứ tư là năm nay, Bộ cũng phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các kênh thanh toán, các ngân hàng để rà soát hệ thống, chuẩn bị kênh thanh toán lệ phí trực tuyến. Cho đến nay các kênh thanh toán này hoạt động thông suốt, không gặp lỗi như năm 2022. Đến 15h chiều hôm nay (5/8), 91% thí sinh đã hoàn thành lệ phí.

Đó là các điểm mới cơ bản. Chủ yếu là công việc nhiều vì chúng ta dành phần thuận lợi cho thí sinh, dành phần khó khăn về phía các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là việc chuyển vào phần mềm trên Hệ thống chuyển đổi số sẽ mất nhiều công sức để nâng cấp, chỉnh sửa phần mềm.

"Mặc dù cố gắng nỗ lực rất nhiều, nhưng năm nào cũng thế, điểm mới là so sánh năm nay với năm ngoái, còn với thí sinh thì tất cả đều mới cả. Vì 1 triệu thí sinh năm nay đều là mới và vẫn còn một số em sai sót không hoàn thiện được quá trình đăng ký, sẽ được chúng tôi đang và sẽ tiếp tục hỗ trợ. Việc đăng ký nguyện vọng rất quan trọng và buộc các em phải thực hiện rất cẩn thận vì gắn với quyền lợi của các em." - đại diện Bộ GD&ĐT nói.

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, cho đến nay mọi thứ diễn ra thuận lợi. Sau vài ngày nữa, Bộ sẽ cập nhật dữ liệu để các trường cùng với Bộ tổ chức xét tuyển, công bố kết quả, chậm nhất là 22/8./.