Cựu vận động viên xe đạp địa hình Nguyễn Thị Thanh Huyền cùng hai người bạn vừa bắt đầu chuyến hành trình xuyên Việt 1.800 km để gặp gỡ các đại biểu đã tham dự Diễn đàn Thanh toán Điện tử Việt Nam vừa diễn ra tại Hà Nội đầu tháng 11/2017 với thông điệp về một nền kinh tế không tiền mặt. Nhóm hành trình chỉ mang trong người một số ít đô la Mỹ cùng thẻ thanh toán khoảng 5 triệu đồng/người và rất tin tưởng, chuyến đi sẽ thành công trong những chi tiêu của mình.
Theo cựu vận động viên này, tại nhiều nước, người dân đã có thể đi chợ mua rau mà không cần dùng tiền mặt, rất nhanh gọn. Thanh toán điện tử mang lại quá nhiều lợi ích, giúp nền kinh tế trong sạch và chống tham nhũng. Và điều này cần được mọi người dân cả nước Việt Nam biết đến.
Thực tế là ở Việt Nam lượng thẻ thanh toán đã phát hành trên toàn quốc là 99,5 triệu thẻ tính đến cuối năm 2015, vượt tổng dân số 92 triệu người. Mặc dù chưa có thống kê chính thức, song có lẽ số lượng cơ quan, doanh nghiệp đang trả lương cho nhân viên qua tài khoản cũng chiếm một số lượng rất đông đảo. Tuy nhiên, tuyệt đại đa số người dân mới chỉ biết đến việc ra các máy ATM để rút tiền mặt để chi tiêu chứ ít ai quan tâm, để ý đến việc có thể mua bán bằng thẻ tại các siêu thị hay thanh toán dịch vụ tại các nhà hàng, khách sạn. Và với thực tế như vậy thì nền kinh tế chi tiêu tiền mặt vẫn là chủ yếu mặc dù các dịch vụ thanh toán bằng thẻ cũng đã tương đối phổ biến.
Chính vì thế, các hoạt động tuyên truyền, cổ vũ cho việc chi tiêu qua thẻ như cựu vận động viên Nguyễn Thị Thanh Huyền đã và đang tiến hành là rất đáng hoan nghênh. Vì thế, nên chăng Ngân hàng Nhà nước cùng các ngân hàng thương mại cần có những động thái và giải thưởng động viên họ. Bên cạnh đó, các phương tiện thông tin đại chúng cũng cần tích cực tuyên truyền về tính năng, tác dụng của thẻ thanh toán trong cuộc sống hàng ngày. Nếu làm được như vậy, thẻ thanh toán mới thực sự phát huy được tác dụng. Đồng thời, việc kiểm soát thu thuế của Nhà nước cũng thuận lợi và có hiệu quả hơn.