Đó là nhận định mà Thomas L. Friedman – tác giả cuốn “Thế giới phẳng” và “Chiếc Lexus và Cây Ô liu” – đưa ra trong một bài viết đăng tải trên tờ New York Times.
Theo Friedman, nếu ông Joe Biden đắc cử Tổng thống Mỹ, thách thức chính sách ngoại giao lớn nhất đối với ông sẽ là Trung Quốc – nhưng không phải Trung Quốc mà ông đã từng đối diện dưới thời Tổng thống Barack Obama. Đó sẽ là một nước Trung Quốc hung hăng hơn, một Trung Quốc đang tìm cách đập tan sự thống trị về công nghiệp của Mỹ, làm suy yếu nền dân chủ ở Hong Kong và đánh cắp dữ liệu cá nhân trên không gian mạng.
Để đối phó với một Trung Quốc như vậy – trong khi không làm đổ vỡ hệ thống thương mại toàn cầu – đòi hỏi phải đảo ngược một trong số những sai lầm lớn nhất của Tổng thống Donald Trump, đó là thất bại trong việc xây dựng quan hệ đối tác với Đức để chống lại Bắc Kinh; theo quan điểm của Friedman.
Cuộc Chiến tranh Lạnh trước đây đặt trọng tâm ở Berlin. Và cuộc Chiến tranh Lạnh đang dần hình thành giữa Mỹ với Trung Quốc – liên quan tới thương mại, công nghệ và tầm ảnh hưởng toàn cầu – thành hay bại đều nằm ở Berlin.
Khi Berlin nhập cuộc, nước Đức nhập cuộc, và khi Đức nhập cuộc, cả EU – thị trường đơn lớn nhất thế giới – cũng nhập cuộc. Và nước nào – dù Mỹ hay Trung Quốc – có khả năng kéo EU về phía mình trong cuộc cạnh tranh này sẽ giành chiến thắng và là bên đặt ra các quy định cho thương mại số toàn cầu trong thế kỷ 21.
“Lý do mà Mỹ ở bên thắng cuộc trong 3 cuộc xung đột lớn trong thế kỷ 20 – gồm Thế chiến I, Thế chiến II và Chiến tranh Lạnh – chính là vì họ ở trong liên minh mạnh mẽ nhất. Liên minh Thế chiến I chúng ta đã gia nhập muộn. Đến Thế chiến II, chúng ta gia nhập liên minh đỡ muộn hơn. Và trong Chiến tranh Lạnh, chúng ta tổ chức liên minh. Và đó nên là mô hình để đối phó với Trung Quốc” – Michael Mandelbaum, tác giả của cuốn “Sự trỗi dậy và sụp đổ của hòa bình trên Trái đất” (The Rise and Fall of Peace on Earth), nhận định.
Theo Friedman, nếu Mỹ muốn tạo nên một câu chuyện về nước Mỹ đơn độc đối phó Trung Quốc – với mục tiêu là giúp nước Mỹ, chỉ riêng nước mỹ, vĩ đại trở lại – họ sẽ thất bại. Còn nếu muốn tạo nên một câu chuyện về toàn thế giới đối đầu với Trung Quốc trong lĩnh vực quyền và các quy định công bằng trong thương mại của thế kỷ 21 – họ có thể lái Bắc Kinh theo hướng mà họ muốn.
Ông Trump đã áp đặt hàng rào thuế hàng tỷ USD đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc – và buộc các nông hộ Mỹ phải gánh chịu đòn trả đũa của Trung Quốc khi nước này giảm lượng mua hàng nông sản Mỹ - chỉ để bắt ép Trung Quốc cam kết mua thêm hàng hóa Mỹ. Nhưng ông vẫn không thể đảm bảo được một nền kinh tế Trung Quốc cởi mở để hướng đến thương mại đôi bên thực sự cùng có lợi.
Như tờ New York Times đã đăng tải hồi đầu tuần này, “Kể từ khi ký thỏa thuận, Trung Quốc đã có những bước đi nhằm mở cửa các thị trường của họ đối với ngân hàng và nông dân Mỹ, nhưng lượng mua sản phẩm Mỹ của họ lại bị tụt xa” – hơn 50% - “so với lời cam kết mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa Mỹ vào thời điểm cuối năm sau”.
Ông Trump áp dụng cách tiếp cận cứng rắn với Trung Quốc hơn bất kỳ vị Tổng thống Mỹ nào trước đây. Friedman cũng kể về một người bạn của ông đang làm ăn tại Trung Quốc, người nói rằng: “Ông Trump không phải vị Tổng thống Mỹ mà nước Mỹ đáng có, nhưng ông ấy là vị Tổng thống Mỹ mà Trung Quốc đáng có”.
Friedman nói rằng ông không muốn sử dụng cụm từ “Trung Quốc”, mà muốn nói đến “1,3 tỷ người dân nói tiếng Trung”. Bởi theo ông, hành vi của 1,3 tỷ người nói tiếng Trung này – với nền kinh tế tăng trưởng hết sức năng động – không dễ bị thay đổi bởi 328 triệu người Mỹ đang hoạt động theo chiến lược “Nước Mỹ trên hết, Nước Mỹ đơn độc” của ông Trump.
Thay vì chăm chút cho quan hệ đồng minh với Đức và kéo EU về phía mình, ông Trump lại muốn đơn độc đối phó với Trung Quốc (Ảnh: CNBC)
|
Bởi vậy mà theo Friedman, việc ông Trump đơn độc đối phó Trung Quốc, chỉ trích Đức về vấn đề mức đóng góp cho NATO, áp thuế xe hơi với EU là một sai lầm lớn. Thay vào đó, ông Trump đáng lẽ ra nên ưu tiên tạo quan hệ đối tác tốt đẹp với Thủ tướng Đức Angela Merkel – người còn được mệnh danh là “Thủ tướng của châu Âu”, và cũng rất quan ngại về hành vi bắt nạt của Trung Quốc không khác gì Mỹ.
Theo Friedman, Đức có lực lượng quân đội nhỏ, nhưng họ lại là một siêu cường chế tạo và chắc chắn sẽ là một đồng minh chủ chốt trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.
“Chúng ta cùng chia sẻ quan ngại về Trung Quốc, nhưng tại sao ông Trump lại chưa từng cố thử nêu những quan ngại đó ra với các đồng minh châu Âu?” – một nhà ngoại giao kỳ cựu của Đức từng đặt câu hỏi với Friedman.
Và giờ, ông Trump cũng đang trừng phạt Đức bằng cách rút bớt lực lượng binh sĩ Mỹ đồn trú ở nước này. Hậu quả là gì? Hãng nghiên cứu Pew Research báo cáo trong tháng 5 vừa qua rằng trong năm 2019, Đức ưu tiên tạo dựng quan hệ với Mỹ hơn là với Trung Quốc, với tỷ lệ lần lượt là 50% và 24%. Ngày nay, 37% người Đức muốn tạo dựng quan hệ tốt với Mỹ, và 36% muốn quan hệ tốt với Trung Quốc.
Hãy làm phép tính: Khi nhậm chức, ông Trump đã xé tan thỏa thuận Đối tác xuyên Thái Bình Dương vốn đưa ra các quy định về thương mại tự do trong thế kỷ 21 rất phù hợp với các lợi ích của mỹ và được sự ủng hộ của 12 nền kinh tế lớn nhất ở Thái Bình Dương – trừ Trung Quốc. Và giờ ông lại làm suy yếu mối quan hệ với Đức.
Và rồi giữa tất cả điều đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo lại đưa ra một bài phát biểu nói rằng “việc đảm bảo sự tự do của chúng ta trước Trung Quốc là nhiệm vụ trong thời kỳ của chúng tôi”, bởi vậy đây cũng là lúc để “tọ nhóm các quốc gia có chung ý chí, một liên minh mới giữa các nền dân chủ” để đối phó với Trung Quốc.
“Nếu thế giới tự do không thay đổi” – ông Pompeo nói thêm – “Trung Quốc chắc chắn sẽ làm thay đổi chúng ta”.
Friedman nói rằng bài phát biểu của ông Pompeo đã khiến ông “cạn lời”. Theo ông, rất khó để có một khối đồng minh mà chả có đồng minh nào trong đó. Mà nếu như kiềm chế Trung Quốc thực sự là “sứ mệnh trong thời kỳ của chúng ta”, thì đáng lẽ ra chính quyền Trump không nên phàn nàn về chi tiêu quốc phòng mà Đức đóng góp, và nên kéo toàn EU về phía mình.
Theo Friedman, thực chất là các nước EU rất lo lắng bị đứng giữa làn đạn trong cuộc đối đầu Mỹ-Trung – hoặc việc phải lựa chọn giữa hệ sinh thái của Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, năm ngoái, EU đã gọi Trung Quốc là “đối thủ hệ thống” – do lo ngại trước việc Trung Quốc cố gắng gây chia rẽ và lôi kéo khu vực Đông Âu về phía mình.
Friedman cho rằng điều mà Trung Quốc sợ nhất lại chính là điều mà ông Trump khước từ - đó là một liên minh đoàn kết trong đó bao gồm Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương, Mỹ và EU.
Nhà kinh tế học Tyler Cowen từng bình luận với Bloomberg View rằng: Những người có quan điểm diều hâu với Trung Quốc trong chính quyền Trump “đã đúng về mọi thứ, chỉ trừ cách đối phó với Trung Quốc”.
Nước cờ chiến lược vĩ đại nhất trong thời điểm này chính là xây dựng khối đồng minh giữa Mỹ và Đức để đối trọng Trung Quốc; theo nhận định của Friedman.
Theo New York Times