Cách đây gần 1 năm, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một thỏa thuận thiết lập vùng phi quân sự (còn gọi là vùng đệm), dọn đường cho quân đội Syria mở chiến dịch tấn công Idlib - khu vực bị phiến quân cùng nhiều băng nhóm nổi dậy thống trị, cùng với 2 triệu thường dân.
Thế nhưng, trong vài tuần gần đây, tình trạng bạo lực tại tỉnh này gia tăng đột biến. Trong bối cảnh chiến sự căng thẳng, một đoàn xe của Thổ Nhĩ Kỳ, bất chấp nhiều cảnh báo từ Syria, đã băng qua biên giới và bị trúng đòn không kích, khiến 3 thường dân thiệt mạng và 12 người khác bị thương - theo Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ.
"Chúng tôi cực lực lên án vụ tấn công đã đi ngược lại các thỏa thuận hiện hữu, các vòng đối thoại và hợp tác với Liên bang Nga. Chúng tôi mong rằng các biện pháp cần thiết sẽ được đưa ra để ngăn chặn những vụ việc kiểu này tái diễn" - Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ nói trong một tuyên bố, nói rằng Moscow đã được họ thông báo trước về đoàn xe này.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Syria lại tuyên bố rằng đoàn xe này "chất đầy vũ khí và đạn dược" nhằm "viện trợ cho những kẻ khủng bố thất bại của Nusra Front" - một nhánh của al-Qaeda giờ có tên là Jabhat Fateh al-Sham - ở Khan Sheikhoun, thành phố mới được lực lượng chính phủ tái chiếm. Bộ này nói rằng "chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về hậu quả xuất phát từ hành động vi phạm chủ quyền, sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Cộng hòa Arab Syria" của họ.
Thổ Nhĩ Kỳ từng đóng vai trò tiên phong trong làn sóng nổi dậy đe dọa tới Tổng thống Syria Bashar al-Assad, khi ủng hộ các nhóm nổi dậy người Hồi giáo dòng Sunni hòng lật đổ chính quyền Assad - người bị Mỹ cáo buộc là phạm nhiều tội ác chiến tranh. Iran - một đồng minh thân cận của ông Assad - thời điểm đó bắt đầu điều các lực lượng bán quân sự tới tiếp viện cho quân đội Syria.
Diện mạo của cuộc xung đột bắt đầu có sự thay đổi lớn kể từ khi Nga can thiệp. Ankara đã phải ngồi vào bàn đàm phán ba bên cùng với 2 đồng minh của ông Assad sau khi phe đối lập ở Syria mất đi nhiều phần lãnh thổ và sự hỗ trợ từ Mỹ. Cũng trong khoảng thời gian này, Lầu Năm Góc chính thức kết nạp đồng minh mới là một nhóm vũ trang người Kurd có tên Lực lượng Dân chủ Syria (SDF). Hành động này khiến Ankara phẫn nộ bởi SDF có quan hệ mật thiết với đảng Lao động người Kurd (PKK), bị Ankara coi như một tổ chức khủng bố.
Lực lượng SDF mà Mỹ hậu thuẫn ở tỉnh Deir Ezzor, miền Đông Syria (Ảnh: AFP)
|
Sau khi lực lượng phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng phần lớn bị đánh bại nhờ các chiến dịch truy kích của chính phủ Syria và chiến dịch mà Mỹ dẫn đầu, cuộc tranh giành lợi ích địa chính của các thế lực nước ngoài trở thành đề tài chính ở Syria. Mỹ và Nga đưa ra hai đường hướng phát triển khác nhau cho Syria, Ankara bỗng chốc bị mắc kẹt ở giữa nhưng cũng cố gắng thúc đẩy các lợi ích địa chính của mình.
Thỏa thuận mà ông Erdogan ký kết với ông Putin hồi năm ngoái đã giúp cho Ankara tạm thời ngăn chặn được kế hoạch tái chiếm Idlib của chính phủ Syria - một chiến dịch mà Tổng thống Mỹ Donald Trump từng đe dọa sẽ ngăn chặn bằng vũ lực. Tuy nhiên, Ankara vẫn duy trì các hoạt động chiến đấu bên trong các vùng đệm, và các đòn không kích mà Nga thực hiện ở tỉnh Idlib dần dà làm giảm kỳ vọng về một thỏa thuận hòa bình vĩnh cửu tại đây. Một số phe phái chống chính phủ ở Idlib còn âm mưu tấn công căn cứ Hamaymim mà Nga đang tiếp quản ở tỉnh Latakia.
Hôm đầu tuần này, Tổng thống Putin khẳng định rằng ông và chính quyền Moscow tiếp tục "ủng hộ các nỗ lực của quân đội Syria trong việc thực hiện các chiến dịch ở địa phương nhằm vô hiệu hóa những mối đe dọa khủng bố".
"Tôi muốn nhắc các bạn rằng không có ai từng nói rằng những kẻ khủng bố có cơ hội tập trung ở Idlib và thoải mái hoạt động ở đó" - ông Putin nói sau khi đón tiếp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ở Moscow - "Ngược lại, cuộc chiến chống khủng bố sẽ tiếp tục".
Ở khu vực phía Bắc Syria, Thổ Nhĩ Kỳ cũng chật vật trong việc tìm kiếm lợi ích của mình khi phải đối mặt với một thế lực lớn khác - Mỹ. Những kẻ nổi dậy từng được CIA hậu thuẫn, và giờ được bảo trợ bởi Thổ Nhĩ Kỳ, thỉnh thoảng xung đột với SDF mà Lầu Năm Góc hỗ trợ. Các nhóm nổi dậy mà Ankara hậu thuẫn từng bị quét khỏi khu vực phía Bắc Aleppo, tỉnh Afrin hồi đầu năm ngoái, và kể từ đó luôn hứng các đòn tấn công ở khu vực Đông Bắc Syria, nơi mà quân đội Mỹ hoạt động.
Tổng thống Trump từng tuyên bố kế hoạch rút quân khỏi Syria vào tháng 12 năm ngoái, tuy nhiên do lo ngại về khả năng xung đột xảy ra giữa các lực lượng mà Mỹ và Ankara hậu thuẫn nên đến nay hai nước này chưa thể đạt được thỏa thuận. Hồi đầu tháng này, ngay sau khi quan hệ Mỹ-Thổ một lần nữa trở nên căng thẳng do Ankara mua hệ thống S-400 của Nga, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã tới Ankara để bàn về kế hoạch thiết lập "các vùng an toàn" ở miền Bắc Syria.
Trong lúc mà ông Erdogan đe dọa sẽ mở cuộc xâm lược nhằm vào Syria, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng các vòng đàm phán Mỹ-Thổ "đã đạt bước tiến" trong việc thực thi một dự án mà ông coi là "bước tiến lớn hướng tới hòa bình và an ninh". Tuy nhiên, kế hoạch này vấp phải sự chỉ trích của Nga và bị chính phủ Syria, Iran thẳng thừng bác bỏ.