Sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay chiến đấu Nga hôm 24/11, Nga cho thấy không có dấu hiệu muốn dừng lại các hoạt động quân sự gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria.
Theo Business Insider, khi Nga liên tiếp có những động thái răn đe như triển khai hệ thống tên lửa đất đối không S-400 và trang bị tên lửa không đối không cho Su-34, Thổ Nhĩ Kỳ có thể coi việc Nga tăng cường sức mạnh gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria là mối đe dọa nghiêm trọng và dùng đến át chủ bài giá trị nhất của mình: các eo biển Thổ Nhĩ Kỳ.
Gồm eo biển Dardanelles, biển Marmara và eo biển Bosporus, đây là một loạt các tuyến đường thủy ở Thổ Nhĩ Kỳ nối Biển Đen với biển Aegean và Địa Trung Hải.
Thổ Nhĩ Kỳ có toàn quyền kiểm soát eo biển Dardanelles và Bosporus theo Công ước Montreux năm 1936. Ankara đóng vai trò là bên trông coi eo biển và sắp xếp các chuyến đi qua của tàu hải quân các nước Biển Đen.
Theo Công ước Montreux, Nga có quyền đi qua các eo biển này không hạn chế. Nhờ đó, họ chuyển hàng tiếp tế đến Syria từ căn cứ hải quân Novorossiysk tại Biển Đen đến các cảng của Nga ở Tartus và Latakia.
Trong lịch sử, tàu Nga được thoải mái đến Địa Trung Hải qua eo biển. Tuy nhiên, theo Công ước Montreux, Thổ Nhĩ Kỳ có thể chặn tàu quân sự Nga một cách hợp pháp với hai điều kiện: nếu họ đang chiến tranh với Nga hoặc cảm thấy nước mình đang bị "đe dọa với nguy cơ xảy ra chiến tranh".
Tàu Nga từ căn cứ Novorossiysk tạiBiển Đen phải đi qua eo biển Thổ Nhĩ Kỳ nếu muốn đến căn cứ Nga tại Syria ở Địa Trung Hải. Đồ họa: Google Maps |
Aaron Stein, một chuyên gia về Thổ Nhĩ Kỳ nhận xét rằng, hiện vẫn chưa rõ liệu Ankara có đi xa đến mức đóng cửa eo biển với Nga hay không, ngay cả trong thời điểm rất căng thẳng này.
"Tôi nghĩ rằng kịch bản này sẽ làm dấy lên một tình thế kiểu Thế chiến II", Stein viết. "Tôi cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ để mở eo biển theo các thỏa thuận và thực tiễn lịch sử", ông bình luận.
Tuy nhiên, khi Nga đang tăng cường hiện diện quân sự dọc theo biên giới phía nam Thổ Nhĩ Kỳ, thì theo điều 21 của Montreux, Ankara có thể cắt đứt một trong các liên kết quan trọng nhất của Nga đến Syria, nếu họ cảm thấy bị đe dọa vì nguy cơ chiến tranh.
Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đã ra hiệu rằng nước này sẵn sàng tiến hành một số bước trả đũa bằng cách sử dụng eo biển. Leonid Bershidsky, một cây bút trên Bloomberg View, hôm qua viết rằng Thổ Nhĩ Kỳ ép "tàu chở hàng Nga chờ hàng giờ trước khi cho phép đi qua eo biển Bosporus".
Không chỉ có vậy, Thổ Nhĩ Kỳ còn cáo buộc Nga tiếp tục nhắm mục tiêu vào phiến quân và làng người Turk dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria, phớt lờ yêu cầu dừng lại của Ankara. Về mặt lý thuyết, điều này đã có thể đủ cho Thổ Nhĩ Kỳ dùng đến điều 21.
Tổng thống Tayyip Erdogan rất quan tâm đến cuộc sống của người Turk ở Syria, nhóm người được người Thổ Nhĩ Kỳ coi như "bà con". Theo nhóm nghiên cứu an ninh Soufan, ông Erdogan quyết tâm xây dựng ảnh hưởng sâu rộng trong khu vực và cho rằng Nga đang nhắm mục tiêu vào người Turk ở Syria, từ đó gây ảnh hưởng đến mục tiêu này. "Có thể hiểu việc này khiến Tổng thống Erdogan và chính phủ của ông bực bội đến nhường nào", nhóm này viết.
Tàu hải quân Nga hồi đầu tuần chạm trán tàu ngầm Thổ Nhĩ Kỳ khi đi qua eo biểnDardanelles. Ảnh: AA |
Đồng thời, eo biển Thổ Nhĩ Kỳ cũng giữ vai trò quan trọng đối với chiến dịch quân sự của Nga tại Syria.
"Việc triển khai tàu đổ bộ lớp Ropucha và Alligator cùng quân phụ trợ giữ vai trò rất quan trọng trong việc tiếp tế và duy trì quân đội Nga bên trong Syria", Cem Devrim Yaylali, một nhà phân tích hải quân Thổ Nhĩ Kỳ, viết trên blog của mình cuối tuần qua.
"Nếu tàu Nga không thể đi qua các eo biển Thổ Nhĩ Kỳ vì bất kỳ lý do nào, thì những binh sĩ Nga đóng tại Syria có thể lâm vào tình cảnh giống như quân đội của tướng Paulus", ông nói thêm.
Tướng Paulus là một chỉ huy của Đức quốc xã trong Thế chiến II, dẫn đầu quân phát xít Đức trong chiến dịch tấn công vào Stalingrad, Liên Xô năm 1942. Ông ta và quân đội của mình cuối cùng phải đầu hàng sau khi tiếp viện của Đức bị Liên Xô chặn đứng. Việc Đức bị đánh bại tại Stalingrad được cho là bước ngoặt trong cuộc chiến, mở đường cho chiến thắng của quân đồng minh năm 1945.
Yaylali ngụ ý rằng Nga và quân đội Nga hậu thuẫn ở Syria có thể phải chịu số phận tương tự nếu tàu hải quân Nga bị chặn, không đến được đông Địa Trung Hải và không thể tiếp viện cho quân đội của họ.
Boris Zilberman, một chuyên gia về Nga tại Tổ chức Quốc phòng Dân chủ, trung tâm nghiên cứu tại Washington, nhấn mạnh rằng việc tránh một cuộc đụng độ với quy mô lớn hơn với NATO đã khiến Nga chỉ có những động thái đáp trả hạn chế.
"Quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ giờ như một mồi lửa. Sự suy thoái trong quan hệ là mất mát cho cả Moscow và Ankara", ông nói thêm.
Theo VnE