“Chúng tôi đã sẵn sàng để đáp trả vào tối hôm qua nhằm vào 3 địa điểm khác nhau, nhưng đó là lúc tôi đặt ra câu hỏi, sẽ có bao nhiêu người chết. Một tướng lĩnh trả lời rằng 150 người. 10 phút trước khi chiến dịch khởi động, tôi đã ngăn chặn nó…nó không tương xứng với một vụ bắn hạ máy bay không người lái. Tôi không có gì phải vội” – ông Trump viết trên Twitter vào sáng hôm thứ Sáu.
Trước thông tin về việc ông Trump thu hồi chỉ thị tấn công vào phút chót, nhiều người đặt ra câu hỏi tại sao ông không được thông báo về con số thương vong trước khi các tướng lĩnh quân đội thực hiện cuộc tấn công nhằm vào các hệ thống radar và tên lửa của Iran?
Bằng việc hủy lệnh tấn công, ông Trump đã làm đúng với lương tâm của mình – và với mong muốn tránh khỏi một cuộc chiến mới ở Trung Đông – đó là một nguyên tắc cốt lõi trong niềm tin chính trị của ông và cũng là một cam kết quan trọng mà ông đưa ra trong chiến dịch tái tranh cử Tổng thống diễn ra vào tháng 11/2020.
Thế nhưng, quyết định đó dường như đã phơi bày một quy trình chính sách bị phá vỡ và hỗn loạn liên quan tới vấn đề an ninh quốc gia trọng yếu, giữa lúc mà Lầu Năm Góc đang thiếu vắng một vị Bộ trưởng Quốc phòng chính thức.
Nhìn rộng hơn, việc hủy một quyết định tấn công sẽ khiến các bên thù địch của nước Mỹ vin vào để tiếp tục gây sức ép với ông Trump nhiều hơn. Ông cũng đã trao một chiến thắng cho thù địch của Mỹ - Iran – bằng cách thể hiện rằng nước này có thể bắn hạ một thứ vũ khí trị giá 110 triệu USD của Mỹ mà không chịu đòn trừng phạt. Iran có thể cảm thấy rằng việc tấn công nhằm vào các lợi ích của Mỹ có thể không khiến họ chịu các đòn đáp trả.
Quá ít lựa chọn tốt
Trong lúc ông Trump muốn giảm thang căng thẳng với Iran, đội ngũ an ninh quốc gia của ông lại muốn điều ngược lại (Ảnh: Politico)
|
Quyết định mà ông Trump đưa ra cũng cho thấy rõ rằng ông có quá ít lựa chọn hợp lý để một mặt đáp trả hành động của Iran, mặt khác không đẩy tình hình vào chỗ quá căng thẳng đến điểm bùng phát xung đột.
Cần phải ghi nhân mặt tích cực trong quyết định của ông Trump rằng ông đã ngăn chặn được chuỗi các sự kiện có thể khiến nước Mỹ bị kéo vào một cuộc chiến tranh không hồi kết khác ở Trung Đông. Ông Trump đã cứu sống nhiều người Iran và cả người Mỹ. Có lẽ điều khó khăn nhất đối với một vị Tổng thống là ngăn chặn một chiến dịch quân sự trong lúc nó sắp được thực hiện, và trong khi đứng đằng sau là cả một dàn các chính trị gia có tư tưởng diều hâu ủng hộ chiến dịch đó.
Nhưng mặt khác, hành động của ông Trump khó có thể dọn đường cho một bước đột phá trong cuộc khủng hoảng với Iran, hoặc Iran khó có thể coi đây là một động thái thiện chí để quay lại bàn đàm phán với Mỹ.
Ông Trump – người luôn nỗ lực đảo ngược mọi chính sách mà người tiền nhiệm Barack Obama từng thực thi – chắc chắn không thích phép so sánh này. Nhưng quyết định vừa qua của ông cũng tương tự như quyết định hủy kế hoạch tấn công Syria vào năm 2013 của ông Obama, thay vào đó đặt ra lằn ranh đỏ đối với vũ khí hóa học. Động thái lúc đó của ông Obama hứng chỉ trích kịch liệt của phe Cộng hòa, những người giờ đang ủng hộ ông Trump.
Trong lúc Washington chờ đợi bước đi tiếp theo của Tổng thống, các hãng truyền thông đại chúng liên tiếp đăng tải các bài viết về quyết định ngừng chiến dịch tấn công của ông Trump, và điều này có thể định hình quyết định trong tương lai – có nghĩa rằng vài ngày tới đây là khoảng thời gian quan trọng nhưng đầy hỗn loạn.
Cũng có một manh mối cho thấy cách thức mà ông Trump phản ứng trước khủng hoảng Iran từ một đoạn tweet mà ông đăng tải, trong lúc mà người tiền nhiệm của ông đang cân nhắc đòn tấn công bằng tên lửa hành trình nhằm vào Syria.
“Lý do duy nhất mà Tổng thống Obama muốn tấn công Syria là để giữ thể diện cho tuyên bố về Lằn ranh đỏ ngốc nghếch mà ông từng đưa ra. Đừng tấn công Syria, hãy sửa đổi nước Mỹ” – ông Trump viết trên Twitter vào tháng 9/2013.
Giữa lúc vật lộn với tình thế tiến thoái lưỡng nan về Iran, ông Trump bị mắc kẹt giữa một bên là các đảng viên Cộng hòa yêu cầu ông đáp trả cứng rắn, một bên là đảng Dân chủ cảnh báo ông đang lao vào một cuộc chiến, và cuối cùng là những cố vấn an ninh quốc gia có quan điểm diều hâu – những người muốn Mỹ lao vào cuộc xung đột với Iran. Rõ ràng là thuận theo bên nào cũng không thể mang lại cho ông Trump một thắng lợi chính trị.
Từ trước đến nay, điều may mắn nhất trong sự nghiệp chính trị của ông Trump chính là thực tế ông chưa phải đối mặt với một tình huống an ninh quốc gia khẩn cấp như vừa qua. Cuộc khủng hoảng dần trở nên tồi tệ hơn còn đặt chính quyền vốn đã hỗn loạn của ông Trump vào một phép thử chưa từng có. Ông Trump có thể cần phải kêu gọi sự hỗ trợ từ các đồng minh mà ông thường xuyên chỉ trích.
Ông Trump sẽ làm gì tiếp theo?
Ông Trump chắc chắn không muốn bị coi là yếu đuối khi sắp tham gia nhiều sự kiện quan trọng ở Nhật Bản (Ảnh: Daily Star)
|
Để dự đoán động thái tiếp theo của ông Trump, người ta thường nhìn xem điều gì sẽ mang lại lợi ích về mặt chính trị cho ông nhiều nhất. Nhưng cuộc khủng hoảng hiện tại lại đặt 2 lợi ích cá nhân của ông Trump vào chỗ xung đột.
Tránh khỏi một cuộc chiến ở nước ngoài là nguyên tắc cốt lõi của ông Trump. Tổng thống Mỹ thậm chí không muốn triển khai quân đội Mỹ ở các nước đồng minh trong thời bình, chứ chưa nói đến một cuộc chiến ở Vùng Vịnh. Thế nhưng, việc tung đòn đáp trả tương xứng - như bắn hạ một máy bay không người lái của Iran, hay tấn công hệ thống tên lửa đã bắn hạ máy bay không người lái của Mỹ - sẽ chỉ khiến Iran có thêm hành động gia tăng căng thẳng. Và ông Trump sẽ lại bị kéo vào vũng lầy ở Trung Đông.
Tổng thống Trump cũng còn phải cân nhắc tới hình ảnh và uy tín của bản thân.
Thất bại của ông trong việc đáp trả Iran sẽ khiến cho nhiều người ấn tượng rằng giọng điệu “lửa và phẫn nộ” cùng cá tính đầy mạnh mẽ của ông hóa ra chỉ là cái mã. Bản thân ông Trump cũng hiểu rằng các thế lực nước ngoài như Trung Quốc, Triều Tiên và Nga đang theo dõi sát sao diễn biến. Ông Trump chắc chắn không thích bị xem là yếu đuối, khi ông sắp sửa bước vào các vòng họp quan trọng với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tổ chức ở Nhật Bản.
Vấn đề kinh điển của Tổng thống
Có lẽ đây là lần đầu tiên mà ông Trump bị đẩy vào một tình cảnh hiểm nghèo mà nhiều đời Tổng thống trước từng vướng vào: Một vấn đề rõ ràng không có kết quả tốt nhưng lại bị đẩy lên bàn làm việc của Tổng thống bởi những người khác không thể giải quyết nổi.
Ông Trump luôn có một khái niệm riêng của mình về lợi ích quốc gia – và ông áp dụng nó khi cân nhắc về mọi vấn đề chính sách ngoại giao gai góc. Nhưng tình cảnh vừa qua lại khác. Sinh mạng người dân Mỹ như thế nào lại dựa trên quyết định phản ứng của ông. Mỹ có thể bị kéo vào một cuộc chiến với một thế lực hùng mạnh hơn nhiều so với Iraq trước kia. Một cuộc chiến kéo dài với Iran có thể làm nảy sinh các thế lực địa chính trị và thế lực trong nước có khả năng hủy hoại vị trí Tổng thống của ông.
Các vấn đề an ninh quốc gia khẩn cấp thường đẩy một chính quyền tới giới hạn cuối cùng của nó và cần có sự đồng lòng của nhiều cơ quan hữu quan. Một vấn đề với ông Trump là, trong lúc ông mong muốn giảm thang căng thẳng với Iran, đội ngũ cố vấn an ninh quốc gia của ông lại muốn điều ngược lại, trong khi Iran cũng không sẵn lòng hợp tác. Đó là bởi chính quyền Washington vẫn đang duy trì các đòn cấm vận hà khắc đối với nền kinh tế Iran.
Các sự kiện xảy ra gần đây như vụ bắn hạ máy bay không người lái của Mỹ, các vụ tấn công tàu chở dầu trên Vịnh Oman, và việc chính quyền Tehran cảnh báo sẽ phá vỡ hạn chế về làm giàu uranium… đều là những cái giá mà Mỹ phải trả. Nếu không gỡ bỏ các đòn trừng phạt nhằm vào Iran, Mỹ vẫn sẽ bị mắc kẹt trong tình thế khủng hoảng hiện tại.
(Theo CNN)