Ở phía Nam thành phố Brussels, trong khuôn viên nhà máy sản xuất ô tô của thương hiệu Audi thuộc tập đoàn Volkswagen, đang diễn ra một cuộc cách mạng như vậy. Volkswagen đã chi hàng tỷ USD để nâng cấp các nhà máy trải dài từ Đức đến Trung Quốc, nhằm phục vụ quá trình sản xuất ô tô dựa trên nền tảng xe điện. Ngoài ra, tập đoàn sản xuất ô tô lớn nhất thế giới cũng cho biết sẽ sử dụng một phần trong doanh thu bán những chiếc xe chạy bằng nhiên liệu để sản xuất pin và xây dựng mạng lưới sạc điện. Theo kế hoạch, trong vòng 5 năm tới, “gã khổng lồ” nước Đức sẽ mạnh tay chi thêm 30 tỷ euro (34 tỷ USD) để tạo ra thêm một phiên bản điện hoặc xe động cơ lai (hybrid) cho mỗi dòng xe trong bộ sưu tập của mình. Bên cạnh đó, tập đoàn này cũng dự định sẽ trình làng thêm 70 mẫu xe điện hoàn toàn mới đến năm 2028, nhằm hướng đến mục tiêu có đến 4 trong số 10 chiếc xe ô tô được bán là xe điện.
Ngoài Volkswagen, các nhà sản xuất ô tô trên khắp thế giới đều đang bước vào cuộc đua để thích nghi với một thế giới mới mà trong đó điện sẽ thay thế xăng và dầu diesel. Tại nhiều nơi, các nhà máy sản xuất và lắp ráp đang được đại tu để chuyển hướng sản xuất ô tô điện và các nhà sản xuất ô tô cũng đang nắm bắt mọi cơ hội mà họ có thể thấy. Hãng nghiên cứu Bernstein cho biết dòng sản phẩm xe điện đang tạo ra sức hút chưa từng có, bởi vì chỉ cách đây chưa đến 10 năm, vào khoảng những năm 2010, doanh số bán sản phẩm này gần như bằng 0 mỗi năm.
Theo các chuyên gia thị trường, dù có bước khởi đầu chưa được suôn sẻ, song thị trường ô tô toàn cầu đang dần tiến đến một điểm phát triển bùng nổ, nơi các dòng xe điện sẽ được sản xuất một cách đại trà giữa bối cảnh chi phí sản xuất pin giảm và áp lực từ các cơ quan quản lý, các khoản trợ cấp của chính phủ. Chuyên gia phân tích tại công ty nghiên cứu Bernstein, Max Warburton nhận định những yếu tố này đã kết hợp với nhau để tạo động lực cho ngành công nghiệp ô tô truyền thống chuyển sang điện khí hóa một cách nghiêm túc.
Theo Hải Quan