"Thế giới cũ đã biến mất": 5 điểm quan trọng trong bài phát biểu của Tổng thống Putin

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Các trung tâm quyền lực mới đã trỗi dậy, trật tự thế giới đơn cực sẽ không trở lại, và lối suy nghĩ “thực dân” đã thất bại, Tổng thống Nga phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg ngày 17/6.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Spputnik)
Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Spputnik)

Trật tự thế giới cũ đã bay theo gió

Khi Mỹ tuyên bố chiến thắng trong Chiến tranh Lạnh, người Mỹ tự coi mình là “sứ giả của Chúa trời trên Trái đất”, với những lợi ích được coi là linh thiêng và không có nghĩa vụ gì, ông Putin nói tại sự kiện. Các trung tâm quyền lực mới đã trỗi dậy kể từ sau đó, và họ có quyền bảo vệ những hệ thống, mô hình kinh tế và chủ quyền của họ. Đây thực sự là “những thay đổi mang tính cách mạng, kiến tạo trong địa chính trị, nền kinh tế thế giới, trong lĩnh vực công nghệ, trong toàn bộ hệ thống các mối quan hệ quốc tế”, và “mang tính chất nền tảng, tiên phong, không thể lay chuyển được”, ông Putin nói. “Sẽ là sai lầm khi cho rằng một bên có thể chờ đợi cho đến khi những thời khắc thay đổi đầy biến động đó qua đi, rằng mọi thứ sẽ trở lại bình thường, rằng mọi thứ sẽ nguyên vẹn như đã từng. Sẽ không như vậy.”

Các lệnh trừng phạt chống Nga phản tác dụng

Khi Mỹ và các đồng minh của họ thực hiện chiến dịch “xóa bỏ” nước Nga do xung đột ở Ukraine, họ hy vọng sẽ làm đứt gãy nền kinh tế và xã hội Nga. Thế nhưng các lệnh trừng phạt này lại bay ngược về phía những người tạo ra nó, gây ra nhiều vấn đề kinh tế và xã hội, làm tăng giá thực phẩm, điện năng và nhiên liệu, làm ảnh hưởng tới chất lượng sống của người dân ở khắp phương Tây, đặc biệt là ở châu Âu.

“Liên minh châu Âu đã hoàn toàn mất chủ quyền chính trị của họ, và hàng ngũ tinh túy của họ đang nhảy theo điệu nhạc của người khác, chấp nhận bất cứ thứ gì mà bên trên bảo họ, gây hại cho người dân và nền kinh tế của chính nước họ”, ông Putin nói.

Công dân EU sẽ phải trả giá vì “quyết định tách rời khỏi thực tế và đi ngược lại giá trị chung”, ông nói thêm, bởi tổn thất trực tiếp từ riêng các lệnh trừng phạt có thể vượt qua mức 400 tỉ USD một năm.

Họ tự khiến giá năng lượng và lạm phát tăng

Đổ lỗi cho Nga về giá năng lượng cao và lạm phát ở phương Tây – “Putin tăng giá”, như Nhà Trắng đã gọi – là “điều ngu ngốc” và “chỉ dành cho những người không biết viết hay đọc”, lãnh đạo Nga nói. “Đừng đổ lỗi cho chúng tôi, hãy đổ lỗi cho chính mình”, ông Putin nói.

EU “đã tin vào các nguồn năng lượng tái sinh một cách mù quáng” và từ bỏ các hợp đồng khí đốt dài hạn với Nga, khiến cho giá năng lượng tăng đột biến trong năm ngoái, theo lãnh đạo Nga. Trong khi đó, cả Mỹ và EU đều giải quyết đại dịch COVID-19 bằng cách in thêm hàng nghìn tỉ USD và euro.

Sắp có sự thay đổi trong hàng ngũ lãnh đạo phương Tây

Những chính sách mà giới lãnh đạo EU và Mỹ đã áp dụng đang làm tăng sự bất bình đẳng và chia rẽ trong xã hội của họ, không chỉ xét về an sinh xã hội mà cả về giá trị và sự định hướng của nhiều nhóm người, ông Putin nói.

“Sự tách rời thực tế như vậy, tách khỏi nhu cầu của xã hội, chắc chắn sẽ dẫn tới sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy và sự phát triển các phong trào cực đoan, dẫn tới những thay đổi về kinh tế và xã hội, tới sự suy đồi và trong tương lai gần là sự thay đổi của giới tinh hoa”, lãnh đạo Nga nói.

Nếu có nạn đói, không phải lỗi của Nga

Các lệnh trừng phạt mà Mỹ và EU áp với Nga – đặc biệt là với xuất khẩu phân bón và lúa mì – là một trong số những nguyên nhân gây ra bất ổn an ninh lương thực toàn cầu đang gia tăng, ông Putin chỉ ra. Nếu như có nạn đói ở các nước nghèo nhất thế giới, “điều đó hoàn toàn là do chính quyền Mỹ và EU.”

Vấn đề với nguồn cung thực phẩm đã gia tăng trong vài năm gần đây – chứ không phải vài tháng – do “những hành động thiếu tầm nhìn của những người đã quá quen với việc giải quyết những vấn đề của họ dựa trên lưng của người khác”, vắt kiệt dòng chảy thương mại bằng cách in thêm tiền theo kiểu “chính sách thực dân cướp bóc”, ông Putin nói.

Nga sẵn sàng gửi lương thực tới châu Phi và Trung Đông, nơi mà nguy cơ về nạn đói hiện hữu, nhưng lại phải đối mặt với những chướng ngại về “vận chuyển, tài chính” do bị phương Tây cấm vận, ông nói.

Nguyên nhân của xung đột Ukraine

Nga đã triển khai binh sĩ tới Ukraine trong tháng 2 là do phương Tây từ chối tuân thủ các cam kết của họ, và “đơn giản là không thể đạt được bất kỳ thỏa thuận nào với họ”, ông Putin nói. Đây là quyết định “buộc phải đưa ra, nhưng cần thiết”, bởi Nga với tư cách một nước có chủ quyền có quyền bảo vệ an ninh, công dân của họ và người dân ở Donbass khỏi “hành động diệt chủng của Kiev và những kẻ phát xít mới nhận được sự bảo vệ của phương Tây.”

Phương Tây đã bỏ ra nhiều năm để biến Ukraine thành một nhà nước “chống Nga” và bơm vũ khí, triển khai cố vấn đến nước này, ông Putin nói, chỉ ra rằng họ “không thèm quan tâm” về nền kinh tế hay người dân của Ukraine, mà chỉ “muốn mở rộng để đặt dấu chân của NATO ở phía Đông, nhằm vào Nga, để reo rắc sự hung bạo, thù ghét và chứng sợ Nga.”

“Mọi mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt này đạt được một cách vô điều kiện”, ông Putin nói.

Phát triển kinh tế thể hiện chủ quyền

Trong thế kỷ 21, chủ quyền không thể là cục bộ, ông Putin nói. Tất cả các yếu tố của nó đều quan trọng và củng cố lẫn nhau, và nền kinh tế là một trong số đó. Có 5 nguyên tắc quan trọng mà Nga sẽ tuân thủ trong phát triển kinh tế: Cởi mở, tự do, công bằng xã hội, cơ sở hạ tầng và chủ quyền công nghệ.

Nga “sẽ không bao giờ đi theo con đường tự cô lập”, mà sẽ mở rộng tiếp xúc với bất cứ ai mong muốn thương mại, ông Putin nói, thêm rằng có “rất nhiều nước như vậy”. Moscow cũng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân, xây dựng và sửa chữa cơ sở hạ tầng giao thông, tìm cách giảm sự bất bình đẳng xã hội, và đảm bảo rằng các công nghệ quan trọng của họ không phải phụ thuộc vào hàng nhập khẩu từ nước ngoài.

Theo RT