Thành phố “thông minh” để làm gì?

Vũ Tuấn Anh
Vũ Tuấn Anh

Chuyên gia tư vấn khởi nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Hãy lường trước nhiều hậu quả của thế giới số như hạ bệ thần tượng, gieo rắc hoài nghi, hủy hoại đạo đức… Cần xác định rõ: Thành phố “thông minh” để làm gì?  

Kết nối không biên giới

Mới đây thôi, TP.HCM vừa khai trương Không gian sáng tạo và trải nghiệm chuyển đổi số TP.HCM (mở cửa từ ngày 12/10 đến ngày 12/11/2020 tại Tầng 20, Tháp B, Tòa nhà Viettel, 258 Cách Mạng Tháng Tám, Quận 3, TP.HCM) để người dân có cơ hội tham quan và tìm hiểu thêm về mô hình chuyển đổi số.

Thấy được những chuyển động hòa nhịp với dòng chảy của cuộc cách mạng CNTT đó, thực sự vui. Nhưng câu hỏi: "Thành phố thông minh để làm gì?"  đã kích hoạt trong tôi nhiều suy nghĩ trăn trở về tương lai rất gần của cuộc sống thông minh với những thị dân trong các siêu thành phố - Mega City.

Thành phố thông minh sẽ tạo cho chúng ta rất nhiều nối kết giữa những vật thể tưởng chừng như không thể kết nối được, ví dụ như văn phòng không giấy, thiết bị điều khiển ánh sáng trong văn phòng, căn hộ, máy điều hòa nhiệt độ, thiết bị bảo vệ, chống trộm cắp … thông qua các kết nối IoT.

Ngày nay, cả thế giới chúng ta cùng đang di chuyển liên tục, làm việc không ngừng nghỉ, với những kết nối siêu tốc độ 4G ngày hôm nay, 5G của ngày mai và thậm chí nhiều G của tương lai sẽ đến. Chúng ta có thể kết nối vô hạn với những người bạn trên khắp năm châu với đủ các mối quan tâm đa dạng. Chúng ta có thể nhìn lại cuộc sống của chúng ta và dự báo thông qua những dữ liệu tích hợp từ trải nghiệm quá khứ và hiện tại của chúng ta – Big Data.

Trong một thế giới tương lai gần, con người dường như có một năng lực vô hạn kiểm soát, kết nối và làm chủ thế giới bên ngoài. Tất cả chúng ta đều nghĩ rằng loài người có quyền phép như  “Chúa Tể của thế giới”.

Không gian sáng tạo và trải nghiệm chuyển đổi số TP.HCM (mở cửa từ ngày 12/10/2020 đến ngày 12/11/2020) - Ảnh: VT
Không gian sáng tạo và trải nghiệm chuyển đổi số TP.HCM (mở cửa từ ngày 12/10/2020 đến ngày 12/11/2020) - Ảnh: VT

Đừng để máy móc “đè bẹp” con người

Nhưng, thử tĩnh lại chút xíu, ngồi ngẫm lại cuộc sống đó có thật sự hạnh phúc hay không khi mà chúng ta có thể kết nối cả thế giới tuy nhiên lại ít ai quan tâm tới chính sự an bình nội tâm trong cuộc sống của chúng ta?

Câu hỏi: “Chúng ta có thể an lạc trong cuộc sống số kết nối với toàn bộ thế giới được hay không?”, thiết nghĩ, là câu hỏi lớn trăn trở  đặc biệt cho những thị dân số trong các thành phố “thông minh” trên toàn thế giới.   

Từ khi chúng ta bước vào dòng chảy mạnh mẽ 4.0, đã có quá nhiều lời than phiền về việc nhiễu loạn thông tin, dẫn tới hoang mang, nghi ngờ, lạc lối. Xã hội 4.0 bộc lộ nhiều cái ác khó kiểm soát, như vấn đề đạo đức và công bằng trên mạng xã hội, khi mà bất cứ ai cũng có thể trở thành “miếng mồi ngon” để toàn thiên hạ “cõi mạng” xâu xé mà không hề biết lý do thực sự là gì?

Sự độc quyền thông tin giữa các nhà cung cấp dịch vụ số, quyền mua đi bán lại dữ liệu cá nhân của người dùng đã thỏa đáng chưa với các công dân chịu chấp nhận gia nhập xã hội số? Hãy nhớ rằng, vì nhiều hệ lụy đã xảy ra, nên không phải thị dân nào cũng sẵn sàng chấp nhận bước vào thế giới số. Xét về quyền con người, họ có quyền từ chối nếu như chính quyền chưa chứng minh được thật sự cần thiết phải làm như thế, chẳng hạn như việc chuyển đổi từ chứng minh thư nhân dân sang thẻ căn cước có gắn chip. Nếu công dân đang giữ chứng minh thư còn hạn sử dụng, họ có quyền từ chối việc đổi sang thẻ căn cước công dân gắn chip.

Hãy lường trước nhiều hậu quả của thế giới số như cuộc suy thoái đạo đức không biên giới, hạ bệ thần tượng, gieo rắc hoài nghi, tấn công vào tương lai, hủy hoại lối sống chuẩn mực trong xã hội, lừa đảo, đánh cắp dữ liệu, tấn công và chiếm giữ tài sản của người dùng… Cần xác định rõ: Thành phố thông minh để làm gì? Và đừng để máy móc sẽ “đè bẹp” con người.

Những người bán hàng, công ty số đã thực sự minh bạch, đúng đắn trong thế giới số hay chưa? Hay còn có quá nhiều lừa đảo, bán hàng gian, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng? Và/hoặc đã có đủ hành lang pháp lý để xử lý những sự việc phát sinh trong thế giới số?

Không gian sáng tạo và trải nghiệm chuyển đổi số TP.HCM (Ảnh: VT)
Công dân có thể đến thăm quan Không gian sáng tạo và trải nghiệm chuyển đổi số TP.HCM (Ảnh: VT)

Thành phố thông mình để làm gì nếu như các công nghệ, phương tiện, công cụ không tạo ra cho con người những giá trị văn hóa sâu sắc, yêu thương nhiều hơn và cuối cùng là nhân bản nhiều hơn. Nên nhớ, ngày nay, đã có rất nhiều công trình nghiên cứu chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ vượt trội hơn chúng ta về khả năng, mà tự chúng còn cảm thấy chúng “nhân văn” – nghĩa là người hơn cả con người chúng ta.

Chúng ta chỉ có thể vượt qua máy móc khi chúng ta có cảm xúc, sự sáng tạo và hơn thế nữa, một cộng đồng bạn bè người thân gia đình đủ lớn để chúng ta có thể an lạc trong thế giới số của hiện tại và tương lai.

Tất cả các thành phố thông minh sẽ giống nhau như khuôn đúc về phần xác hay phần cứng – trang thiết bị và giải pháp. Tuy nhiên, phần hồn, bao gồm văn hóa – yêu thương và nhân bản - chính là những giá trị vượt trội giúp định vị những thành phố thông minh đáng sống trên thế giới với nhau. 

Sẽ thế nào nếu khi uống một ly vang thông minh chúng ta có thể truy cập tới những cánh đồng và những nhà ủ vang tại nước Ý xa xôi và chia sẻ những cảm xúc tận đáy lòng với người nông dân làm ra chai rượu chúng ta đang uống? Hiện tại, họ còn phải chịu hậu quả nặng nề của dịch bệnh COVID-19 hay không?

Khi ăn một món ăn chế biến từ cá ngừ miền Trung Việt Nam chúng ta có thể nhìn thấy và chia sẻ tấm lòng của chúng ta hướng về những người nông dân, ngư dân đang chịu sự gian nan trước bão tố hoành hành năm nào cũng trở đi trở lại? Sẽ thế nào nếu chúng ta vừa thưởng thức những tiện nghi nhất của thế giới số, vừa có thể gửi những biểu hiện của tình yêu thương vô tận ra với những người ngư dân Bình Định thông qua kết nối 5G, vượt sóng biển đến với đảo Hoàng Sa thân thương.

Cuộc sống chắc chắn thú vị hơn bội phần nếu khi chúng ta thưởng thức những món đặc sản sạch của miền đồng bằng Sông Cửu Long và rồi ngay sau đó có thể gặp gỡ, kết nối, hỗ trợ cho con cái của những cô bác nông dân đang trồng rau sạch chuyển về thành phố, để con cái họ có thể đặt chân lên ngưỡng cửa đại học, bước đến giảng đường tiếp nhận những kiến thức từ các ngành công nghệ của tương lai.

Thành phố thông minh chính là một hệ sinh thái khi toàn bộ thị dân của thành phố sống trong một không gian sinh thái có những nét đặc biệt riêng của thành phố. Trong hệ sinh thái đó, các thị dân có thể sử dụng các công nghệ thông minh để kích hoạt, lan tỏa và chia sẻ văn hóa, yêu thương và nhân bản không những trong thành phố đó mà còn ra khắp cả năm châu để chúng ta có thể an lạc hơn trong không gian số, thay vì hỗn loạn, nghi ngờ, sợ hãi như trong quá khứ của nhân loại.