Tham vọng đất vàng của nhóm Veracity

VietTimes – Veracity có mối liên hệ với một nhóm các doanh nghiệp khoáng sản, tài chính, địa ốc; nhóm này đang nắm giữ tới cả trăm triệu cổ phần của một ngân hàng.
Summit Building đã được đổi chủ sang Veracity. (Ảnh: dự án đang được thi công bởi tổng thầu IBS)

Đầu tháng trước, UBND TP. Hà Nội đã ban hành quyết định cho phép liên danh Công ty TNHH Hoa Phượng Thăng Long Hà Nội và Công ty TNHH Thương mại đầu tư bất động sản 216 chuyển nhượng toàn bộ dự án nhà ở cao tầng kết hợp dịch vụ thương mại - Summit Building (tại thửa B, khu đất số 216 đường Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho Công ty Cổ phần Veracity (Veracity).

Theo quyết định, phần chuyển nhượng là dự án nhà ở cao tầng kết hợp dịch vụ thương mại - Summit Building. Đây là công trình hỗn hợp cao 35 tầng, 1 tum cùng 4 tầng hầm và 1 sàn lửng hầm được xây dựng trên khu đất có diện tích khoảng 2.373m2.

Tổng diện tích sàn xây dựng hơn 52.217m2. Tổng vốn đầu tư dự kiến gần 800 tỷ đồng (trong đó vốn nhà đầu tư 158 tỷ đồng, vốn vay ngân hàng và huy động hợp pháp khác 634 tỷ đồng). Tiến độ thực hiện dự án từ quý IV/2016 - quý IV/2019.

Bên nhận chuyển nhượng – Veracity – đến nay vẫn còn là cái tên tương đối xa lạ với phần đông giới địa ốc. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của VietTimes, đứng sau pháp nhân này là nhóm nhà đầu tư khá có tiềm lực, thậm chí có cả một ngân hàng làm bệ đỡ.

Theo đó, Veracity có mối liên hệ với một nhóm các doanh nghiệp khoáng sản, tài chính, địa ốc; Nhóm này đang nắm giữ cả trăm triệu cổ phần của một ngân hàng TMCP. Đồng thời hoạt động khá tích cực nhưng kín đáo trên thị trường bất động sản thủ đô.

Không chỉ dự án 216 đường Trần Duy Hưng, nhóm này đã thâu tóm nhiều dự án khác, nổi bật trong số đó có thể kể đến dự án khủng nằm ở ngã ba đường Hoàng Quốc Việt – Phạm Văn Đồng hay một dự án khác tại phường Phúc Lợi, quận Long Biên. Được biết, hai dự án này trước đó vốn chung chủ với dự án nhiều tai tiếng 8B Lê Trực.

Đáng chú ý, không gói gọn ở thủ đô và không giới hạn trong lĩnh vực địa ốc, nhóm nhà đầu tư này còn choán hoạt động ra nhiều địa phương và ở nhiều lĩnh vực thuộc ngành công thương.

Một dự án đắc địa khác tại thủ đô của nhóm đầu tư đứng sau Veracity.

Khoản nợ nghìn tỷ

Trở lại với Veracity, trong một nỗ lực cân đối nguồn lực tài chính cho tham vọng thâu tóm đất vàng của mình, mới đây công ty này đã huy động thành công 1.135 tỷ đồng qua việc phát hành trái piếu qua hình thức chứng chỉ và bút toán ghi sổ.

Thương vụ hoàn tất ngày 04/11/2019, với lãi suất kỳ đầu tiên tối thiểu bằng 11,75%/năm (các kỳ tiếp theo lãi suất được tình bằng lãi suất cơ sở cộng tối thiểu 4,25%/năm).

Không bất ngờ khi tổ chức đại lý phát hành, đại lý lưu ký và quản lý chuyển nhượng cho thương vụ là Công ty cổ phần chứng khoán Dầu khí (PSI); Còn tổ chức quản lý tài khoản trái phiếu và quản lý tài sản đảm bảo là ngân hàng mẹ của PSI.

Toàn bộ lô trái phiếu trên được mua trọn bởi một nhà đầu tư tổ chức được giấu tên, nhưng nếu truy nguyên dòng tiền, nó hẳn rất có thể được thu xếp bởi một ngân hàng – bởi quy mô nghìn tỷ của thương vụ là không dễ có với một tổ chức phi định chế tài chính.

Nếu vậy thì là ngân hàng nào?...