Seaprodex Sai Gon: Những chuyển biến bên trong

VietTimes -- Như đã đề cập, năm 2013 là mốc thời gian có tính bước ngoặt đối với Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Sài Gòn - Seaprodex Sai Gon (UPCoM: SSN). Trong sự thay đổi sâu sắc tại cấu trúc thượng tầng, cần thiết phải kể đến sự xuất hiện của ông Nguyễn Văn Liêm, người thay thế bà Bùi Thị Phương Thảo trên cương vị lãnh đạo cao nhất ở SSN – Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT).
Doanh nhân Nguyễn Văn Liêm, ông chủ ThanhNien Corp và là người có ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của SSN. (Ảnh: Internet)
Doanh nhân Nguyễn Văn Liêm, ông chủ ThanhNien Corp và là người có ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của SSN. (Ảnh: Internet)

Thực ra, ông Liêm và bà Thảo vốn tham gia cơ cấu quản trị SSN cùng lúc. Đó là tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2013, diễn ra vào ngày 29/05/2013, là 2 trong số 4 nhân sự mới trong cuộc “thay máu” HĐQT ở công ty.

Bà Bùi Thị Phương Thảo, cử nhân Đại học Tài chính – Kế toán, xuất thân từ một nhân viên phòng tài chính Gò Vấp, rồi làm Kế toán trưởng Ban quản lý công trình quận Gò Vấp. Sau đó, từ tháng 06/1997, bà về công tác tại Seaprodex Sai Gon, trải qua nhiều cương vị công tác trong hệ thống công ty thành viên của Tổng Công ty Thủy sản Việt Nam (Seaprodex).

Còn về ông Nguyễn Văn Liêm, khác với bà Bùi Thị Phương Thảo, ông Liêm không có thâm niên công tác hay trưởng thành từ hệ thống doanh nghiệp của Seaprodex. Ông Liêm sinh năm 1971, quê Bình Định, tốt nghiệp cử nhân tài chính (Đại học Ngân hàng TP HCM), từng là một cán bộ tín dụng của Sacombank, rồi ra làm doanh nghiệp.

Khi tham gia cơ cấu quản trị SSN, ông Liêm đang là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thanh Niên (ThanhNien Corp). Giống với nhiều doanh nhân thành danh quê Bình Định khác, ông Liêm ghi dấu ấn trong giới bất động sản Sài thành.

Khi được bầu vào HĐQT Seaprodex Sai Gon, ông Liêm không có sở hữu cá nhân với cổ phần SSN. Nhưng ThanhNien Corp, pháp nhân do ông Liêm làm Chủ tịch và chi phối phần lớn cổ phần, lại là cổ đông lớn của SSN – với tỷ lệ sở hữu 7,36%, lớn thứ nhì sau cổ đông Nhà nước.

Ngày 11/12/2013, HĐQT SSN họp phiên thứ 11 và ban hành Nghị quyết số 11/NQ-HĐQT/2013, trong đó quyết nghị thống nhất thông qua đơn từ nhiệm của bà Bùi Thị Phương Thảo, đồng thời thống nhất ông Nguyễn Văn Liêm thay thế giữ chức Chủ tịch HĐQT.

Kể từ đây, hoạt động của Seaprodex Sai Gon gắn chặt với ThanhNien Corp. Từ một doanh nghiệp quốc doanh thua lỗ triền miên, SNN được tư nhân hóa, cắt lỗ và bước vào chu kỳ phát triển mới.

Chặn lỗ

Ngày 24/01/2014, SSN tổ chức phiên ĐHĐCĐ bất thường để kiện toàn nhân sự. HĐQT mới của công ty chỉ còn 3 cái tên: Nguyễn Văn Liêm (Chủ tịch), Nguyễn Ngọc Toàn, Nguyễn Xuân Toàn.

Theo tìm hiểu, ông Ngọc Toàn và ông Xuân Toàn cũng là cộng sự của ông Liêm tại một số doanh nghiệp trong ThanhNien Corp. Tương tự là các nhân sự mới trong Ban kiểm soát SNN: bà Lê Thị Diệu Phú, ông Nguyễn Thanh Quốc và ông Vũ Cao Trung.

Những thay đổi thượng tầng, mà sâu hơn là những biến động sở hữu ở Seaprodex Sai Gon, sớm cho kết quả. Năm 2014, SSN bắt đầu báo lãi trở lại. Tuy chỉ 1,4 tỷ đồng nhưng đã là rất tích cực.

Năm đó, trong các hoạt động đầu tư của SSN, có một giao dịch đáng chú ý. Công ty đem 83,5 tỷ đồng (vượt cả quy mô vốn chủ sở hữu) để thực hiện cho vay. Bao gồm khoản cho vay đến CTCP Vật tư Xuất Nhập khẩu Tân Bình (Tamexim) theo hợp đồng cho vay số tiền 33,2 tỷ đồng có thời hạn 9 tháng (đáo hạn 11/5/2015), lãi suất cho vay 0,01%/tháng; và hợp đồng cho mượn số tiền 52,3 tỷ đồng có thời hạn 12 tháng, lãi suất 5%/năm.

Nên biết, Tamexim vốn là một doanh nghiệp nhà nước, sau cổ phần hóa và nhiều biến động, đã trở thành một thành viên trong hệ thống ThanhNien Corp.

Hai tân nhân sự SSN là ông Nguyễn Ngọc Toàn (Thành viên HĐQT) và bà Lê Thị Diệu Phú (Trưởng Ban Kiểm soát) từng thay nhau đảm nhận cương vị Tổng Giám đốc Tamexim.

Về kết quả quan hệ giữa ThanhNien Corp và Tamexim, có thể kể đến dự án bất động sản The Harmona – vốn từng nóng lên giữa năm 2016, với chuyện siết nợ của Ngân hàng BIDV chi nhánh Bắc Sài Gòn.

Tăng vốn

Năm 2015, quy mô vốn của SSN có sự chuyển biến lớn. Ngày 10/09/2015, HĐQT SSN ban hành Nghị quyết số 24B/2015-HQQT, qua đó quyết nghị thông qua việc phát hành riêng lẻ 30 triệu cổ phiếu, để tăng vốn điều lệ từ mức 96 tỷ đồng lên 396 tỷ đồng. Theo nghị quyết này, danh sách nhà đầu tư dự kiến mua cổ phần chào bán gồm 7 cái tên.

Trong đó, có 1 pháp nhân là CTCP Đầu tư Thanh Niên Sài Gòn (20,2 triệu cp) và 6 thể nhân là Nguyễn Trọng Trí (1,7 triệu cổ phiếu), Nguyễn Thị Thu Mỹ (1,5 triệu cổ phiếu), Trần Minh Tính (1,5 triệu cp), Vũ Đức Tâm (1,7 triệu cp), Nguyễn Thị Hằng (1,5 triệu cổ phiếu) và Nguyễn Khải Hưng (1,9 triệu cp); với giá phát hành dự kiến là 10.000 đồng/cp.

Nếu các giao dịch diễn ra như dự kiến, CTCP Đầu tư Thanh Niên Sài Gòn sẽ sở hữu 51,01% vốn và trở thành công ty mẹ của SSN. Được biết, CTCP Đầu tư Thanh Niên Sài Gòn mới chỉ được thành lập vào tháng 10/2014, với vốn điều lệ 100 tỷ đồng và các cổ đông sáng lập là ThanhNien Corp (30%), Nguyễn Xuân Toàn (20%), Nguyễn Văn Liêm (30%), Vũ Cao Trung (20%).

Tuy nhiên, trên thực tế, danh sách tham gia đợt phát hành 30 triệu cổ phiếu riêng lẻ của SSN đã có nhiều thay đổi.

Chốt tại 31/12/2015, danh sách cổ đông lớn của SSN toàn là các thể nhân, gồm: ông Nguyễn Nhân Kiệt (51,01%); ông Nguyễn Trọng Trí (8,08%), ông Nguyễn Ngọc Toàn (5,57%), bà Lâm Thị Trang Nhã (4,86%), ông Nguyễn Xuân Tồn (4,85%).

Theo tìm hiểu, ông Nguyễn Nhân Kiệt sinh ngày 22/02/1982, từng đảm nhận trọng trách tại nhiều công ty được cổ phần hóa từ DNNN, như CTCP Đầu tư Xây dựng Bưu chính Viễn thông (Saicom), CTCP Địa ốc Thủ Thiêm (Thu Thiem REC); CTCP Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Nam Tiến (Natico). Đây đều cũng là những doanh nghiệp có liên hệ với ThanhNien Corp.

Ông Nguyễn Xuân Toàn, như đề cập phía trên, là cổ đông sáng lập nên CTCP Đầu tư Thanh Niên Sài Gòn. Còn ông Nguyễn Trọng Trí là cổ đông của Thu Thiem REC. Bà Lâm Thị Trang Nhã, sinh ngày 17/12/1991, là Tổng Giám đốc của CTCP Đầu tư Thanh Niên Sài Gòn khi mới thành lập.

Có vẻ như các nhà đầu tư tham gia đợt phát hành riêng lẻ ở SSN ít nhiều đều là chỗ thân quen với ThanhNien Corp.

Vậy, bản chất của hoạt động tăng vốn trên là như thế nào, số vốn tăng thêm đã được sử dụng ra sao, điều này tác động gì đến cổ phiếu SSN, hệ sinh thái doanh nghiệp của ThanhNien Corp có gì đáng chú ý?

Đón đọc…/.