Bức tranh robot toàn cầu
Theo “Báo cáo World Robotics 2018” của Liên đoàn Robot Quốc tế (IFR- Internatinal Federation of Robotics), năm 2017 so với 2016, số lượng robot công nghiệp bán ra tăng 30%, với tổng số 381.335 chiếc, còn doanh số tăng 21% đạt mức 16.2 tỷ USD. Trong doanh số này, không tính chương trình phần mềm, thiết bị ngoại vi, thiết bị kỹ thuật hệ thống.
Nếu tính đầy đủ doanh số này sẽ đạt mức 48 tỷ USD. Trong đó, khách mua chủ yếu là Trung Quốc, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc và Hoa Kỳ, chiếm 73% doanh số bán robot toàn cầu (Hình 1).
Hình 1: Trung Quốc là khách hàng đứng đầu toàn cầu về mua robot.
|
Năm 2017, với số lượng mua sắm robot là 138.000 đơn vị, Trung Quốc đã vượt toàn bộ Mỹ và Châu Âu cộng lại (112.400 chiếc) và tăng 59% so với 2016. Đồng thời, theo thông báo của IFR, lần đầu tiên trong khối lượng mua sắm này, thị phần của các nhà cung cấp robot Trung Quốc đã giảm từ 31% (năm 2016) xuống còn 25% (năm 2017).
So với 2016, năm 2017, doanh số bán robot công nghiệp auto tăng 22%, điện tử 33% (chủ yếu ở các nước Châu Á), dược phẩm và mỹ phẩm tăng 24%, thực phẩm và đồ uồng tăng 19% tương ứng.
Đồng thời, doanh số bán robot tăng nhanh nhất (55%), là trong ngành công nghiệp sản xuất máy móc và gia công kim loại, và tăng chậm nhất (7%) là trong lĩnh vực công nghiệp cao su và đồ nhựa.
Tổng cộng năm 2017, trong nền công nghiệp toàn cầu hiện có hơn 2.098.000 robot công nghiệp, con số này cao hơn 15% so với năm 2016. Những robot này, chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất auto và điện tử. Hình 2 là biểu thị sự tăng trưởng số robot đang hoạt động trong công nghiệp trên toàn thế giới giai đoạn 2009-2017, và dự kiến đến 2021.
Hình 2: Tăng trưởng số robot đang hoạt động trong công nghiệp trên toàn thế giới giai đoạn 2009-2017, và dự kiến đến 2021.
|
Trong tất cả các lĩnh vực công nghiệp, auto là lĩnh vực có mật độ robot trên 10.000 lao động là lớn nhất. Cụ thể năm 2017, ở Hàn Quốc con số này là 2435, Canada là 1354, Mỹ là 1200, Đức là 1162, Nhật là 1158, Pháp là 1156, Áo là 1083 và Slovenia là 1075. Sau đó là công nghiệp điện tử, chẳng hạn năm 2017, Hàn Quốc đứng đầu với số robot trên 10.000 lao động, là 533 đơn vị.
Các Tập đoàn sản xuất robot hàng đầu thế giới là Yaskawa, FANUC, Kawasaki, Nachi-Fujikoshi, Epson (đều của Nhật Bant), ABB (Thụy Sĩ), Kuka (Đức, Trung Quốc), Stäubli (Thụy Sĩ), Comau (Italia) và Adept Technology Inc. (Mỹ, Nhật).
Hàng năm IFR thường công bố kết quả mức độ sử dụng robot trong sản xuất công nghiệp ở các quốc gia khác nhau, tính trên đơn vị 10.000 lạo động. Một chỉ số tương đối tiêu biểu cho mức độ phát triển CMCN 3.0 của một quốc gia.
Chẳng hạn theo báo cáo của IFR năm 2018, tính trung bình cho toàn thế giới, chỉ số này 85. Trên Hình 3, là biểu đồ số lượng robot, mà các quốc gia sử dụng trong nền sản xuất công nghiệp nước mình năm 2017, do IFR công bố. Dẫn đầu là Hàn Quốc, với 710 robot trên 10.000 người lao động. Robot được sử dụng chủ yếu trong các ngành công nghiệp auto và kỹ thuật điện.
Hình 3: Số lượng robot, mà các quốc gia sử dụng trong nền sản xuất công nghiệp nước mình năm 2017, do IFR công bố.
|
Sau Hàn Quốc là Singapore với số lượng 658 robot. Khoảng 90% số robot này, là thiết bị tự động có liên quan đến ngành công nghiệp điện. Đức là quốc gia tự động hóa cao nhất ở Châu Âu. Cứ 10.000 người lao động trong sản xuất công nghiệp thì có 322 robot. Theo IFR, năm 2017, 41% doanh số robot bán tại châu Âu là ở Đức.
Năm 2017, những quốc gia có số robot công nghiệp cao nhất/10.000 người lao động lần lượt như sau: Hàn Quốc - 710, Singapore - 658, Đức - 322, Nhật Bản - 308, Thụy Điển - 240, Đan Mạch - 230, Mỹ - 200, Đài Loan - 197, Bỉ - 192, Ý - 190, Hà Lan - 172, Áo - 167, Canada - 161, Tây Ban Nha - 157, Slovakia - 151, Slovenia - 144, Phần Lan - 139, Pháp - 137, Thụy Sĩ - 129, Czech - 119, China – 97 (Hình 3).
Năm 2016, những quốc gia có số robot công nghiệp cao nhất/10.000 người lao động, nhưng đứng dưới chỉ số trung bình toàn cầu bao gồm: Úc - 83, Anh - 71, Bồ Đào Nha - 58, Hungary - 57, Na U- 51, New Zealand - 49, Thái Lan - 45, Malaysia - 34, Ba Lan - 32, Mexico- 31, Israel - 31, Nam Phi - 28, Thổ Nhĩ Kỳ - 23, Argentina - 18, Hy Lạp - 17, Romania - 15, Estonia - 11, Brazil - 10, Croatia - 6, Indonesia - 5, Nga - 3, Philippines - 3, Ấn Độ - 3 (Hình 4).
Trung bình Châu Âu, chỉ số robot công nghiệp là 106, Bắc Mỹ là 91 và Châu Á là 75 tương ứng. Nhìn chung từ năm 2010 đến năm 2016, tốc độ tăng trưởng của robot công nghiệp trung bình hàng năm ở châu Á là 9%, ở Mỹ 7%, ở châu Âu 5% tương ứng.
Hình 4: Những quốc gia có số robot công nghiệp cao nhất/10.000 người lao động, nhưng đứng dưới chỉ số trung bình toàn cầu.
|
Trong các nước G7, Anh có lẽ là ngoại lệ về việc sử dụng robot công nghiệp. Trong khi đó, ở các nước Đông Âu như Slovakia (151), Slovenia (144) và Czech (119) chỉ số này tăng khá nhanh. Ở những quốc gia này, việc tuyển dụng lao động cho sản xuất ngày càng khó khăn, nên việc tự động hóa sản xuất trở thành một xu hướng tất yếu.
Mỹ hiện có tỷ lệ robot công nghiệp là 200 trên 10.000 lao động. Những năm gần đây, chỉ số này có tốc độ tăng trưởng khá cao (khoảng 7-8%/năm). Lý do là các chính phủ Mỹ những năm gần đây (đặc biệt là thời Donald Trump) đang khuyến khích các doanh nghiệp đưa sản xuất mà họ đang đầu tư ở nước ngoài quay trở lại Mỹ. Đồng thời, robot công nghiệp cũng đang ngày càng rẻ đi đáng kể.
Ở Châu Á, Trung Quốc có tốc độ tăng trưởng tự động hóa sản xuất cao nhất. Năm 2017, chỉ số này là 97 robot trên 10.000 lao động, cao gần gấp 4 lần so với năm 2013 (25).
Trong tình hình tỷ lệ sinh đẻ thấp, giá nhân công ngày một cao, Trung Quốc dự kiến sẽ tiếp tục phát triển tự động hóa sản xuất. Theo kế hoạch đến năm 2020, Trung Quốc sẽ trong top 10 các quốc gia có nền sản xuất công nghiệp tự động hóa cao nhất thế giới. Số lượng robot trong sản xuất công nghiệp sẽ tăng lên 150 đơn vị. Ngoài ra, trong 5 năm 2012-2017, sản xuất robot công nghiệp của Trung Quốc tăng 81% và cuối năm 2017, đạt sản lượng 130.000 đơn vị.
Trung Quốc sẽ là một trong những nước dẫn đầu trong nền sản xuất dùng robot
Năm 2017, theo ABI Research đến năm 2025, thị trường robot công nghiệp sẽ tăng trưởng trung bình 16% mỗi năm. So với 2016, đến 2025, tổng số robot sẽ tăng gấp ba (Hình 7). Đồng thời, tập đoàn tư vấn BCG (Boston Consulting Group) dự đoán rằng, với sự trợ giúp của robot, tỷ lệ những nhiệm vụ có thể giải quyết được, sẽ tăng từ 8% ngày hôm nay lên 26% vào năm 2025.
Hình 7: Theo ABI Research đến năm 2025, thị trường robot công nghiệp sẽ tăng trưởng trung bình 16% mỗi năm. So với 2016, đến 2025, tổng số robot sẽ tăng gấp ba lần.
|
Trung Quốc, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ, sẽ là những quốc gia dẫn đầu trong nền sản xuất dùng robot. Cùng nhau, họ sẽ chiếm 80% tất cả các giao dịch mua bán robot. Theo đánh giá của nhà phân tích Sirkin từ BCG, khác với nền sản xuất đương đại, khi người ta chỉ có thể tăng năng suất gấp đôi trong vòng 10 năm, trong nền công nghiệp robot, có thể tăng năng suất gấp đôi trong vòng 4 năm.
Việt Nam vẫn ở đáy chuỗi giá trị gia tăng của nền kinh tế toàn cầu
Hiện nay, chiến tranh thương mại Mỹ- Trung và giá nhân công ngày càng cao, đang khiến nhiều tập đoàn đa quốc gia nghĩ đến việc rời khỏi Trung Quốc. Tuy nhiên, đến nay đã khá rõ ràng, là đích đến của họ không phải là các nước Đông Nam Á, vì những nhà sản xuất hàng đầu không còn quá mặn mà với nguồn nhân công giá rẻ.
Như chúng ta thấy, trong khi cuộc CMCN 3.0 với các dây chuyền sản xuất công nghiệp sử dụng robot và các nhà máy tự động hóa toàn bộ đang tiếp tục tăng tốc, chưa có dấu hiệu dừng, thì CMCN 4.0 đã bắt đầu khởi động và đang nhanh chóng thâm nhập vào mọi mặt đời sống. Tất cả những điều này, đang làm thay đổi đến tận gốc rễ quan hệ giữa các quốc gia, cũng như mọi mặt cuộc sống.
Rõ ràng để vận hành và quản lý một nhà máy, một xí nghiệp tự động hóa toàn bộ, chỉ cần một vài chuyên gia cao cấp có kiến thức chuyên môn và tay nghề rất cao. Những chuyên gia như vậy, hiển nhiên dễ kiểm ở Phương Tây hơn nhiều, so với ở Đông Nam Á.
Ngoài ra, việc quay về Châu Âu và Mỹ đặt nhà máy xí nghiệp, có thể giúp các tập đoàn toàn cầu tránh được rủi ro, phát sinh từ những tình huống xấu tương tự cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Đồng thời, các nhà sản xuất lại có điều kiện ở gần hơn thị trường những khách hàng chính tiêu thụ sản phẩm của mình.
Nghĩa là sắp tới, Việt Nam cũng không có nhiều cơ hội tăng tốc phát triển, nếu chỉ dựa vào mô hình kinh tế hiện nay, lấy xuất khẩu và khu vực vốn FDI (72% xuất khẩu và 20.7% GDP) làm nền tảng. Lý do là vì, mô hình kinh tế này chủ yếu dựa vào đầu tư, vào gia công lắp ráp, xuất khẩu lao động phổ thông và tài nguyên giá rẻ. Và như vậy, không còn phù hợp trong một thế giới đang thay đổi.
Theo Ousmane Dione, Giám đốc World Bank Việt Nam “Hiện nay Việt Nam vẫn nằm ở đáy chuỗi giá trị gia tăng của nền kinh tế toàn cầu và ngày càng xuống thấp hơn”.
Đặc biệt, trong khi các ngành sản xuất ở khu vực FDI rất thành công, thì hoạt động của các doanh nghiệp nội địa lại ngày càng tụt hậu. Cụ thể, trong kim ngạch hàng xuất khẩu của Việt Nam chỉ có khoảng 50% giá trị là nội địa (Hình 5). Hàm lượng nhập khẩu trong trong kim ngạch hàng xuất khẩu Việt Nam, đang là cao nhất trong các nước ASEAN.
Hình 5: Kim ngạch hàng xuất khẩu của Việt Nam chỉ có khoảng 50% giá trị là nội địa.
|
Đồng thời, còn một hiện trạng đáng lưu ý khác nữa, là trong việc sản xuất những mặt hàng giá trị càng cao (điện tử, điện thoại, …), thì tỷ lệ giá trị nội địa lại càng thấp. Chẳng hạn, trong các mặt hàng điện tử của các nhà sản xuất Việt Nam, trung bình tỷ lệ này chỉ là 40%.
Cũng theo Ousmane Dione, một biểu hiện khác của “Việt Nam vẫn nằm ở đáy chuỗi giá trị gia tăng của kinh tế toàn cầu”, là các công ty Việt Nam thường tham gia vào công đoạn lắp ráp cơ bản, có giá trị gia tăng thấp so với các công đoạn khác như nghiên cứu và phát triển, thiết kế, tiếp thị và dịch vụ hậu mãi (Hình 6).
Như chúng ta thấy ở Hình 6, trong CMCN 3.0 giá trị gia tăng của công đoạn lắp ráp, chế biến chế tạo vốn đã thấp, thì trong CMCN 4.0, giá trị gia tăng của công đoạn này còn tiếp tục giảm sâu hơn nữa.
Hình 6: Các công ty Việt Nam thường tham gia vào công đoạn lắp ráp cơ bản.
|
Rất khó để Việt nam thoát đáy
Để thoát khỏi tình trạng này và thu được giá trị lớn hơn trong chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu, rõ ràng các công ty Việt Nam cần phải vượt ra khỏi công đoạn sản xuất lắp ráp và cần đầu tư nhiều hơn vào những công đoạn tiền sản xuất: nghiên cứu và phát triển, thiết kế. Cũng như đầu tư nhiều hơn vào những công đoạn hậu sản xuất: tiếp thị, dịch vụ hậu mãi. Đấy là về nguyên tắc, còn thực tế thì sao?
Thứ nhất là về đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, thiết kế. Về đầu tư R&D và phát minh sáng chế, Việt Nam hiện đầu tư 1,8 tỷ USD (20 USD/người). Trong khi đó Thái Lan: 5,2 tỷ USD (75 USD/người), Malaysia: 9,78 tỷ USD (306 USD/người) và Trung Quốc: 470,6 tỷ USD (gần 320 USD/người).
Còn về phát minh sáng chế: Giai đoạn 2006-2010, Việt nam có tổng cộng 5 US patent (bằng sáng chế đăng ký ở Mỹ), trong khi con số này của Indonesia là 74, Philippines là 143, Thái Lan là 206 và Malaysia là 877. Theo báo cáo của Research LLC, năm 2017, các nhà sáng chế Trung Quốc đã nhận được tổng cộng 11.241 US patent, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2016. Như vậy Trung Quốc đã lọt vào top 5 các nước dẫn đầu thế giới về số US patent, chỉ sau Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đức.
Thứ hai, về việc đầu tư vào tiếp thị, dịch vụ hậu mãi. Rõ ràng việc này cũng đòi hỏi nhân lực lao động có chất lượng cao. Trong khi đó, theo một khảo sát của World Bank về chất lượng lao động, Việt Nam xếp hạng 11/12 (trong những nước được khảo sát) ở Châu Á. Cụ thể, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam hiện nay chỉ đạt 3,39 trên 10 điểm. Trong khi một số nước trong khu vực như Malaysia chỉ số này là 5,59, và Thái Lan là 4,94 điểm.
Ngoài ra năm 2018, tỷ lệ lao động qua đào tạo của Việt Nam là 22%, chỉ bằng 1/3 của Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore. Đồng thời trong giai đoạn 2011-2017, lực lượng này chỉ đáp ứng 20-30% nhu cầu phát triển kinh tế Việt Nam.
Mặt khác, cơ cấu lao động Việt Nam cũng rất bất hợp lý, đặc trưng bởi tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” nghiêm trọng. Trong khi xấp xỉ 200.000 cử nhân và ThS thất nghiệp, thì thợ có tay nghề cao lại rất thiếu. Nếu mô hình cơ cấu lao động chuẩn thế giới là Cao đẳng-Đại học/Trung cấp/Sơ cấp-Dạy nghề là 1/4/10, thì ở Việt nam là 10/3/5 tương ứng.
Tóm lại, với mức độ đầu tư, hiệu quả đầu tư đổi mới sáng tạo, R&D, khoa học công nghệ, chất lượng nhân lực lao động như hiện nay, mà kỳ vọng có thể phát triển đột phá bằng trí tuệ tự thân, để có được những giá trị cao hơn trong chuỗi giá trị gia tăng của kinh tế toàn cầu, và bước vào hàng ngũ những nhà sản xuất danh giá, thì thật là rất mơ hồ.
Thách thức với chúng ta ngày càng lớn
Phải chăng vì vậy, mà gần đây ở Việt Nam, người ta rất thích nói và đặt rất nhiều hy vọng vào Al (nhân công trí tuệ - máy nghĩ) và robot (nhân công tứ chi phát triển - máy làm). Dường như đó là những công cụ hoàn hảo và quyền năng, có thể giúp chúng ta dễ dàng tạo ra đột phá về tăng tưởng năng suất lao động và kinh tế.
Về robot, tôi cố thử tìm những thông báo chính thức về chỉ số robot công nghiệp trên 10.000 lao động của Việt nam, nhưng không được. Tôi chỉ tìm được những số liệu rời rạc. Chẳng hạn, năm 2018, tập đoàn ABB Thụy Sỹ công bố, là trong thời gian vừa qua, họ đã bán cho VINCOM hơn 1000 robot dùng trong dây chuyền lắp ráp auto Vinfast và khoảng 2000 robot cho các nhà sản suất hàng điện tử.
Ngoài ra đầu 2019, còn có những thông báo khác về việc robot được đưa vào dây chuyền sản xuất ở một số nhà máy ở Bình Dương và Công ty CP bột giặt và hóa chất Đức Giang – Lào Cai.
Tuy nhiên nhìn chung, có lẽ qui mô robot hóa dây chuyền sản xuất ở Việt Nam còn chưa đủ lớn, đến mức Liên đoàn Robot Quốc tế phải xúc động và đưa những con số thống kê Việt Nam vào báo cáo World Robotics 2018 của mình (Hình 4).
Trong bài này, tôi chỉ xin phép đề cập đến CMCN 3.0, còn CMCN 4.0 là câu chuyện khác. Sơ bộ, chỉ có thể nói một điều, là trong số 100 quốc gia sẵn sàng nhất cho CMCN 4.0, Việt Nam đứng trong top 25 cuối, còn Trung Quốc có mặt trong top 25 đầu tiên.
Tổ chức tư vấn quốc tế McKinsey dự đoán rằng, khoảng 20% lực lượng lao động hiện nay trên toàn thế giới, hay là 800 triệu lao động có thể mất việc do tự động hóa. Tuy nhiên, còn quá sớm để lo lắng về điều này, đây chỉ là những dự đoán sơ bộ. Còn nhiều yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến công ăn việc làm của người lao động.
Nhiều nghiên cứu gần đây của các chuyên gia Phương Tây chỉ ra rằng, sẽ xuất hiện nhiều công ăn việc làm mới, mà chúng ta chưa thể hình dung được.